Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 1
Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 2

FPT bắt đầu hành trình tiến ra toàn cầu từ năm 1998. Nhìn lại, theo ông, đâu là những bài học của FPT trên hành trình chinh phục thị trường toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số có thể học hỏi?

Doanh nghiệp nếu muốn ra biển lớn, trước hết phải kiên định. Mấy chục năm trước, những doanh nghiệp mang sứ mệnh tiên phong, dám vượt qua vùng an toàn, để ra nước ngoài, đều đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. FPT khi ấy chọn con đường ra thế giới bằng xuất khẩu phần mềm. Dư luận nghi ngờ, đặt câu hỏi “Liệu có làm được không?”. Chưa kể ở thời điểm đó cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ra nước ngoài còn khá hạn chế, ngành công nghệ thông tin Việt Nam chưa có tên tuổi, nhưng FPT quyết tâm vượt qua dư luận, không ngại dấn thân, không ngại thử thách.

Thực tế ở thời điểm đó, để “sống sót”, đa phần doanh nghiệp Việt Nam chọn các cơ hội ngắn hạn, lợi nhuận nhanh, chúng tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng chúng tôi đã sớm nhận ra con đường ấy không bền vững, không phải tương lai lâu dài, nên lãnh đạo FPT quyết định chọn con đường khác – con đường ra thế giới bằng trí tuệ và năng lực của người Việt Nam. Chính sự kiên định trên con đường này đã mang đến thành công cho chúng tôi.

Một yếu tố khác giúp chúng tôi thành công trên con đường tiến ra toàn cầu chính là con người. FPT đã tập hợp được đội ngũ những con người dám làm điều người khác không dám làm. Chúng tôi có khát vọng, nếu chỉ chọn ở trong vùng an toàn thì sẽ không bứt phá được, còn khi dám đặt mình vào tình thế đối mặt với thất bại, cơ hội đổi chiều mới xuất hiện.

Một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi tập hợp được cộng sự giỏi, cùng chí hướng, chung khát vọng. Đồng thời, muốn vươn ra thị trường quốc tế thì phải có nhân lực chất lượng cao. Do đó từ rất sớm, FPT đã tập trung vào đào tạo chuẩn bị nguồn lực công nghệ cho Việt Nam. Đặc biệt ở thời điểm này, khi làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới, chúng tôi nhận thấy họ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, năng lực triển khai, ứng dụng AI. Với dân số trẻ, đam mê công nghệ và có khát vọng vươn lên thì đây chính là cơ hội dài hạn cho Việt Nam, cho FPT khẳng định vị thế trong kỷ nguyên AI.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 3

Nghĩa là nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện nay chính là lợi thế để Việt Nam và doanh nghiệp công nghệ số tiến ra toàn cầu?

Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc – những nền kinh tế hàng đầu đều đang đối mặt với thách thức già hóa dân số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu lợi thế vàng: dân số trẻ, đam mê công nghệ, khát vọng vươn lên. Đây không chỉ là cơ hội, mà là thời điểm để Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp nhân lực công nghệ chất lượng cao cho toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và bán dẫn. Trong bối cảnh đó, FPT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trang bị kiến thức và kỹ năng AI cho 500.000 nhân sự và đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn.

Nhưng chỉ có nhân lực thôi thì chưa đủ, doanh nghiệp công nghệ Việt muốn bứt phá phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Tỷ lệ đầu tư cho R&D phải ở mức đủ lớn để tạo sự khác biệt, để biến khát vọng thành hiện thực.

Vậy, FPT đã đầu tư bao nhiêu cho R&D?

Chúng tôi dành khoảng 5% lợi nhuận trước thuế cho R&D. FPT cũng đang dịch chuyển lên những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, trong đó có làm sản phẩm. Ngay từ những ngày đầu thành lập FPT đã mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia.

