11:46 21/06/2024

Vietnam Airlines trở lại quỹ đạo tăng trưởng, phấn đấu lãi trên 4.000 tỷ năm 2024

Ánh Tuyết

Năm 2024, Vietnam Airlines phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng, vượt thời kỳ đỉnh cao trước đại địch và cao hơn 13% cùng kỳ. Chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu, dự kiến tăng vốn kết hợp đẩy mạnh thoái vốn, Vietnam Airlines dần thoát khỏi vòng xoáy khó khăn...

Năm 2024, công ty mẹ phấn đấu có lãi 105 tỷ đồng, đưa lợi nhuận hợp nhất lên 4.233 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty mẹ phấn đấu có lãi 105 tỷ đồng, đưa lợi nhuận hợp nhất lên 4.233 tỷ đồng.

Ngày 21/06, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN - HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

THU HÀNG NGHÌN TỶ TỪ TĂNG VỐN, ĐẨY MẠNH THOÁI VỐN

Một trong những nội dung quan trọng được cổ đông đặc biệt quan tâm tại đại hội đó là đường hướng sản xuất kinh doanh năm 2024 giúp Vietnam Airlines đạt mục tiêu cân đối thu chi và tiến tới có lãi sau 4 năm khó khăn, trong bối cảnh thị trường hàng không còn đứng trước nhiều thách thức, thiếu hụt đội tàu bay trầm trọng.

Thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết dự kiến tổng công ty vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so với năm 2019.

Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng kỳ và bằng 84,4% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019.

Đáng chú ý, theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.

Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi.

"Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng", ông Hà nhấn mạnh.

Với dự kiến đạt lợi nhuận năm 2024 khoảng 105 tỷ đồng, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu cuối năm được cải thiện nhẹ, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu đạt mức dương 0,13%.

Nếu đạt kết quả sản xuất kinh doanh như dự kiến trên đây, hoàn thành thoái vốn TCS và được gia hạn tái cấp vốn, tổng công ty dự kiến duy trì được cân đối dòng tiền trong năm, dư tiền cuối kỳ khoảng 517 tỷ đồng, khả năng thanh toán ngắn hạn được cải thiện nhẹ lên mức 0,11. Tuy nhiên nhìn chung, trạng thái tài chính cuối năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn.

Vietnam Airlines trở lại quỹ đạo tăng trưởng, phấn đấu lãi trên 4.000 tỷ năm 2024 - Ảnh 1

Bên cạnh thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), năm 2024, Tổng công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ triển khai công tác thoái vốn tại: Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec), Pacific Airlines.

Về khoản đầu tư của công ty mẹ tại Pacific Airlines, theo tổng công ty, Pacific Airlines tiếp tục thua lỗ trong năm 2023 và lâm vào tình trạng thâm hụt dòng tiền không thể đảm bảo duy trì hoạt động. Theo báo cáo của công ty mẹ, Pacific Airlines chưa phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 do kiểm toán độc lập cần đánh giá về giả định khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Đến nay, Pacific Airlines đã đàm phán thành công thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng với các bên cho thuê tàu bay và động cơ. Pacific Airlines đã hoàn trả hết các tàu bay và tạm dừng hoạt động vận tải hàng không do không còn tàu bay để khai thác. Pacific Airlines và công ty mẹ đang phối hợp thống nhất phương án duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Pacific Airlines, đảm bảo duy trì Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC).

Hiện nay, Pacific Airlines đang phối hợp với công ty mẹ đánh giá, làm việc với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải chi trả. Nghĩa vụ thuế nêu trên đã phát sinh từ lâu, trong đó có khoản thuế tồn đọng kéo dài từ năm 2004 (trước thời điểm Qantas đầu tư vào Pacific Airlines). Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của tổng công ty chưa ghi nhận khoản nợ phải trả này.

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cho biết trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn 2024-2025, tổng công ty sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền tăng vốn theo hai hình thức: (i) chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư; (ii) phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Phương án này nhằm bổ sung dòng tiền, tạo vốn dài hạn và đưa các chỉ số tài chính không còn mất cân đối, giúp Vietnam Airlines cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Dự kiến đến năm 2025 sẽ khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Về quy mô phát hành, chúng tôi sẽ công bố sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Hoà cho biết.

