17:00 08/01/2023

Nghịch lý ngành rau quả: Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng cao

Chu Khôi

Xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2022 giảm 6,6% so với năm 2021; ngược lại, nhập khẩu lại tăng tới 35%. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ngày càng mở cửa thị trường rộng hơn, nhưng cùng với đó là áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất trong nước cũng trở nên quyết liệt hơn…

Chế biến xoài đóng hộp để xuất khẩu đi EU
Chế biến xoài đóng hộp để xuất khẩu đi EU

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỷ USD). Trong khi đó, từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 2,02 tỷ USD, tăng tới 35%.

XUẤT KHẨU SUY GIẢM DÙ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG THÀNH CÔNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, năm 2022 được coi là năm thành công về mở cửa thị trường cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Đặc biệt, một số loại trái cây như sầu riêng, chuối tươi, khoai lang đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thông qua Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật được ký kết giữa hai nước.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, quả chanh và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand, sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15/11/2022. Bên cạnh đó, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã công bố trên trang web của Chính phủ cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản vào ngày 18/11/2022. Một sự kiện đáng nhớ khác trong tháng 11/2022, quả bưởi tươi trở thành loại trái cây thứ bảy của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Trong năm 2022, rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do nước này áp dụng chính sách “Zero Covid-19” nên xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt 1,53 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2021.

Trái ngược với Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan… vẫn tăng trưởng, tuy nhiên do lượng xuất đi các thị trường này thấp nên chưa tác động nhiều đến thương mại ngành rau quả.

CHI HÀNG TRĂM TRIỆU USD NHẬP KHẨU TỎI, VÌ SAO?

Từ chiều ngược lại, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu rau quả năm 2022 lên tới 2,02 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2021.

Trong đó, kim ngạch nhóm rau củ chiếm 20% và 80% là trái cây. Về nguồn nhập khẩu, Trung Quốc chiếm thị phần nhiều nhất trên 40%, Hoa Kỳ chiếm 17%, Australia chiếm 9%, New Zealand chiếm 7%, Hàn Quốc chiếm 2,8%, Thái Lan chiếm 2,4%...

Về chủng loại trái cây nhập khẩu, táo là trái cây được nhập về nhiều nhất, đạt giá trị 257 triệu USD, tăng 46% so với năm 2021; nguồn nhập lớn từ New Zealand, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Nghịch lý ngành rau quả: Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng cao - Ảnh 1

Theo Hiệp hội Táo của Hoa Kỳ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của quả táo Hoa Kỳ. Trong ngành xuất khẩu táo, Hoa Kỳ đã ghi nhận con số kỷ lục, Việt Nam nhập khẩu 2 triệu thùng/năm, tương đương khoảng 40.000 tấn. Sau táo, nho cũng là trái cây được nhập khẩu nhiều, đạt gần 192 triệu USD (tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021); nguồn nhập khẩu chính từ Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Đối với nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều nhất là: khoai tây, hành tây, tỏi, cải thảo, bắp cải, nấm, cam, quýt, nho, lê, táo, lựu…

Đặc biệt, theo Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tính trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi tổng cộng 133 triệu USD để nhập tỏi. Tại sao tỏi trong nước ế đến mức phải “giải cứu” mà hàng năm vẫn tốn đến hàng trăm triệu USD để nhập tỏi? Đây là câu hỏi được các chuyên gia đặt ra.

Không chỉ nhập tỏi từ Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam còn chi 10,9 triệu USD nhập các loại nấm, tăng 73,4%; chi 8,8 triệu USD nhập cà rốt, tăng 183,3%; chi 8,2 triệu USD nhập táo, tăng 87%; chi 7 triệu USD nhập khoai tây hay 6,8 triệu USD nhập nho…

Từ 10 năm trước, điều tra của báo chí cho biết hiện tượng “những chuyến buôn hai chiều” từ chính các thương lái người Việt Nam. Chiều Việt Nam sang Trung Quốc thì thu gom tỏi ở Nam Sách, Kim Môn (Hải Dương) với giá 20.000- 25.000/kg tỏi tươi tại vườn, phơi sấy, đóng gói để xuất khẩu Trung Quốc với giá từ 40.000- 45.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại thì nhập tỏi Trung Quốc với giá 10.000 đồng/kg để bán ở thị trường Việt Nam. Tỏi Trung Quốc giá rất rẻ, dễ bóc, và có thể “để cả năm” không thối, không mọc mầm... chính là nguyên nhân cho các chuyến hàng tỏi, các hợp đồng nhập tỏi..., cho dù chất lượng không thể so bì với tỏi nội địa, nhất là tỏi Kim Môn, tỏi Lý Sơn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2 phát hành ngày 9-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nghịch lý ngành rau quả: Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng cao - Ảnh 2