Vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng danh mục phân loại xanh ở Việt Nam
Tài chính bền vững đã trở thành vấn đề chủ đạo và ngày càng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế, chính phủ và những chủ thể tham gia trên thị trường tài chính. Chính vì vậy, cần có danh mục phân loại xanh để cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho thị trường về những hoạt động, tài sản và/hoặc dự án đủ điều kiện là xanh...
Những tiến bộ đạt được trong Hệ thống phân loại của EU tiếp tục đẩy nhanh cuộc thảo luận về phân loại xanh trên toàn thế giới.
Theo Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), Danh mục phân loại xanh (Green taxonomy) là một hệ thống xác định các hoạt động, tài sản và/hoặc dự án đáp ứng các điều kiện chính về khí hậu, môi trường, xã hội hoặc các mục tiêu bền vững có liên quan đến các mục tiêu đã được xác định ngưỡng và/hoặc mục tiêu.
Phân loại xanh có thể kết hợp các cách tiếp cận khác nhau hướng tới điều kiện xanh. Một số phân loại xanh đưa ra các tiêu chí đủ điều kiện có thể mang tính định lượng (ví dụ: ngưỡng hiệu suất tuyệt đối và tương đối) hoặc định tính và dựa trên quy trình.
Những phân loại xanh khác chỉ liệt kê và mô tả các dự án, tài sản, hoạt động dựa trên việc đánh giá bảo đảm phát triển bền vững. Hệ thống phân loại xanh xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư giúp thúc đẩy một quốc gia đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường ưu tiên cụ thể của quốc gia đó, ví dụ như giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Năm 2012, Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI- Climate Bond Initiative) đưa ra các hướng dẫn tự nguyện cho thị trường tài chính dưới hình thức Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Taxonomy - CBI Taxonomy) , Tiêu chuẩn và Chương trình chứng nhận trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Standard and Certification Scheme).
Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu là một hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn, và yêu cầu kỹ thuật dựa trên nền tảng khoa học khí hậu bao gồm nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), và đóng góp của các Nhóm công tác Kỹ thuật và Công nghiệp của CBI. Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu ra đời trong bối cảnh một bộ phận lớn các nhà đầu tư tổ chức ủng hộ hành động nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, khi nói đến các tiêu chí về môi trường, các nhà đầu tư hiện có quá ít công cụ để giúp đảm bảo rằng khoản đầu tư của họ đang tạo ra tác động đáng kể. Thị trường trái phiếu khí hậu cần có hướng dẫn độc lập, dựa trên cơ sở khoa học về tài sản và các hoạt động phù hợp với quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế carbon thấp. Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu xác định các tài sản và các dự án cần thiết để mang lại nền kinh tế carbon thấp và đưa ra các tiêu chí sàng lọc phát thải khí nhà kính phù hợp với mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng lên không quá 2oC do COP đặt ra tại Hiệp định Paris.
Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu được phát triển dựa trên khoa học khí hậu mới nhất bao gồm nghiên cứu từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), và ý kiến kỹ thuật của hàng trăm chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển của Danh mục phân loại tài chính bền vững (EU Sustainable Finance Taxonomy hay EU Taxonomy for sustainable activities) của Ủy ban Châu Âu, và Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy) của gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được ban hành chính thức (Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Phillipin, Colombia...) hoặc đang trong quá trình soạn thảo cho các hoạt động kinh tế bền vững với mục tiêu giảm phát thải, BVMT và thúc đẩy nền kinh tế các-bon thấp.
Hệ thống phân loại xanh của EU là nền tảng của khuôn khổ tài chính bền vững của EU và là công cụ minh bạch thị trường quan trọng, giúp thu hút đầu tư trực tiếp vào các hoạt động kinh tế cần thiết nhất cho quá trình chuyển đổi, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Phân loại xanh EU là một hệ thống phân loại xác định các tiêu chí cho các hoạt động kinh tế phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu môi trường rộng hơn ngoài khí hậu để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và năng lượng của EU vào năm 2030 và đạt được các mục tiêu của thỏa thuận xanh châu Âu.