Về kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024, tổng công ty dự kiến chi 283,6 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài sản 70,9 tỷ đồng và dự phòng đầu tư 212,7 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hoàn thành chuẩn bị đầu tư Tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ của tổng công ty tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành để chuyển sang giai đoạn thực hiện đầu tư.

Cùng với đó, tập trung chuẩn bị đầu tư dự án tàu bay thân hẹp, dự án chuyển đổi cấu hình các tàu bay A321 CEO để đổi mới đội tàu bay và đáp ứng nhu cầu khai thác của tổng công ty khi thị trường phục hồi hoàn toàn và phát triển trên cơ sở phù hợp với định hướng tái cơ cấu đội tàu bay.

Ngoài ra, triển khai các phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để góp vốn đầu tư các dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU BẤT LỢI, NỖ LỰC CÂN ĐỐI DÒNG TIỀN

Chia sẻ tại đại hội về kết quả sản xuất kinh doanh năm vừa qua, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cho biết chủ động vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh đáng chú ý trong năm 2023.

Vietnam Airlines Group đã vận chuyển hơn 24,1 triệu lượt hành khách và 230.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 16,4% và 5,8% so sánh cùng kỳ.

 

Kết quả khai thác khả quan giúp Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Mức lỗ hợp nhất trước thuế giảm 5.583 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.

Nhìn lại bối cảnh năm 2023, ông Hoà cho biết ngành hàng không tiếp tục đứng trước nhiều trở ngại đến từ xung đột địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu duy trì ở mức cao trên 105 USD/thùng, lãi suất và tỷ giá biến động bất lợi.

Trong đó, giá nhiên liệu bay năm 2023 ở mức 105,38 USD/thùng. Tỷ giá bình quân USD/VND là 23.816, cao hơn năm 2022 khoảng 1,7%. Mặt bằng lãi suất vay dài hạn USD trong năm tiếp tục duy trì mức cao do FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Trong nửa đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại từ quý 2. Hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch. 

Trong nửa sau năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, tình hình suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân. 

Ban chủ toạ điều hành đại hội đồng cổ đông năm 2024.
Ban chủ toạ điều hành đại hội đồng cổ đông năm 2024.

"Đối với quốc tế, thị trường trọng điểm là Đông Bắc Á phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Điểm sáng là thị trường Australia, Ấn Độ tăng trưởng tích cực, thị trường Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ", ông Hoà nhìn nhận.

Hiện Vietnam Airlines đang khai thác 56 đường bay quốc tế thường lệ, mở rộng mạng bay thông qua mở đường bay mới: Hà Nội/TP.HCM - Mumbai (Ấn Độ), Hà Nội - Melbourne, (Australia), TP.HCM - Perth (Australia). Bên cạnh đó, mạng đường bay nội địa hồi phục hoàn toàn so 2019 với 45 đường bay khai thác.

Cùng với đó, tổng công ty tiếp tục triển khai đàm phán, giãn hoãn thanh toán với các nhà cung cấp về các khoản tiền thuê máy bay, sửa chữa bảo dưỡng, chi phục vụ chuyến bay...

Bên cạnh đó, tổng công ty cũng thường xuyên đánh giá và đưa ra các giải pháp kịp thời để tối ưu hóa doanh thu, chi phí, giảm lỗ so với kế hoạch; điều hành dòng tiền linh hoạt, tái cơ cấu các khoản vay giúp giảm gánh nặng dòng tiền, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao.

Về các giải pháp đảm bảo thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục, tổng công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, cân đối tài chính, chủ động xây dựng các phương án tài chính phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên rà soát các khoản mục chi phí, định mức chi, thực hành tiết kiệm chi phí. Cơ cấu lại nợ vay, sử dụng linh hoạt các khoản vay ngắn hạn để bù đắp thiếu hụt dòng tiền.

 
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.

“Năm 2024, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới. Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, Vietnam Airlines đã xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn vẫn là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024.”