15:21 16/12/2023

Thêm dòng tiền mới, "ông lớn" hàng không sẽ cân đối thu chi kinh doanh từ năm 2024

Ánh Tuyết

Doanh thu năm 2023 Vietnam Airlines dự tính đạt trên 90.000 tỷ đồng, bằng 130% so với con số thực hiện năm 2022. Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền khả quan bổ sung từ đề án tái cơ cấu toàn diện và nỗ lực tự thân sẽ đưa tổng công ty sớm thoát khỏi giai đoạn khó khăn và cân đối thu chi năm 2024...

Dự kiến năm 2023, Vietnam Airlines vận chuyển 21,11 triệu lượt hành khách, sắp hồi phục hoàn toàn khi con số này bằng 92,3% so với năm 2019.
Dự kiến năm 2023, Vietnam Airlines vận chuyển 21,11 triệu lượt hành khách, sắp hồi phục hoàn toàn khi con số này bằng 92,3% so với năm 2019.

Ngày 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN - HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

BỐI CẢNH BẤT LỢI VẪN CẮT GIẢM ĐƯỢC HƠN 7.000 TỶ ĐỒNG

Dẫn chứng số liệu từ Hiệp hội các hãng hàng không Thế giới (IATA), ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết năm 2022 có nhiều diễn biến tích cực hơn cho ngành hàng không thế giới.

Ngành hàng không thế giới chỉ còn lỗ khoảng 6,9 tỷ USD, chỉ bằng 16% và 5% số lỗ lần lượt các năm 2021 (42 tỷ USD) và 2020 (138 tỷ USD).

Dù vậy, năm 2022 cũng là năm "nổi sóng" về tỷ giá, giá nhiên liệu biến động bất lợi cho các hãng hàng không. Lãi suất vay dài hạn USD trong năm 2022 tăng mạnh do FED thi hành chính sách tăng lãi suất quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Có thời điểm phải cân não, nhà điều hành phải lựa chọn giữ phòng tuyến ổn định tỷ giá, lạm phát là ưu tiên số một, vì vậy, đẩy mặt bằng lãi suất vay dài hạn và ngắn hạn VND tăng mạnh về cuối năm dưới áp lực tăng lãi suất chung trên thị trường tiền tệ thế giới.

Trong bối cảnh kinh doanh bất lợi, tổng công ty triển khai các giải pháp đàm phán giảm giá, tiết kiệm, cắt giảm chi phí, chủ động kiến nghị các cơ quan nhà nước xem xét kéo dài các chính sách hỗ trợ giảm thuế phí.

"Tổng chi phí giảm từ các giải pháp tự thân và hỗ trợ của Nhà nước trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng", lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Kết quả năm 2022, Tổng công ty Hàng không vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch và bằng gần 80% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), thấp hơn 1,4% so kế hoạch và chỉ bằng 27,3% so với năm 2019.

Nguyên nhân chính sản lượng khách quốc tế không đạt kế hoạch là thị trường Trung Quốc mở cửa chậm hơn dự kiến, còn khách nội địa vượt kế hoạch do thị trường tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn cao điểm hè sau giai đoạn kìm nén về du lịch.

Sản lượng khách nội địa năm 2022 đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so kế hoạch, lấy lại những gì đã mất trước dịch khi tăng 14,2% so với năm 2019.

Kết quả năm 2022, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 50.214 tỷ đồng, hợp nhất là 71.775 tỷ đồng, số lỗ trước thuế của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là -8.841 tỷ đồng và -10.945 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ và hợp nhất tại thời điểm 31/12/2022 ước tính lần lượt là -3.579 tỷ đồng và -11.056 tỷ đồng.

KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG TRÊN 150%

Sang năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục bấp bênh, khó khăn bao trùm toàn thế giới do đối mặt với ảnh hưởng của dịch Covid-19, xung đột giữa Ukraine và Nga cùng với tỷ lệ lạm phát cao nhiều quốc gia.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy đối với thị trường Việt Nam, so với năm 2022, dự kiến thị trường sẽ có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường hàng không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường như quá tải cơ sở hạ tầng, suy thoái kinh tế, xung đột chính trị Nga - Ukraine, thị trường Trung Quốc là thị trường khách lớn thứ hai phục hồi rất chậm.

 

Với thị trường vận tải hàng không quốc tế, sau khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, sản lượng khách luân chuyển dự kiến trong năm 2023 sẽ phục hồi được 88% so với năm 2019, trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn gặp khó khăn do nhóm đường bay Trung Quốc, Hồng Kông mở cửa nhưng hồi phục rất chậm.

Cùng với đó, những yếu tố bên ngoài, yếu tố vĩ mô dù không căng thẳng như năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Với nhận định bức tranh toàn cảnh thị trường như trên, dự kiến năm 2023, Tổng công ty Hàng không vận chuyển 21,11 triệu lượt hành khách, tăng 15,8% so cùng kỳ và bằng 92,3% so với năm 2019.

Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 6,38 triệu khách (bao gồm thuê chuyền), tăng 158,4% so với cùng kỳ và bằng 70,5% so với năm 2019. Tổng công ty duy trì tần suất và tàu bay khai thác trên các nhóm đường bay như hiện tại và chưa phục hồi các đường bay trong năm 2019 như nhóm đường bay du lịch Nhật Bản/Hàn Quốc/Trung Quốc, đường bay Nga, Myanmar do vẫn còn tồn tại những bất ổn về chính trị.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, khu vực thị trường Châu Á - Thái Bình Dương chậm phục hồi hơn thế giới và là "vùng trũng" phục hồi chủ yếu do khu vực Đông Bắc Á phục hồi chậm. Trong bối cảnh vận tải hàng không Việt Nam quốc tế chậm phục hồi, điều đáng mừng là riêng đường bay khu vực Châu Âu, Úc sớm quay lại tương đương năm 2019. Cùng với đó, tổng công ty tìm kiếm thêm nguồn thu từ việc tăng thêm tải cung ứng và mở đường bay mới. 

Còn sản lượng khách nội địa năm đạt 14,73 triệu khách, giảm 6,6% so cùng kỳ nhưng vẫn tăng 6,7% so với năm 2019. 

Với thị trường nội địa, tổng công ty điều chỉnh lại tần suất cho phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo cân đối hiệu quả và mục tiêu thị phần Vietnam Airlines Group đạt trên 42%. Trong đó, mục tiêu là duy trì, giữ thị phần chính của Vietnam Airlines Group trên các đường bay trục, tiếp tục tăng tải đường bay du lịch và điều hành tải linh hoạt nhằm đảm bảo hiệu quả.

BỔ SUNG DÒNG TIỀN TỪ ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU

Với các yếu tố trên đây, theo tính toán kết quả sản xuất kinh doanh của cả năm 2023 công ty mẹ giảm lỗ sâu, còn khoảng -4.870 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất lỗ trước thuế - 5.562 tỷ đồng.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về thời điểm cân bằng thu chi, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines, cho biết năm 2023 dòng tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và bố trí 7.000 tỷ đồng để trả nợ.

Ông Hiền tin tưởng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền từ bổ sung từ đề án tái cơ cấu tài sản thông qua bán tàu bay cũ, đầu tư vào danh mục hấp dẫn, sẽ đảm bảo thanh khoản, khả năng hoạt động liên tục và tổng công ty sớm xoá được âm vốn chủ sở hữu.

Không chỉ hướng đến mục tiêu xoá lỗ luỹ kế cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đề án tái cơ cấu tài sản sẽ giúp tổng công ty có thêm nguồn vốn để có thêm thu nhập, từng bước khắc phục hệ quả do Covid để lại.

Ngoài ra, năm 2023, tổng công ty cũng dành kinh phí đầu tư là 1.175 tỷ đồng, trong đó, khoản kinh phí đầu tư tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là 1.136 tỷ đồng chuyển tiếp giải ngân vào quý 1, 2/2024, đón đầu cơ hội từ sân bay lớn nhất cả nước đi vào hoạt động từ năm 2026.

Theo đó, cam kết trước cổ đông, lãnh đạo tổng công ty cho biết sẽ tiếp tục điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt theo diễn biến thị trường, thực hiện các giải pháp tăng cường quản trị doanh thu, đàm phán giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí.

Cùng với đó, triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản nguồn vốn để bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn vốn nhằm mục tiêu cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì thanh khoản.

Thêm dòng tiền mới, "ông lớn" hàng không sẽ cân đối thu chi kinh doanh từ năm 2024 - Ảnh 1

Năm 2023, tổng công ty tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tái cơ cấu toàn diện tổng công ty. 

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết năm 2023, tổng công ty triển khai quyết liệt các giải pháp cắt giảm, triệt để tiết kiệm chi phí; chủ động xây dựng phương án và kế hoạch đàm phán giãn, hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác đặc biệt là các đối tác cho thuê tàu bay đáp ứng nhu cầu dòng tiền của tổng công ty trong giai đoạn 2023-2024.

"Chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài chính như: tái cơ cấu nợ vay nước ngoài, sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay ngắn hạn, triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn sau khi các vướng mắc về cơ chế chính sách được cấp có thẩm quyền tháo gỡ", lãnh đạo Tổng công ty thông tin.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, bán một số danh mục đầu tư. Tiếp tục triển khai tái cấu trúc tài sản thông qua thanh lý tàu bay cũ, bán và thuê lại (SLB) tàu bay, động cơ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ chức, tinh giản bộ máy; tổ chức lại quy trình công việc; tổ chức lại bộ máy gọn nhẹ; sắp xếp lại phân công lao động, nâng cao chất lượng nguồn lực.

Tổ chức rà soát và xây dựng phương án sử dụng đất và tài sản trên đất đề phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thêm nguồn thu và nâng cao hiệu quả sử dụng. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai công tác tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua đổi mới năng lực quản trị, đầy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

 
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.

“Chúng tôi đánh giá có cả cơ hội và thách thức song hành. Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực.

Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm
2024”.