Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử?
Là một người xuất thân từ kỹ sư điện tử nên tôi rất am hiểu lĩnh vực này ở Ấn Độ. Tất cả các quốc gia đều cần có một hệ thống quốc phòng và y tế hiện đại, và chúng tôi hiện đang trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các công ty ở Thung lũng Silicon của Mỹ. Tôi cũng nhìn thấy những tiềm năng đó ở Việt Nam. Các tập đoàn lớn như Samsung, Apple… có xu hướng đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam hoặc tại Ấn Độ. Về cơ bản, các công ty này đều là công ty toàn cầu và hoạt động tại Mỹ hoặc châu Âu. Ấn Độ cũng từng bị đánh giá là “low-tech” (công nghệ thấp) khi bắt đầu bằng may mặc. Việt Nam cũng vậy. Nhưng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, người châu Á rất được tôn trọng. Xin được chia sẻ một chút là Công ty INDIC thành lập tại Bengaluru, Ấn Độ và đã mở rộng sang Barcelona, Tây Ban Nha và hiện đang đầu tư tại Michigan, Hoa Kỳ. Tôi đã từng gặp nhiều người Ấn và người Việt làm việc ở khắp mọi nơi. Chúng ta đã được công nhận là một lực lượng vững mạnh trong ngành công nghiệp phần mềm.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để mang văn hóa ấy trở lại Ấn Độ hay Việt Nam? Tại các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Microsoft, Yahoo hay bất kỳ công ty công nghệ nào, bạn có thể thấy CEO hay các lãnh đạo cấp cao tại đó là người Ấn Độ. Họ chính là những người châu Á, là lực lượng công nghệ tinh nhuệ của thế giới.
Người dân của chúng tôi được giáo dục đến mức họ có thể dễ dàng cạnh tranh với châu Âu và Hoa Kỳ. Giáo dục của Việt Nam cũng rất tốt và đây là một đòn bẩy để các bạn có thể phát triển được lâu dài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở công nghệ thấp. Việt Nam nên đầu tư mạnh hơn vào phát triển các công nghệ cao để cạnh tranh trực tiếp với những quốc gia phát triển. Tôi rất ấn tượng với SmarTech (một doanh nghiệp về công nghệ của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác MOU với INDIC) với những dự án mà họ đang triển khai bởi hàm lượng công nghệ và sự sáng tạo trong đó. Những dự án như vậy có thể đem lại bước chuyển mình cực kỳ to lớn và giúp Việt Nam không bị phụ thuộc vào các phát minh công nghệ cao của các quốc gia khác nữa.
Được biết, đây là lần đầu tiên ông tới tìm hiểu thị trường Việt Nam. Sau chuyến đi này ông có kế hoạch đầu tư cụ thể tại đây như thế nào?
Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi với Việt Nam và tôi thực sự ấn tượng với tiềm năng của doanh nghiệp và thị trường Việt Nam. Tôi sẽ cần thêm thời gian để tìm hiểu, nhưng tôi khẳng định là Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Cả thế giới đã công nhận vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Thế nên việc thiết lập hợp tác giữa INDIC và các công ty Việt Nam sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Và chắc chắn cũng có rất nhiều công ty Ấn Độ khác sẽ quan tâm tới thị trường này.
Tôi sẽ thực hiện thêm nhiều chuyến đi nữa tới Việt Nam trong thời gian tới. Chuyến đi đầu tiên tôi đã dành toàn bộ thời gian ở SmartTech và với một số đối tác cá nhân của tôi. Tôi muốn xem họ đang mở rộng quy mô như thế nào hay chúng tôi có thể làm điều gì đó cùng nhau.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) có nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Theo CSIS, các chính sách của Việt Nam đã định vị đưa đất nước trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Ông đánh giá sao về nhận định này?
Tôi nghĩ là mục tiêu này có thể thực hiện được bởi tôi có cảm nhận và khá chắc chắn với những điều đã thấy trong hai ngày qua ở Việt Nam. Ấn Độ là một đất nước lớn hơn rất nhiều. Do vậy mục tiêu này của Việt Nam có lẽ sẽ dễ thực hiện hơn nhiều so với Ấn Độ có quy mô thị trường quá lớn. Vì vậy các bạn thậm chí có nhiều tiềm năng hơn.
Tôi từng làm việc với một tập đoàn Hà Lan về lĩnh vực công nghệ và biết rằng họ cần những thị trường như Việt Nam và Ấn Độ để tiêu thụ sản phẩm của họ. Những đối tác như vậy có thể giúp chúng ta phát huy tiềm năng cũng như nâng cao được năng lực hoàn thiện sản phẩm.
Nhưng trước tiên, chúng ta phải tự tin về bản thân đã. Bạn phải nhận ra rằng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thị trường phát triển. Tôi nghĩ thế hệ các doanh nghiệp tiếp theo sẽ thay đổi khá nhiều.
Từng gây dựng startup thành công và giờ là chủ tịch của một tập đoàn lớn, ông có lời khuyên gì cho các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là việc mở rộng các thị trường?
Có một “câu thần chú” về mở rộng thị trường và giúp làm nên thành công cho các công ty khởi nghiệp mà nhiều công ty trong hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng tôi vẫn tin tưởng. Bản thân tôi cũng đã làm được như vậy. Đó là hãy bắt đầu ở thị trường nội địa và có tư duy phát triển ra toàn cầu. Bạn cần thị trường nội địa để kiểm nghiệm và chứng minh rằng sản phẩm của bạn có thể thành công ngay từ khi bắt đầu. Và sau đó muốn vươn ra toàn cầu, hãy xây dựng thật nhiều các mối quan hệ đối tác hữu nghị xung quanh mình.
VnEconomy 18/05/2022 15:00