14:01 06/06/2024

Ngành hàng không thế giới đang tiến đến doanh thu nghìn tỷ USD

Tường Bách

Các hãng hàng không toàn cầu mới đây đã nâng dự báo lợi nhuận cho năm nay và dự kiến doanh thu toàn ngành đạt khoảng 1.000 tỷ USD, trong bối cảnh số lượng khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không tăng kỷ lục…

Ảnh: Rosen Aviation
Ảnh: Rosen Aviation

Hoạt động hàng không được nhiều chuyên gia coi là phép thử đối với niềm tin của doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng, cũng như thương mại. Tại châu Á, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA)  đã tăng hơn gấp 3 lần dự báo lợi nhuận ngành vào năm nay lên 2,2 tỷ USD, bất chấp sự phục hồi chậm chạp của du lịch quốc tế ở Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Mỹ vẫn là khu vực có lợi nhuận cao nhất ở mức 14,9 tỷ USD, không thay đổi so với dự báo trước đó, với “chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp áp lực chi phí sinh hoạt”.

Ông William Walsh, Tổng Giám đốc IATA, nhận định rằng sự phục hồi của ngành hàng không của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) nhanh hơn và mạnh hơn dự kiến. Ông tin tưởng rằng ngành hàng không Hong Kong có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch bệnh sớm nhất là vào cuối năm nay và lạc quan về việc Hong Kong sẽ lấy lại được vị thế trung tâm hàng không quốc tế.

Hãng tin AFP cho biết sự phục hồi chậm chạp của các chuyến bay quốc tế từ Trung Quốc đại lục sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Hong Kong với tư cách là một trung tâm trung chuyển. Theo ông William Walsh, các chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện chỉ quay trở lại 20% so với mức trước dịch, nhưng nhu cầu thị trường vẫn tồn tại nên hành khách sẽ di chuyển đến hai nơi thông qua các trạm trung chuyển. Đối với các khu vực trung chuyển riêng lẻ, đó thực sự là một cơ hội để thu lợi nhuận.

Bắc Mỹ vẫn là khu vực có lợi nhuận cao nhất ở mức 14,9 tỷ USD, không thay đổi so với dự báo trước đó.
Bắc Mỹ vẫn là khu vực có lợi nhuận cao nhất ở mức 14,9 tỷ USD, không thay đổi so với dự báo trước đó.

Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp thường niên của hiệp hội này, ông Walsh cho biết: “Môi trường đang tốt hơn chúng tôi mong đợi, đặc biệt là ở châu Á”. Ngoài ra, trong báo cáo triển vọng kinh tế được thực hiện 2 năm/lần, IATA cho biết, các hàng không dự kiến đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ USD trong năm nay, tăng so với ước tính trước đó là 25,7 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng chi phí cũng đạt mức cao kỷ lục khi tăng 9,4% lên 936 tỷ USD.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của ngành ở Dubai, ông Willie Walsh cho rằng lợi nhuận ròng dự kiến 30 tỷ USD trong năm nay là "một thành tựu tuyệt vời khi xét đến những thiệt hại nặng nề do đại dịch gây ra". Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ đạt 3,1%, tương đương các hãng bay lãi hơn 6 USD mỗi khách và cao hơn không đáng kể so với 3% của năm 2023.

Nhiều hãng bay sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chịu áp lực góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050. Các hãng bay cũng đang đối mặt với chi phí tăng do thiếu phụ tùng thay thế, nhân công cũng như các thách thức liên quan biến đổi khí hậu như đường băng bị ngập nước, cháy rừng.

IATA cũng cho biết các hãng hàng không đã gặp phải vấn đề bảo trì không thể lường trước. Theo các nguồn tin trong ngành, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus đang phải đối mặt một làn sóng mới về vấn đề nguồn cung, gây nghi ngờ về kế hoạch sản xuất trong nửa cuối năm. Airbus cho biết họ đang bám sát mục tiêu giao hàng cả năm. Trong khi đó, Boeing đang sản xuất số lượng máy bay phản lực 737 MAX bán chạy nhất của hãng ít hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu, sau khi xảy ra vụ nổ bảng điều khiển trong quá trình bay hồi tháng 1/2024.

