07:42 08/04/2024

Một quỹ nội bất ngờ quay xe bán gần hết sạch cổ phiếu ngân hàng, đưa tỷ trọng tiền mặt cao gần 50%

Tuệ Lâm

Cập nhật thời điểm đến cuối tháng 3, một quỹ nội đã bất ngờ bán gần hết số cổ phiếu ngân hàng trên, chỉ còn lại duy nhất ACB với tỷ trọng 6,37%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngân hàng vốn dĩ là khẩu vị ưa thích của nhiều quỹ đầu tư trong nước và ngoài nước. Hồi tháng 2, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital khi đó "ôm" đến 40,2% tỷ trọng là cổ phiếu ngân hàng đã nhận định sau những giai đoạn thận trọng cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán 2024 đã có những tín hiệu khởi sắc được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng.

Báo cáo tài chính quý 4 đã cho thấy bức tranh chung ngành ngân hàng bước dần qua giai đoạn khó khăn nhất với vùng đáy NIM, đỉnh nợ xấu và trích lập dự phòng đã được xác lập với các Ngân hàng Quốc doanh và Ngân hàng CP lành mạnh như ACB. Ở vùng định giá rẻ lịch sử như cuối 2023, không khó để cổ phiếu ngành này được thị trường định giá lại cho một triển vọng 2024 tích cực hơn.

Danh mục cổ phiếu ngân hàng của SGI Capital khi đó bao gồm một số cổ phiếu như ACB 11,29%, MSB 4,56%, CTG 9,16% , TPB 4,31%, VIB 4,21%.

Tuy nhiên, cập nhật thời điểm đến cuối tháng 3, SGI Capital đã bán gần hết số cổ phiếu ngân hàng trên, chỉ còn lại duy nhất ACB với tỷ trọng 6,37%. Việc bán ra hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã đưa tỷ trọng tiền mặt của quỹ về mức cao 57,54%. Tổng giá trị danh mục của quỹ hơn 90 tỷ đồng.

Ngoài ACB, hiện tại danh mục của Ballad Việt Nam còn có BWE tỷ trọng 2%; DHG; FMC, MWG; PNJ; TLG; QTP...

Danh mục của Ballad Việt Nam còn lại duy nhất cổ phiếu ACB. 
Danh mục của Ballad Việt Nam còn lại duy nhất cổ phiếu ACB. 

Động thái bán ra hạ tỷ trọng mạnh của SGI Capital cũng phù hợp với nhận định của quỹ về chứng khoán tháng 3. Trong nhận định thị trường tháng 3, quỹ này cho rằng  trong trường hợp tỷ giá trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng sát mức giá bán USD của SBV, có thể sẽ xuất hiện lo ngại về thanh khoản và lãi suất khi SBV tiến hành các biện pháp can thiệp.

Về mặt định giá, P/E của VN-Index đã tăng đến gần vùng trung bình dài hạn. Giai đoạn thị trường được định giá rẻ do bi quan về triển vọng tăng trưởng đã kết thúc. Nhà đầu tư đang kỳ vọng nền kinh tế bước vào chu kỳ hồi phục và tăng trưởng trở lại.

SGI Capital lạc quan trong trung và dài hạn với nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2024, nhưng sẽ lưu ý một số dấu hiệu rủi ro sắp tới khi mức độ lạc quan chung đang tăng và kỳ vọng dần phản ánh vào giá ở nhiều nhóm cổ phiếu. Những điểm cần lưu ý là lượng phát hành mới bắt đầu tăng cùng với lượng đăng ký bán của cổ đông nội bộ tăng lên gần đây.

Trong kế hoạch đầu tư năm 2024, SGI Capital cho rằng chủ đề xuyên suốt của năm 2024 trên toàn cầu sẽ là cắt giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Xu hướng này mạnh hay yếu tiếp tục phụ thuộc vào cân đối giữa lạm phát và thất nghiệp. Sau giai đoạn thắt chặt gần 2 năm qua, dư địa nới lỏng tiền tệ là khá lớn trên toàn cầu khi lạm phát ở nhiều nước đã giảm sâu dưới trần lãi suất điều hành. Goldman Sachs dự báo lạm phát của Mỹ và các nền kinh tế phát triển sẽ về vùng 2 - 2,5% vào cuối năm 2024 và không có hiệu ứng tăng trở lại. Các thị trường chứng khoán thường có hiệu suất cao trong giai đoạn lạm phát vùng 2%-3%.

Do vậy, trong xu hướng lãi suất giảm và nền kinh tế hồi phục, các tổ chức lớn trên thế giới đều khuyến nghị phân bổ tiền vào các kênh đầu tư thay vì giữ tiền mặt trong năm 2024. Định giá ở nhiều thị trường mới nổi hiện tương đối rẻ so với quá khứ và so với Mỹ.

Trong khi đó, đồng USD đã kết thúc chu kỳ tăng khi FED chuẩn bị hạ lãi suất có thể khiến dòng tiền quay lại với các thị trường mới nổi.

Sau giai đoạn 2022-2023 nhiều biến động lớn về chính sách tiền tệ, Việt Nam của năm 2024 có nhiều điều kiện để tin tưởng và sự ổn định tích cực của kinh tế vĩ mô như: lạm phát thấp, lãi suất giảm xuống thấp kỷ lục, tỷ giá ổn định và phục hồi tăng trưởng rõ nét hơn.

Những nỗ lực Chính phủ sẽ hỗ trợ nền kinh tế và thị trường khi tập trung đẩy mạnh cả chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nền lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực lớn khiến dòng tiền không còn ngủ yên. Tâm lý phòng thủ và thận trọng sẽ dần được gỡ bỏ khi nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư thay thế gửi ngân hàng sẽ tăng lên cùng với các tín hiệu hồi phục rõ hơn của nền kinh tế, thị trường chứng khoán và cả bất động sản.