11:29 01/11/2023

Lãi gộp quý 3 gấp hơn 7 lần cùng kỳ, "ông lớn" hàng không vẫn chưa thoát khó

Ánh Tuyết

Trong quý 3 vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hồi phục gần như hoàn toàn so với thời điểm trước dịch, đây cũng là quý lãi gộp thứ ba liên tiếp, đưa lãi gộp lên mức hơn 4.100 tỷ đồng trong 9 tháng. Dù vậy, các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty...

Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.
Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 vừa công bố, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) ) đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với quý 3/2022 và hồi phục gần như hoàn toàn so với thời điểm khởi sắc trước dịch (bằng khoảng 93% doanh thu hợp nhất quý 3/2019).

GIẢM LỖ CÔNG TY MẸ, CÔNG TY CON ĐỀU CÓ LÃI

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) thực hiện 100.213 chuyến bay trong 9 tháng qua, dẫn đầu ngành hàng không với hơn 45% thị phần.

Với nhiều tín hiệu khởi sắc, đây là quý thứ 8 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch cũng như những nỗ lực của Tổng công ty nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.

Lãi gộp quý 3 gấp hơn 7 lần cùng kỳ, "ông lớn" hàng không vẫn chưa thoát khó - Ảnh 1

Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 1.240 tỷ đồng trong quý 3/2023, gấp 7,5 lần so với số lãi 165 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý lãi gộp thứ ba liên tiếp của Tổng công ty.

Lũy kế 9 tháng, Tổng công ty đạt doanh thu gần 68.100 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp bi đát gần 1.800 tỷ đồng của ba quý đầu năm 2022.

Sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, trong quý 3/2023, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ sau thuế trên 2.200 tỷ đồng, chỉ giảm lỗ nhẹ 13,5% (khoảng 343 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái, đưa lỗ luỹ kế trong 9 tháng của năm 2023 lên mức 3.535 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, trong 9 tháng năm nay, hãng giảm lỗ sâu gần một nửa so với cùng kỳ (lỗ 7.780 tỷ đồng).

 

Báo cáo giải trình của Tổng công ty cho biết lỗ sau thuế hợp nhất quý 3 vừa qua giảm so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do giảm lỗ của các đơn vị vận tải gồm: Công ty mẹ Vietnam Airlines và Pacific Airlines, trong khi đó, các công ty con đều kinh doanh có lãi.

Soi kỹ hơn bức tranh kinh doanh của công ty mẹ Vietnam Airlines có thể thấy, tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3/2023 của công ty mẹ tăng 22,2% so với quý 3/2022 (tăng gần 3.300 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 21,2%, tương đương thêm 2.847 tỷ.

Đặc biệt, doanh thu quốc tế của hãng cải thiện đáng kể nhờ thị trường khu vực Châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.

Thị trường khách quốc tế vẫn đang chậm rãi hồi phục, tạo đà tăng trưởng cho công ty. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 8,9 triệu lượt, cao gấp 4,74 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng đường hàng không đã vận chuyển hơn 6,1 triệu lượt khách, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ.

Các thị trường khách nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong ba quý vừa qua là Hàn Quốc với gần 2,6 triệu lượt khách và Trung Quốc với hơn 1,1 triệu lượt, tăng mạnh mẽ lần lượt 428% và 1.336% so với cùng kỳ 2022. Lượng khách từ Mỹ và Nhật Bản cũng đi lên tương ứng 211% và 330%.

Bên cạnh đó, tổng chi phí quý 3/2023 của công ty mẹ tăng 17%, thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu. Do vậy, kết quả kinh doanh cuối cùng ghi nhận cải thiện rõ rệt khi công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 447,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế giảm hơn 449 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết do thị trường vận tải thời gian qua từng bước phục hồi và Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… nên mức lỗ quý 3/2023 đã thấp hơn so với quý 3/2022.

NHIỀU KHOẢN CHI PHÍ BÀO MÒN LỢI NHUẬN

Dù có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng Vietnam Airlines đánh giá hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch (năm 2019). 

 

Các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

Theo đánh giá, việc các ngân hàng trung ương đồng loạt thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cũng khiến cho chi phí lãi vay của Tổng công ty tăng lên trong những quý vừa qua.

Trong quý 3/2022, Vietnam Airlines gánh thêm gần 400 tỷ đồng lãi vay, cao hơn 30% cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới gần 1.100 tỷ đồng, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp. 

Cùng với đó, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình 9 tháng đầu năm nay là khoảng 114 USD/thùng, dù thấp hơn so với mức bình quân 143 USD/thùng của 9 tháng đầu năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 80 USD/thùng thời kỳ trước Covid.

Vietnam Airlines cho biết thêm Tổng công ty đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đề án, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất. Tổng công ty tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.