Các hãng bay cũng đang đối mặt với chi phí tăng do thiếu phụ tùng thay thế, nhân công cũng như các thách thức liên quan biến đổi khí hậu.
Các hãng bay cũng đang đối mặt với chi phí tăng do thiếu phụ tùng thay thế, nhân công cũng như các thách thức liên quan biến đổi khí hậu.

Dù vậy, các hãng bay như Frontier Airlines có trụ sở tại bang Colorado (Mỹ) và Wizz Air của Hungary dường như đã nhìn thấy cơ hội trong khó khăn khi báo cáo lợi nhuận hàng trăm triệu đô la Mỹ thông qua các thương vụ bán máy bay mới vừa được các nhà sản xuất bàn giao. Sau đó, họ thuê lại chúng để sử dụng. Các giao dịch bán và thuê lại này từ lâu là nghiệp vụ để các hãng hàng không trên toàn cầu tạo ra thanh khoản.

Trong năm nay, các hãng hàng không sẽ nhận bàn giao máy bay mới với số lượng ít hơn 19% so với dự kiến ​​do các vấn đề sản xuất tại Boeing và Airbus. Ngoài ra, khoảng 350 máy bay Airbus A320neo dự kiến ​​sẽ bị dừng khai thác bay từ năm 2024 đến năm 2026 để khắc phục sự cố ở động cơ GTF của Pratt & Whitney. Do đó, hãng tư vấn Cirium Ascend Consultancy nhận định những giao dịch bán và thuê này trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Và các hãng hàng không Mỹ sẽ chiếm 24% giao dịch bán và thuê lại máy bay trên toàn cầu.

Theo Reuters, trong tháng này, hãng bay giá rẻ Frontier Airlines ghi nhận khoản lãi 71 triệu đô la từ các giao dịch bán lại máy bay mới được bàn giao trong quý 1/2024. Số lãi này tăng 78% so với quý cuối năm ngoái. Rob Morris, người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu của Cirium cho biết, Frontier Airlines có thể sẽ đạt được mức tăng lãi tương tự trong các giao dịch bán và thuê lại máy bay trong quý 2 này. Tương tự, Wizz Air báo lãi khoảng 245 triệu euro trong năm tài chính gần đây nhất từ các thương vụ bán và thuê lại máy bay, tăng khoảng 146% so với năm trước đó.

Aengus Kelly, CEO của hãng cho thuê máy bay AerCap (Ireland) dự đoán tình trạng thắt chặt trên thị trường máy bay chở khách toàn cầu sẽ kéo dài đến hết thập niên này. Giá máy bay mới tăng cao cũng đồng nghĩa với việc giá cho thuê tăng vọt. John Heimlich, nhà kinh tế trưởng của A4A, ước tính chi phí thuê máy bay của các hãng hàng không đang cao hơn 30% so với trước đại dịch Covid-19.

Các hàng không dự kiến đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ USD trong năm nay.
Các hàng không dự kiến đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ USD trong năm nay.

Bên cạnh đó, ngành hàng không toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt giảm phát thải như sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững và phát triển động cơ máy bay thân thiện với môi trường. Một cột mốc đáng nhớ đã được thiết lập cuối năm ngoái, khi hãng hàng không Virgin Atlantic của tỷ phú Richard Branson thực hiện thành công chuyến bay đường dài đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành là hiện mới có 0,1% số chuyến bay toàn cầu sử dụng nhiên liệu này, do sản lượng thấp và chi phí sản xuất cao. Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch ước tính giá vé máy bay sẽ phải tăng tới 22% vào năm 2050 mới đủ để trang trải chi phí cho quá trình khử carbon của ngành hàng không. Mức tăng như vậy chắc chắn sẽ khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy e ngại.