Có thể nói FPT sinh ra đã là công ty công nghệ. Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng, một lời hiệu triệu và giao trách nhiệm trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghệ như FPT đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam. Chưa bao giờ khoa học và công nghệ được đặt vào vị trí trung tâm, vị trí trụ cột cho sự phát triển của quốc gia như hôm nay. Với FPT, đây không chỉ là cơ hội, mà còn là động lực để tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy “GEN sáng tạo”, vai trò doanh nghiệp tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định làm những điều chưa ai làm, tiên phong trong đổi mới sáng tạo góp phần để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới.

Để làm được R&D, không chỉ cần tỷ lệ đầu tư đủ lớn mà cần nhân tài cả trong nước lẫn quốc tế. Chúng tôi cần thêm những cộng sự nghĩ lớn, làm lớn và đặc biệt là dám làm việc khó, việc người khác không dám làm.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 4

Nếu đo đếm bằng con số 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài đạt được vào năm 2023 thì FPT đã mất 24 năm để có được con số này. Liệu đó có là khoảng thời gian quá dài để một doanh nghiệp công nghệ số phát triển và định hình tên tuổi trên thị trường toàn cầu không, thưa ông?

Hơn 25 năm trước, FPT tiến ra toàn cầu khi Việt Nam còn là một dấu hỏi. Rất nhiều khách hàng khi gặp chúng tôi đã hỏi “Việt Nam ở đâu? Có còn chiến tranh không? Nhưng bây giờ đã khác rất nhiều, Việt Nam đã có vị thế và bước tiến vượt bậc trên trường quốc tế. Đây là bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới.

Không chỉ khác biệt về vị thế, doanh nghiệp còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính sách. Bộ tứ chiến lược Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 59-NQ/TW, Nghị quyết 66-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW xem doanh nghiệp, khoa học, công nghệ là trung tâm và động lực phát triển của Việt Nam trong Kỷ nguyên mới. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện bao gồm cơ chế chính sách, các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước để doanh nghiệp công nghệ tham gia giải quyết, làm cơ sở, bàn đạp để vươn ra toàn cầu.

Do vậy, tôi tin các doanh nghiệp ngày hôm nay không cần mất 25 năm để vươn ra toàn cầu. Cơ hội ngay trước mắt, quan trọng là dám dấn thân, bước ra khỏi vùng an toàn. Và một trong những con đường thuận lợi để doanh nghiệp Việt đi ra nước ngoài là làm dịch vụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để có những doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến như mục tiêu mà Nghị quyết 57-NQ/TW đặt ra thì doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải có sản phẩm được sử dụng trên toàn cầu.

Ngành công nghệ có thể được chia làm hai mảng là cung cấp dịch vụ và làm sản phẩm. Làm dịch vụ giống như “bán cơm truyền thống”, lúc nào cũng có khách doanh thu đều đặn, nhưng để làm được điều vĩ đại, tạo đột phá thì phải làm sản phẩm. Làm sản phẩm giống như bán “đặc sản”, chỉ cần một món ngon là đủ để khẳng định tên tuổi, được thế giới công nhận.

Tôi hay nói vui làm công nghệ cũng giống như sáng tác nhạc. Bạn chỉ cần sáng tác được một bản nhạc kinh điển là có thể tạo tiếng vang cả đời. Công nghệ cũng vậy, có sản phẩm xuất sắc “mang màu cờ sắc áo riêng” có thể giúp doanh nghiệp được cả thế giới công nhận và phát triển trường tồn.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 5

Theo chủ quan của ông, Việt Nam đã có bao nhiêu doanh nghiệp công nghệ số có thương hiệu trên thị trường quốc tế hay ngang tầm các nước tiên tiến?

Thực ra Việt Nam đang có nhiều hơn 5 thương hiệu công nghệ mạnh quốc tế. Ngoài FPT, Viettel, VNPT, chúng ta còn có những thương hiệu CMC, TMA, KMS hay những kỳ lân như VNG, Sky Mavis.

Nhưng điều mà Việt Nam đang kỳ vọng là 5 thương hiệu công nghệ ngang tầm các nước tiên tiến vào năm 2030 và đến năm 2045 là 10 doanh nghiệp.

Ngang tầm, theo góc nhìn của cá nhân tôi, đó là ngang tầm về quy mô công ty, thị phần, công nghệ tiên tiến. Để đạt được điều này chúng ta phải nỗ lực rất nhiều và “4 trụ cột chính sách” sẽ đẩy nhanh, mạnh mục tiêu này.

Một doanh nghiệp muốn trở thành doanh nghiệp toàn cầu thì cần phải tạo ra sản phẩm mà cả thế giới đều dùng, trong lĩnh vực công nghệ thì có các doanh nghiệp tên tuổi như Microsoft, Google, Meta, SAP, Oracle,… nhưng để làm được điều này rất khó. Ngay cả những quốc gia công nghệ hàng đầu như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không có nhiều sản phẩm phổ biến toàn cầu. Doanh nghiệp của Việt Nam muốn phát triển, buộc phải có những sản phẩm cả thế giới đều dùng.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 6

Làm thế nào để doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm vươn ra toàn cầu?

Từ góc nhìn cá nhân tôi thì có hai cách: một là, doanh nghiệp tự phát triển theo nhu cầu thị trường; hai là, Nhà nước đặt hàng các bài toán lớn, đẩy mạnh mô hình hợp tác công – tư, trao cơ hội cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách tiếp cận “đặt hàng bài toán” này hiện chưa phổ biến.

Năm 1992, khi Hàn Quốc quyết định xây sân bay Incheon, Chính phủ Hàn Quốc lúc đó có thể chọn nhà thầu quốc tế, nhưng họ dành cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Kết quả, nhà thầu chính trong việc xây dựng sân bay quốc tế Incheon là một tập đoàn gồm các công ty xây dựng của Hàn Quốc có tên “Korea Airport Engineering Corp (KAEC)”.

Việt Nam cũng cần những tư duy như thế: linh hoạt, táo bạo và có tầm nhìn dài hạn.

Hiện nay, Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định rõ chi 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D), 3% cho đổi mới sáng tạo. Nhiều người vẫn quen nghĩ rằng công nghệ chỉ là một công cụ hỗ trợ quản trị quốc gia, nếu hiểu kỹ nội hàm của Nghị quyết 57-NQ/TW thì tư duy này phải thay đổi. Khi coi công nghệ chỉ là công cụ, chúng ta có thể sử dụng hoặc không. Nghị quyết 57-NQ/TW không coi công nghệ là công cụ bên ngoài, mà xác lập quan điểm quản trị quốc gia phải bằng công nghệ.

Một điểm nữa trong Nghị quyết 57-NQ/TW mà chúng tôi đặc biệt tâm đắc, đó là quan điểm lấy cải cách thể chế, chính sách làm động lực cạnh tranh quốc gia. Có thể nói Nghị quyết 57-NQ/TW là một chiến lược dành cho tương lai, đưa Việt Nam bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tức là cơ chế đã có. Vấn đề là triển khai như thế nào, đặt bài toán ra sao, ai sẽ được trao cơ hội để giải những bài toán lớn của quốc gia.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 7

Nghị quyết 57-NQ/TW là một chiến lược dài hạn, được thiết kế để nuôi dưỡng tương lai. Vậy theo ông, ở thời điểm hiện tại cần làm gì để kiến tạo cho tương lai công nghệ Việt Nam?

“Khoa học” luôn đứng trước từ “công nghệ”, bởi lõi của công nghệ chính là khoa học và lĩnh vực sản xuất công nghiệp mới là nơi khoa học thể hiện giá trị rõ ràng nhất.

