09:59 16/01/2023

Ngành gỗ kỳ vọng xuất khẩu đạt 18 tỷ USD

Chu Khôi

Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên. Nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý 2/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%...

Sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ sẽ hồi phục vào cuối quý 1/2023.
Sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ sẽ hồi phục vào cuối quý 1/2023.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuối tuần vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%. Đây được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản…

THỊ TRƯỜNG BẮC MỸ VÀ EU “ĐỨNG IM” DO SUY THOÁI

Theo ông Lập, nửa cuối năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tỉnh đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã phải cắt giảm lao động, hạn chế sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.

“Trước đây, vào dịp cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đều rất bận rộn, tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất đi Châu Âu và chuẩn bị đơn hàng cho năm sau. Thế nhưng năm nay, hàng tồn rất nhiều trong các doanh nghiệp ngành gỗ, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu nào cho năm 2023, dẫn đến phải sản xuất cầm chừng”, ông Lập nói.

Trong kim ngạch toàn ngành 16,928 tỷ USD của năm 2022, các mặt hàng chế biến sâu chỉ chiếm hơn một nửa. Nguyên nhân bởi, hai thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng này là Hoa Kỳ và EU gần như “đóng băng” suốt 3 quý cuối năm 2022. Ngành gỗ hầu như chỉ tận dụng được thời cơ trong quý 1/2022, nhờ những đơn hàng cũ từ năm 2021.

 

"Từ nay đến hết quý 1/2023 thị trường gỗ có thể vẫn còn chịu sức ép giảm sút khoảng 50% khả năng tiêu thụ. Nếu suôn sẻ, đến cuối quý 1, lượng hàng tồn cơ bản sẽ được tiêu thụ hết. Hàng đồ gỗ chế biến sâu như bàn, ghế, tủ… có thể thâm nhập trở lại các thị trường lớn".

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Ông Lập nhận định nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý 2/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

Để làm được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp: Đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các Hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...

Để kích cầu, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm cách giảm chi phí sản xuất, giúp các nhà nhập khẩu có nhiều "không gian" để khuyến mại sản phẩm. Một số cách được ông Lập nêu ra như hạn chế sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực quản trị.

“Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng thông qua việc cải tiến mẫu mã, tập trung vào các nhóm hàng có giá trị cao, hướng đến mở văn phòng đại diện tại các thị trường chính để giới thiệu sản phẩm”, ông Lập khuyến nghị.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng đi đôi với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Bởi lẽ, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Trên cơ sở đó, ông Lập kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, bởi lẽ, họ có công nghệ, tiềm lực thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.

PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG RỪNG

Ông Lập nêu một vấn đề khác đó là nguyên liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ cũng đang gặp khó khăn. Hiện nay, 65% nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp là rừng trồng trong nước và 35% là nhập khẩu. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá vận chuyển, giá thuê container cao, giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.

"Mấu chốt của ngành gỗ hiện nay là bài toán nguyên liệu. Muốn hoạt động xuất khẩu bền vững, có giá trị gia tăng cao, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Trước mắt, cần có cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh rừng trồng", ông Lập nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, ngành lâm nghiệp đã đạt và vượt toàn bộ 5 chỉ tiêu Chính phủ giao, gồm: trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản, dịch vụ môi trường rừng và giá trị xuất khẩu.

 

"Trong tỷ lệ che phủ 42,02% như hiện tại, ngành lâm nghiệp cần quy hoạch rõ các khu vực phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Nâng cao chất lượng rừng không chỉ dừng ở việc sử dụng những giống tốt hơn mà còn là bố trí cơ cấu rừng một cách hài hòa hơn".

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Trị, trồng rừng, bảo vệ rừng không chỉ được xem là cốt yếu nhằm đảm bảo nguyên liệu cho ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, mà đây còn là xương sống để đảm bảo cho hoạt động bán tín chỉ carbon.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đã hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ này. Tổng diện tích rừng trồng là 259.615ha, đạt 106,4% kế hoạch, bằng 105,9% so với năm 2021, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất (249.369ha). Cây phân tán trồng khoảng 122 triệu cây, đạt 103% kế hoạch năm. 

Cuối tháng 12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (thỏa thuận ERPA), gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có). 

Đối tượng hưởng lợi từ thỏa thuận, gồm: Chủ rừng, UBND cấp xã có thỏa thuận tham gia, cộng đồng dân cư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng như quỹ trực thuộc 6 tỉnh. Riêng đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, định mức hỗ trợ được Nghị định 107 nêu rõ là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.

Xác định ERPA là cơ sở để tạo ra những quy trình về sau trong việc bán và quản lý phát thải khí nhà kính, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp địa phương sớm xây dựng kế hoạch để tận dụng tối đa nguồn thu này, tạo sức bật mới cho ngành.