Danh mục phân loại xanh EU giúp các nhà đầu tư, công ty, tổ chức phát hành và chủ đầu tư dự án điều hướng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, có khả năng phục hồi và sử dụng tài nguyên hiệu quả, và đóng vai trò là khung báo cáo cho quy định mới của EU về công bố thông tin liên quan đến khí hậu của các nhà đầu tư, tập đoàn và ngân hàng, bao gồm các mục tiêu về môi trường: (1) Giảm nhẹ BĐKH, (2) Thích ứng BĐKH, (3) Sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn nước và tài nguyên biển, (4) chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, (5) Quản lý ngăn chặn ô nhiễm, (6) Bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Danh mục phân loại xanh của Trung Quốc được xây dựng nhằm xanh hóa toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó phát triển thị trường trái phiếu xanh là một phần thiết yếu. Danh mục phân loại xanh của Trung Quốc được xây dựng dựa trên các mục tiêu về môi trường: (1) Tiết kiệm năng lượng, (2) Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, (2) Bảo tồn nguồn tài nguyên và tái chế (3) Giao thông sạch, (4) Năng lượng sạch, (5) Bảo vệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các quốc gia có thể xây dựng Danh mục phân loại xanh dựa trên các nguyên tắc và cách thức khác nhau, nhưng nhìn chung những danh mục phân loại xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc chính sau:
- Tiếp cận theo nguyên tắc “Danh sách trắng”: Cách tiếp cận này tập trung vào việc xác định các dự án đủ điều kiện hoặc các hoạt động kinh tế theo từng ngành hoặc tiểu lĩnh vực. Loại phân loại này liệt kê các công nghệ được coi là xanh hoặc bền vững và cung cấp mô tả chi tiết về tính đủ điều kiện. Việc phân loại dựa trên danh sách trắng không phải lúc nào cũng bắt đầu bằng việc sàng lọc toàn bộ các hoạt động kinh tế mà tìm cách xác định các hoạt động đã xanh hoặc chứa các thành phần xanh có thể mang lại nhiều tác động tích cực hơn cho môi trường. Cách tiếp cận này được Nga, Trung Quốc và Mông cổ sử dụng trong quá trình xây dựng Danh mục phân loại xanh của mình.
- Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (Technical screening criteria): Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật cung cấp thông tin về các ngưỡng và tiêu chí sàng lọc cho các hoạt động kinh tế và sự tuân thủ của chúng với các mục tiêu cụ thể. Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật xác định liệu các hoạt động kinh tế có tạo ra một đóng góp đáng kể vào môi trường và không gây hại đáng kể đến các mục tiêu bảo vệ môi trường khác hay không. Trong các lĩnh vực, cách tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật nhằm mục đích trung lập về công nghệ trong việc sàng lọc các dự án đủ điều kiện để đưa vào và do đó không xác định trước bất kỳ hoạt động công nghệ hoặc tiểu ngành cụ thể nào. Tuy nhiên, việc vận hành tiêu chí sàng lọc kỹ thuật sẽ đòi hỏi sự sẵn có của dữ liệu cần thiết. Danh mục phân loại xanh của Hàn Quốc, EU và Nam Phi đang sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng.
- Tiếp cận dựa trên các nguyên tắc (principles-based approach): tương tự như Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, cách tiếp cận này được áp dụng ở Danh mục phân loại của Malaysia và Nhật Bản. Ngân hàng Negara Malaysia sử dụng phương pháp phân loại dựa trên nguyên tắc để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Danh mục xanh áp dụng nguyên tắc tiếp cận này sẽ bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cốt lõi để đánh giá các hoạt động kinh tế nào có thể được tài trợ.
Một danh mục phân loại xanh thường bao gồm các nhóm ngành chính, các tiểu ngành, và các tiêu chí môi trường để xác định một dự án hay hoạt động kinh tế thuộc ngành và tiểu ngành đó là “xanh”, đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường quốc gia. Việc phân nhóm ngành này có sự khác nhau giữa các quốc gia. Các ngành/nhóm ngành có thể bắt nguồn từ các Phân loại ngành hiện có được sử dụng bởi các cơ quan thống kê quốc gia hoặc Phân loại công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế của Liên hợp quốc đối với tất cả các hoạt động kinh tế (International Standards Industrial Classification – ISIC).
Các ngành liên quan cũng có thể được rút ra từ các chính sách và quy định về môi trường, các hệ thống phân loại ngân sách khu vực công và hệ thống đo lường, báo cáo và xác minh (MRV - measuring, reporting, and verification) được sử dụng để theo dõi và báo cáo về tài chính khí hậu, hoặc các tiêu chí của các sản phẩm tài chính xanh hiện có mà lĩnh vực ngân hàng thường sử dụng.
Với các xuất phát điểm như vậy, số lượng các ngành và tiểu ngành cũng rất khác nhau giữa các Danh mục phân loại xanh. Áp dụng phân loại ngành hiện có của quốc gia là xu hướng được nhiều quốc qua sử dụng để cấu trúc Danh mục phân loại xanh của mình. Các Danh mục phân loại xanh đã ban hành trước đây cũng có xu hướng được nâng cấp theo cấu trúc này.
Phân loại ngành của một số Danh mục phân loại xanh (Nguồn: Tổng hợp từ Danh mục Phân loại xanh của các nước)
Danh mục phân loại xanh |
Hệ thống Phân loại ngành sử dụng |
Số lượng ngành chính và các tiểu ngành |
Mông Cổ (2019) |
Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào |
8 nhóm ngành lớn và 28 nhóm tiểu ngành |
Hàn Quốc (2020) |
Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào |
5 nhóm, với 64 hoạt động kinh tế xanh |
CBI (2021) |
Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào |
8 nhóm ngành lớn và 44 nhóm tiểu ngành |
EU (2021) |
Phân loại thống kê các hoạt động kinh tế trong Cộng đồng Châu Âu (Statistical classification of economic activities in the European Community – NACE)[1] |
8 ngành nghề xanh với 70 loại hình dự án xanh hoặc chuyển đổi xanh |
Trung Quốc (2021) |
Tham chiếu đến Hệ thống phân loại ngành quốc gia |
6 nhóm ngành cấp I, 25 ngành cấp II, 47 ngành cấp III và 202 ngành cấp IV |
ASEAN (2021) |
Tham chiếu đến Phân loại công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế (ISIC) |
9 nhóm ngành cấp I ưu tiên |
Bangladesh (2022) |
Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào |
8 ngành nghề xanh với 55 sản phẩm, dự án, hoặc sáng kiến xanh |
Danh mục phân loại xanh, nhằm hỗ trợ việc lựa chọn các khoản đầu tư cụ thể trong các ngành và tiểu ngành đã xác định. Tiêu chí quan trọng để lựa chọn một dự án hay tài sản đầu tư cụ thể là cách nó góp phần đáp ứng mục tiêu quốc gia và/hoặc tiêu chuẩn và/hoặc ngưỡng được chấp nhận. Mức độ chi tiết của các tiêu chí môi trường phụ thuộc vào cách tiếp cận xây dựng và nền tảng cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật của từng quốc gia.
Tuy nhiên, các Danh mục phân loại xanh được xây dựng gần đây hoặc được cập nhật gần đây có xu hướng tăng mức độ chi tiết của các tiêu chí môi trường, với các ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể hơn, bên cạnh các yêu cầu không gây hại đáng kể. Nhìn chung các khung Danh mục phân loại thường được tiếp cận xây dựng thành khoảng 6-8 nhóm ngành lớn và rất nhiều các tiểu ngành, như các ví dụ ở dưới đây:
So sánh các lĩnh vực được lựa chọn trong danh mục phân loại xanh của Tổ chức sáng kiến khí hậu (CBI), Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc (Nguồn: Tổng hợp từ Danh mục Phân loại xanh của các nước)
TT |
CBI |
EU |
Trung Quốc |
1 |
Năng lượng (8) |
Rừng (5) |
Tiết kiệm năng lượng và BVMT (6) |
2 |
Giao thông (5) |
Nông nghiệp (3) |
Công nghệ sản xuất sạch hơn (4) |
3 |
Tài nguyên nước (6) |
Chế tạo (9) |
Công nghiệp năng lượng sạch (2) |
4 |
Công trình/ Toà nhà (4) |
Cung cấp điện, khí, hơi nước và điều hoà (25) |
Sinh thái & Môi trường (2) |
5 |
Sử dụng đất và tài nguyên biển (5) |
Nước, nước thải, chất thải và sửa chữa (12) |
Nâng cấp cơ sở hạ tầng xanh (6) |
6 |
Công nghiệp (5) |
Giao thông vận tải và lưu kho (10) |
Dịch vụ xanh (5) |
7 |
Chất thải (7) |
Thông tin và truyền thông (2) |
|
8 |
Thông tin và truyền thông (4) |
Xây dựng và Bất động sản (4) |
|
Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA bao gồm các quy định về bốn cấu phần chính của nguồn thu trái phiếu xanh, bao gồm: Sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh; Quy trình Đánh giá và Lựa chọn Dự án; Quản lý nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh; và Báo cáo.
Nguyên tắc Tín dụng xanh của ICMA có khuyến nghị về đánh giá độc lập thông qua một trong các hình thức:
Đánh giá của tư vấn (Consultant review): Người vay có thể tìm kiếm lời khuyên từ các nhà tư vấn và/hoặc các tổ chức có chuyên môn được công nhận về tính bền vững môi trường hoặc các khía cạnh khác của việc quản lý khoản vay xanh. “Ý kiến của bên thứ hai” cũng có thể thuộc loại này;
Xác minh/ Xác thực (Verification): Khoản vay xanh, khuôn khổ tín dụng xanh, hoặc các tài sản cơ bản được xác minh bởi các tổ chức độc lập đủ điều kiện, như kiểm toán viên hoặc nhà cung cấp xếp hạng Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG - Environmental, Social, and Governance) độc lập. Ngược lại với chứng nhận, xác minh có thể tập trung vào sự phù hợp với các tiêu chuẩn nội bộ hoặc các tuyên bố của bên vay;
Chứng nhận (Certification): Khoản vay xanh được chứng nhận theo tiêu chuẩn đánh giá xanh bên ngoài. Tiêu chuẩn đánh giá bao gồm các tiêu chí, và sự phù hợp với các tiêu chí đó được đánh giá và chứng nhận bởi các bên thứ ba/tổ chức chứng nhận đủ điều kiện và được cấp phép;
Xếp hạng (Rating): Khoản vay xanh được đánh giá bởi các các cơ quan/ tổ chức xếp hạng hoặc công ty chuyên ngành (được chứng nhận đủ điều kiện); e) Đánh giá độc lập có thể thực hiện với một, một vài, hoặc toàn bộ bốn cấu phần của khoản vay xanh.