Thực tế, Việt Nam đã sở hữu một số công nghệ lõi trong các ngành then chốt, như: sản xuất thép, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, gạch, bê tông, làm đường… Những lĩnh vực này đang đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị từ nước ngoài. Ví dụ rõ ràng nhất là ngành dệt may – ngành xuất khẩu mũi nhọn, nhưng máy may nhập từ Trung Quốc, thậm chí là cả kim chỉ. Điều đó có nghĩa chúng ta chưa thực sự làm chủ.

Muốn thay đổi thực chất, phải đầu tư bài bản cho khoa học, công nghệ và điều đó phải bắt đầu từ giáo dục.

FPT đề xuất cần có một cuộc đổi mới tư duy căn bản, đặc biệt là trong giáo dục công nghệ và đẩy mạnh vai trò của giáo dục tư nhân. Cần chú trọng đào tạo thực hành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quốc tế hóa nguồn nhân lực để tạo ra những thế hệ có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Hiện nay, nhiều trường đại học vẫn đào tạo xa rời thực tiễn, ít gắn kết với nghiên cứu khoa học và nhu cầu công nghiệp. Ngay từ giáo dục phổ thông, chúng ta cũng cần ưu tiên các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, robotics, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), dữ liệu...

Hàn Quốc là một hình mẫu tiêu biểu. Họ đã sớm ưu tiên giáo dục khoa học, công nghệ và đầu tư mạnh vào năng lực nội địa. Hiện nay, công nghệ Hàn Quốc thậm chí đã vượt qua cả Nhật Bản ở nhiều lĩnh vực.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây chính là thời điểm vàng để đầu tư dài hạn cho công nghệ. Không thể mãi chạy theo những cơ hội ngắn hạn hay các xu hướng nhất thời rồi lại hụt hơi.

Nghị quyết 57-NQ/TW thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải chủ động vươn ra thị trường quốc tế. Để làm được điều đó, phải thay đổi tư duy. Ngoại giao không chỉ là việc của Nhà nước mà phải trở thành kỹ năng cốt lõi của doanh nghiệp. Ngoại giao kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nếu được làm bài bản và chủ động, chính là cánh cửa mở ra thị trường toàn cầu.

Hiện, doanh nghiệp công nghệ vươn ra thế giới cũng đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Đại sứ Việt Nam ở các thị trường nước ngoài trọng điểm đều đang hoạt động như một “đại sứ công nghệ”.

Thực tế, đa phần doanh nghiệp đi theo các đoàn ngoại giao ra nước ngoài chủ yếu để mua hàng. Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các quốc gia tiên tiến, do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp được giá trị cho khách hàng quốc tế. Chính vì thế, ngoại giao không chỉ trong chính trị, mà ngoại giao kinh tế rất quan trọng, các doanh nghiệp phải tham gia vào đó.

Vừa qua, khi tham gia đoàn lãnh đạo thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia, chúng tôi đã ký hợp đồng khung trị giá 67 triệu USD với KMP Aryadhana, thương xã hàng đầu Indonesia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Mới đây nhất, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Pháp tại Paris, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, FPT đã trở thành Đối tác Công nghệ chiến lược toàn cầu của Airbus.

Vị thế Việt Nam bây giờ rất khác, doanh nghiệp công nghệ chúng ta cũng vậy. Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều xây dựng được năng lực khoa học, công nghệ quốc gia mạnh mẽ, trong khi Việt Nam, dù có tinh thần học hỏi và văn hóa ăn “đũa” giống họ, lại chưa làm được điều tương tự?

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 8

Chúng ta nhắc tới doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế nhưng lại chưa có chuẩn mực về doanh nghiệp đạt tầm quốc tế. Vậy, theo ông, một doanh nghiệp như thế nào được xem là đạt tầm quốc tế?

Theo tôi, để được gọi là một doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ quốc tế, trước hết, cần đạt doanh thu tối thiểu 1 tỷ USD; quan trọng hơn, doanh thu đó phải đến từ sản phẩm công nghệ có hàm lượng chất xám cao, từ nghiên cứu và sáng tạo, chứ không phải từ hoạt động mua đi bán lại.

