Thưa ông, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, có thế mạnh là lĩnh vực tư vấn, phản biện. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về công tác này ở VUSTA?
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn với 156 hội thành viên, trong đó có 93 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam còn có gần 600 đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo, nhiều cơ quan báo chí, tạp chí… Như vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam là nơi tập hợp rất đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của đất nước, đây thực sự là “Ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam”.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, bên cạnh việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức, Liên hiệp Hội Việt Nam còn chủ động tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội việc hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng của quốc gia, địa phương, bộ, ngành.
Thời gian qua, mỗi năm hệ thống của Liên hiệp Hội Việt Nam đã tăng cường công tác tư vấn, phản biện khoảng 500-600 nhiệm vụ, tập trung vào việc góp ý các dự thảo Báo cáo Chính trị; dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; một số dự thảo luật quan trọng, dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN…
Thí dụ, mới đây Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”; Hội thảo “Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”; Hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”. Đặc biệt là trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, Liên hiệp hội Việt Nam lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị như là hội nghị cử tri KH&CN đóng góp ý kiến cho Quốc hội, Đảng và Nhà nước về phát triển đất nước.
Cùng với đó, Liên hiệp hội Việt Nam ở địa phương, hội ngành toàn quốc cũng đã triển khai nghiên cứu, đề xuất, tổ chức tư vấn, phản biện bằng nhiều hình thức khác nhau cho các dự án, đề án, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, ngành nghề…
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vốn mang tính xã hội, độc lập, khách quan. Vậy, tính “độc lập, khách quan” có gặp khó khăn không, thưa ông?
Tuy đạt được nhiều kết quả trong hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, song Liên hiệp Hội Việt Nam còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ, như: việc đặt hàng với Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội do chưa có cơ chế bắt buộc nên chưa được thường xuyên; các điều kiện cho công tác quan trọng này còn nhiều hạn chế.
Hầu hết các dự án được Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội là do Liên hiệp hội Việt Nam tự chủ động đề xuất. Số lượng các chương trình, dự án được Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện thời gian qua dù là khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Kinh phí cấp cho hoạt động tư vấn, phản biện chưa tương xứng với công sức, trí tuệ của các trí thức KH&CN đã bỏ ra.
Để vượt qua các khó khăn đó, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?
Để công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội có hiệu quả cao hơn, các cơ quan Đảng và Nhà nước hãy tin tưởng, tôn trọng trí thức hơn nữa và tạo điều kiện tối đa cho trí thức hoạt động.
Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội khi có yêu cầu, cần có biện pháp thích hợp hơn để tập hợp các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi ở các Hội thành viên và tổ chức khác ở trong và ngoài Liên hiệp hội Việt Nam. Theo đó, cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam phải luôn cập nhật và hoàn thiện. Việc lựa chọn và giới thiệu các chuyên gia có đủ năng lực cao cho từng nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội sẽ có ý nghĩa quan trọng tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ này.
Tôi nghĩ, nếu thực hiện tốt những giải pháp cơ bản trên, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp hội Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Trong tình hình mới hiện nay, để đội ngũ trí thức đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước, yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN sẽ như thế nào?
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (năm 2008) của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, của sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có bước trưởng thành, phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu rộng khắp trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, đội ngũ trí thức KH&CN cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Bước vào giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta lại càng đặc biệt quan tâm tới đội ngũ trí thức, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, là ví dụ điển hình.
Để đội ngũ trí thức đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước, yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN là:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài được đồng bộ, có tính đột phá; tin tưởng giao nhiệm vụ cho trí thức Việt Nam, nghĩa là hãy tạo ra môi trường, thị trường cho hoạt động KH&CN.
Thứ hai, Nhà nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết 45-NQ/TW để tạo điều kiện cho trí thức yên tâm cống hiến: điều kiện làm việc, thu nhập.
Thứ ba, tôn vinh những gì trí thức KH&CN đã cống hiến. Có tôn vinh thì mới có tự hào, có tự hào thì mới có điểm tựa để tiếp tục phát triển. Nguyên lý này chúng ta phải luôn tôn trọng và thực hiện.
VnEconomy 13/02/2024 06:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam