Quốc hội sẽ giám sát tối cao về bảo vệ môi trường
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025., trong đó sẽ giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành...
Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Với tỉ lệ 466/467 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 95,69% tổng số đại biểu tham gia, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Theo đó, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".
Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Theo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; báo cáo tài chính nhà nước năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024;
Xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;
Đồng thời xem xét các báo cáo về: việc thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; việc thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An;
Xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có)…
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 và dự kiến kế hoạch năm 2026.
Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025: phát triển kinh tế xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công trung hạn; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn năm 2021- 2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án.
Xem xét báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2024; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân năm 2023 và năm 2024; kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 2 năm 2023 và năm 2024.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án: xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025; dự án đường vành đai 4- vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3, TP.Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng giai đoạn 1…
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có ý kiến đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề về bảo vệ môi trường và nguồn nhân lực; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc lựa chọn giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng tài sản công và giải ngân vốn đầu tư công để giám sát trong năm 2025…
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội và được đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí, quyết định lựa chọn 1 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề.
Bên cạnh đó, một số nội dung như đề xuất của đại biểu đã được lồng ghép trong xem xét thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cân nhắc lựa chọn những vấn đề được cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm để tiến hành giám sát theo hình thức phù hợp, ông Cường cho biết.