VPBankS: Trong ngắn hạn cổ phiếu ngân hàng sẽ rung lắc nhưng dài hạn vẫn hấp dẫn
Trong ngắn hạn sẽ có những biến động, rung lắc nhất định, tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận và theo đó là vốn chủ sở hữu phục hồi dần trong quý cuối năm và tăng trưởng 2024 mạnh hơn trên nền thấp của 2023 thì định giá 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn...
Chứng khoán VpBankS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng nhóm ngân hàng trong đó nhấn mạnh trong ngắn hạn sẽ có những biến động, rung lắc nhất định nhưng trung và dài hạn vẫn rất hấp dẫn.
DỰ BÁO LỢI NHUẬN TOÀN NGÀNH TĂNG 15% TRONG NĂM 2024
VPBankS kỳ vọng sang năm 2024 với mặt bằng lãi suất thấp, mức NIM sẽ phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm và tăng trưởng hơn từ nửa cuối năm khi Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, hạ áp lực cho gap lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam, tạo ra dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng ở Việt Nam có đất diễn hơn.
NIM vẫn cao hơn ở các ngân hàng bán lẻ như VPB, VIB, MBB, HDB, ACB dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt giảm NIM này, nhưng khi thị trường hồi phục, mức tăng trưởng NIM của những ngân hàng này dự kiến sẽ bứt tốc nhanh nhất toàn ngành.
Hiện tại toàn ngành đang ở mức là 34,2%, giảm đi rất nhiều trong vòng hơn chục năm trở lại đây và chúng ta phải đặc biệt cảm ơn công nghệ thông tin chuyển đổi số đã giúp tự động hóa được nhiều quy trình, giúp giảm tải chi phí và đưa mức CIR toàn ngành về 1 mức hợp lý hơn.
Hiện tại cũng chỉ có 11/27 ngân hàng niêm yết có mức CIR thấp hơn trung bình ngành đó là các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân như SHB, VPB, VIB, MBB, TCB, ACB, OCB và HDB.
Năm 2024, VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng ở mức 15%, tương đương đạt 293.650 tỷ với giả định SBV không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn trong danh sách theo dõi đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.
Hầu hết các ngân hàng lớn đều đã công bố kế hoạch kinh doanh trình Đại hội cổ đông xem xét phê duyệt. Trong đó trung bình các ngân hàng tư nhân lớn như ACB, HDB, MBB, TCB, VIB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2024 ở mức trung bình 14%. Các ngân hàng tư nhân nhỏ khác như LPB, MSB, NAB, OCB, SSB, TPB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2024 mạnh hơn ở mức 28%.
Có 4 ngân hàng trình mức kế hoạch kinh doanh lợi nhuận trước thuế lớn nhất là ABB (+71%), EIB (+90%), VPB (+114%) và BVB (+179%).
Về kế hoạch tăng trưởng tín dụng, trung bình các ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, trong đó có một số ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu tăng trưởng dưới mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu của Chính phủ như ACB, LPB, TPB, VCB. Các ngân hàng tư nhân vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cũng là các ngân hàng có room lớn như HDB, MBB, VIB, VPB. Năm nay các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt đã có khả năng trả cổ tức và có kế hoạch trả cổ tức đều đặn hơn, ví dụ ACB, MBB, HDB, VIB, VPB.
CỔ PHIẾU RUNG LẮC NGẮN HẠN NHƯNG DÀI HẠN VẪN HẤP DẪN
Về chất lượng tài sản, VPBanks lo ngại khó khăn cho nợ xấu khi tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong cả năm 2024 là hơn 222 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng cao nhất là ngành bất động sản chiếm gần 42% tổng giá trị trái phiếu, đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng nhưng tập trung và chia đều ở 3 quý cuối năm với giá trị cao nhất trong quý 3 đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng.
Lượng mua lại trái phiếu trước hạn của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh trở lại trong tháng 12/2023 sau giai đoạn trầm lắng cuối quý 3 và đầu quý 4 ghi nhận tổng giá trị mua lại hơn 21,3 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị mua lại trước hạn của tổ chức tín dụng trong năm 2024 đạt hơn 127 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022, cao hơn mục tiêu của Chính phủ (3%), dù chưa bao gồm nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (ước khoảng 183,500 tỷ đồng đến hết năm 2023, chiếm 1.35% tổng dư nợ).
Phần tăng chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ sự kiện của ngân hàng SCB với Vạn Thịnh Phát cùng với các NHTM trong diện mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt. Dù vậy NPL các ngân hàng còn lại ước tính vẫn dưới 3%. Sự kiện này đòi hỏi sự chung tay của toàn ngành để tháo gỡ và xử lý nên sẽ gây ảnh hưởng chung cho ngành về chất lượng tài sản trong thời gian tới.
Trên thị trường, các cổ phiếu từ đầu năm đến giờ có những cổ phiếu đã tăng hơn 30% như TCB, MBB, CTG. Các ngân hàng lớn khác cũng có đà tăng giá rất ấn tượng như BID, VCB tăng hơn 20%, ACB, VIB tăng hơn 15%. Và do ngành ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường nên đây cũng đóng góp rất lớn vào việc tăng chỉ số Vn-Index.
Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và Mục tiêu là nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Khi nâng hạng, con số vốn hóa ngành Ngân hàng còn được kỳ vọng có thể bứt tốc hơn nữa.
Về mặt định giá, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn. Trong ngắn hạn sẽ có những biến động, rung lắc nhất định, tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận và theo đó là vốn chủ sở hữu phục hồi dần trong quý cuối năm và tăng trưởng 2024 mạnh hơn trên nền thấp của 2023 thì định giá 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn từ 8.6 đến 9.4 lần P/E (so với P/E trung bình 12 lần) và 1.3-1.6 lần P/B (so với P/B trung bình 1.8 lần).