Mốc doanh thu 1 tỷ USD cực kỳ quan trọng. Hành trình để doanh nghiệp đạt được mốc 1 tỷ USD đầu tiên không hề đơn giản, nhưng một khi đã chạm đến ngưỡng đó, việc tăng doanh thu lên 2 - 3 tỷ USD sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có quy mô hoạt động tại nhiều quốc gia, có năng lực R&D mạnh và sở hữu bằng sáng chế, sở hữu sản phẩm công nghệ sáng tạo, công nghệ lõi và có vị trí trong bảng xếp hạng toàn cầu hoặc khu vực.

Công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Tôi nghĩ AI sẽ là “cửa sổ cơ hội” cho Việt Nam cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh AI được xem là nhóm công nghệ chiến lược quan trọng nhất trong 11 nhóm công nghệ chiến lược của quốc gia theo Quyết định 1131/QĐ-TTg. Còn trong trung và dài hạn là câu chuyện của bán dẫn. FPT đã và đang chủ động đầu tư cho R&D và xây dựng năng lực trong 7/11 nhóm công nghệ chiến lược của quốc gia, trong đó có AI và bán dẫn.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 9

Từ góc độ doanh nghiệp, Nhà nước có cần thiết lập thêm cơ chế chính sách, đòn bẩy nào để giúp doanh nghiệp công nghệ tăng tốc không, thưa ông?

Với bốn nghị quyết đột phá – “bộ tứ chiến lược” vừa được Bộ Chính trị ban hành và Quyết định 1131/QĐ-TTg, tôi nghĩ doanh nghiệp công nghệ đã có đủ đòn bẩy đề tăng tốc. Chúng tôi nhìn vào “bộ tứ chiến lược” thì thấy rất rõ quyết tâm, tư duy đổi mới ở cấp Trung ương.

Một điều may mắn là theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẳng định kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp tư nhân được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, được tham gia vào các dự án quan trọng quốc gia, được xem là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. 

Đây là bước tiến lớn trong tư duy phát triển. Tuy nhiên, chính sách muốn trở thành động lực, thì phải chống “rải đinh” – tức là không được tạo thêm rào cản, thủ tục, hay quy định gây cản trở cho đổi mới và sáng tạo.

Các nghị quyết đã đầy đủ, rõ ràng và mang tính đột phá. Giờ là lúc cần một sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và nhanh chóng của cả hệ thống chính trị để hiện thực hóa tinh thần của các nghị quyết thành hành động cụ thể.

Nhà nước cần mở rộng không gian chính sách, ưu tiên cho sản phẩm và doanh nghiệp công nghệ Việt được tham gia các dự án lớn – đặc biệt là các dự án đầu tư công, chương trình quốc gia. Khi doanh nghiệp Việt có một thị trường nội địa đủ lớn, đủ mở, đủ sức nâng đỡ, họ mới có thể vững vàng để vươn ra toàn cầu. Nhìn lại, tất cả các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới từ Mỹ, Trung Quốc đến Hàn Quốc đều khởi đầu bằng một thị trường trong nước đóng vai trò “hậu phương chiến lược”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đầu tư mạnh mẽ và có trọng tâm vào các hạ tầng chiến lược như mạng 5G, hạ tầng dữ liệu lớn, điện toán đám mây – những nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển của nền kinh tế số. Đặc biệt, phải nhanh chóng triển khai các chính sách ưu đãi đột phá, mang tính tạo động lực thực chất cho doanh nghiệp áp dụng và phát triển công nghệ số. Không chỉ hỗ trợ về tài chính, mà còn là cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox), ưu đãi thuế, thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành kinh tế.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 10

VnEconomy 14/07/2025 13:21

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2025 phát hành ngày 14/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm công nghệ cho cả thế giới dùng - Ảnh 11