Vai trò của chính phủ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Các chuyên gia tại Tọa đàm “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” và ra mắt chuyên mục Kinh tế xanh và Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn trên VnEconomy đã nhận định rằng định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang được thúc đẩy, tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ chính phủ trong quá trình này....
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các định hướng về phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện rõ ràng trong các nghị quyết như: Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ….
CHUYỂN ĐỔI SANG HƯỚNG KINH TẾ XANH, KINH TẾ TUẦN HOÀN LÀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
“Về mặt định hướng và chủ trương, chúng ta đã có cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Hiển chia sẻ.
Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với Quyết định 1658/QĐ-TTg. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang gấp rút xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn cùng với một loạt các chủ trương khác.
Đồng quan điểm với ông Hiển, TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biên đổi Khí hậu, cho biết rằng Việt Nam đã xây dựng một lộ trình hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu này đã được đề ra trong Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (NDC), Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh
Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng đã xây dựng kế hoạch hành động riêng của mình để đóng góp vào mục tiêu chung. Ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và triển khai chiến lược phát triển giao thông xanh. “Chiến lược này nhằm giảm phát thải nhà kính và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của cả nước trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Cường chia sẻ.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực đã áp dụng các cơ chế và chính sách thương mại bảo vệ môi trường, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ và vương quốc Anh, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ các thị trường khó tính này.
“Chính vì vậy, việc thực thi các tiêu chí ESG và kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi với các yêu cầu của các thị trường quốc tế mà còn tạo ra cơ hội cho họ phát triển sản phẩm và dịch vụ xanh, hài hòa với môi trường và xã hội”, ông Cường cho hay.
CẦN ĐẨY MẠNH HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC
Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, ông Hiển nhấn mạnh rằng ngoài việc ban hành các thể chế, vai trò của nhà nước còn nằm ở việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cả các nhà hoạch định chính sách. Điều này không chỉ nên được thực hiện thông qua các văn bản mà còn phải qua các kênh truyền thông đa phương tiện để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
“Chúng ta cần dịch chuyển và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn thông qua các kênh truyền thông báo chí, cũng như các buổi tọa đàm giao lưu kết nối... Đây đều là những kênh rất quan trọng”, ông Hiển nhấn mạnh.
Chuyển đổi số không chỉ là một công cụ hiệu quả trong việc tăng cường năng suất và cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn là một phương tiện không thể thiếu trong hành trình hướng tới một nền kinh tế bền vững và xanh. “Tích hợp các công nghệ số vào các lĩnh vực sản xuất, quản lý và tiếp thị không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Hiển nói.
Ngoài ra, nếu các tổ chức tín dụng đã chuyển sang kinh tế xanh nhưng nhà nước không có cơ chế khuyến khích các định chế tài chính như các ngân hàng thương mại bố trí nguồn lực cho tài chính xanh, họ sẽ không mặn mà bởi vì phải giải quyết câu chuyện rất ít mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. “Chính vì vậy, nhà nước cần phải định hướng các gói chính sách như thế nào, triển khai ra sao để đồng hành với các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi xanh của họ”, ông Hiển kiến nghị.
Bổ sung thêm về công tác tuyên truyền, truyền thông về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ông Cường nhận định rằng chuyên mục ra kinh tế xanh mới ra mắt của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn, là động lực thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy thông qua chuyên mục này cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin để tham gia các cơ chế thương mại, đầu tư toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực đang thiết lập và áp dụng hàng rào kỹ thuật, thương mại như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đối với sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới”, ông Cường bày tỏ.