23:41 12/06/2024

Hàng không "bắt tay" du lịch, xoá bỏ nghịch lý để cùng phát triển

Ánh Tuyết

Nhiều ý kiến cho rằng việc hoàn thành mục tiêu đặt ra của ngành du lịch năm 2024 trở nên đầy thách thức. Một phần do hầu hết sự hợp tác hai ngành hàng không - du lịch ở quy mô nhỏ, còn nhiều khoảng trống. Những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung tiếp tục gây nặng "đôi cánh" cả hai ngành...

Ngành du lịch phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, gần về mức kỷ lục năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19 và phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Ngành du lịch phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, gần về mức kỷ lục năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19 và phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Ngày 12/6 tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo với chủ đề "Hàng không - Du lịch "bắt tay” liên kết phát triển bền vững", nhằm nhìn lại thực trạng phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay, quan trọng hơn là cùng thảo luận để thiết lập các sáng kiến hợp tác giữa hai ngành này một cách thực chất, hiệu quả.

Từ đó, góp phần đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

NHIỀU BẤT LỢI ĐÈ NẶNG "ĐÔI CÁNH"

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng đại dịch Covid-19 đã đi qua nhưng những tác động tiêu cực và những hậu quả phát sinh để lại vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam.

Từ sau thời điểm hoạt động bình thường trở lại (tháng 3/2022), với những giải pháp và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các hãng hàng không Việt Nam đã nỗ lực để phục hồi hoạt động khai thác.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng  phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng  phát biểu tại hội thảo.

Dù vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm cũng như phải cân đối khai thác trên các đường bay để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, thị trường hàng không vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về sản lượng hành khách vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế.

"Điều này thực sự là một kết quả rất đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy giao thương kết nối cũng như đưa du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch và hàng không giống như “đôi cánh” cùng góp phần phát triển kinh tế.

Với đặc thù địa hình nước ta trải dài từ Bắc tới Nam, hàng không có nhiều ưu thế hơn và được coi là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế... Ngành hàng không tăng trưởng thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới.

Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng không, từ việc hình thành nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến.

Về phía ngành du lịch, theo ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đang phục hồi tích cực sau đại dịch và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Cùng với sự phát triển của đất nước, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng và từng bước khẳng định vị thế ngành kinh tế mũi nhọn. Phát huy những kết quả đạt được, 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa. Đây là điểm sáng và đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không vì số liệu thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với đường sắt, đường bộ, đường biển, lên đến gần 80%.

"Hai ngành luôn sẵn sàng hỗ trợ, liên kết nhằm mục tiêu chung đưa hình ảnh, vẻ đẹp Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, tăng cường phục vụ nhân dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước, ông Cương nhấn mạnh.

CÒN NHIỀU KHOẢNG TRỐNG, CẦN KẾ HOẠCH Ở QUY MÔ CẤP QUỐC GIA

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu đặt ra của ngành du lịch năm 2024 trở nên đầy thách thức. Bởi sự phục hồi của du lịch trong nước vẫn tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu, đặc biệt là trước những diễn biến khó lường từ tình hình địa chính trị thế giới, lạm phát, biến đổi khí hậu…

Nêu rõ khoảng trống trong việc hợp tác giữa hàng không và du lịch hiện nay, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cho rằng hiện hợp tác chủ yếu từ Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết.

Đáng nói, việc hợp tác này hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

"Việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch là hết sức khó khăn, bởi các doanh nghiệp luôn có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không - du lịch được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu", ông Minh nhìn nhận.

Lãnh đạo các bộ, ngành cùng doanh nghiệp tính kế đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
Lãnh đạo các bộ, ngành cùng doanh nghiệp tính kế đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Về phía ngành hàng không, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu trong những tháng gần đây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không theo một cách không mong muốn, khiến năng lực cung ứng giảm sút và các hãng phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Đáng nói, một nghịch lý vẫn đang diễn ra là giá vé máy bay tăng song cả các hãng hàng không và công ty du lịch đều vẫn than khó.

Bình luận về ảnh hưởng của giá vé máy bay tăng cao thời gian qua tới ngành du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), cho rắng điều này không chỉ gây tổn hại sự phát triển ngành hàng không, du lịch và các ngành kinh tế khác, mà còn tác động sinh kế của người dân tại địa phương. 

"1 việc làm ngành du lịch kéo theo khoảng 3 việc làm cho người dân địa phương nên đây là việc cần lưu ý đến", ông Chính nhấn mạnh.

Ngoài những nguyên nhân chính do Bộ Giao thông vận tải nêu ra, ông Chính cho rằng còn một số nguyên nhân khác chưa được đề cập, bởi nhiều nước làng giềng cùng chung bối cảnh nhưng giá vé máy bay không đột ngột tăng cao như Việt Nam.

"Thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh, việc bảo trì máy bay tốn kém chi phí và thời gian do thời gian bảo trì ra nước ngoài. Việc hợp tác giữa hàng không và du lịch chưa mạnh mẽ. Các hãng hàng không giảm bớt các chính sách khuyến mãi", ông Chính nêu rõ.

Nhấn mạnh nguyên nhân khiến giá máy bay tăng cao, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết thiếu hụt số lượng máy bay khai thác trầm trọng, chỉ còn khoảng 160 chiếc so với 230 chiếc trước Covid. Riêng Bamboo Airways giảm sâu 30 xuống 6 chiếc và cố gắng thuê thêm 2 chiếc. 

Theo lãnh đạo Bamboo Airways, thế giới còn dư thừa 30-40.000 máy bay song phải trả giá cao hơn sẽ thuê được máy bay.

Cũng theo ông Chính, ngành du lịch không thể đứng ngoài kêu ca mà cần chung tay góp phần giảm giá vé máy bay.

Theo đó, doanh nghiệp lưu trú thay vì "cứng nhắc" chính sách nhận phòng, trả phòng, cần đa dạng hoá các khung giờ nhận và trả phòng để khuyến khích du khách bay đi và về vào các khung giờ không cao điểm của các đường bay nội địa, qua đó, có thể tận dụng được giá giảm của vé máy bay, đặc biệt tận dụng những chuyến bay đêm với giá vé máy bay rẻ.

Phát triển du lịch không phải chỉ là công việc riêng của ngành du lịch ví như “con thuyền cô đơn giữa biển khơi” mà là trách nhiệm phối hợp thực hiện của các bộ, các ngành, các tổ chức, các cấp có liên quan, vì một mục tiêu chung là phát triển ngành kinh tế này, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

 

Trong khuôn khổ hội thảo, hãng hàng không và các địa phương thống nhất xây dựng những giải pháp tăng cường liên kết, thu hút du khách và kích cầu du lịch nội địa. Theo đó, hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại rất hấp dẫn. 

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa là hai địa phương đầu tiên đồng hành trong chiến dịch này. Theo thỏa thuận, từ nay đến cuối năm, hãng hàng không quốc gia và các địa phương hợp tác phát động chương trình kích cầu du lịch, hãng hàng không triển khai thêm sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm lên đến 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường. Hãng cũng đề xuất tới các tỉnh, thành phố kêu gọi, giới thiệu tới các công ty lữ hành - du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan... trên địa bàn cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm.