Vụ “siêu lừa” 433 tỷ đồng: Vì sao có quyết định tạm hoãn phiên tòa?
Theo dự kiến, TAND Cấp cao TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với nhóm bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành vào chiều 3/4, song Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa, tạo điều kiện cho các bên đàm phán với mục đích thu hồi lại tài sản.
Phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và các cá nhân diễn ra từ ngày 26/3 – 3/4. Sau thời gian nghỉ nghị án, chiều 3/4, Hội đồng xét xử quyết định quay lại phần xét hỏi nhằm làm rõ số tiền thiệt hại tại Ngân hàng Việt Á.
Bản án sơ thẩm thể hiện, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân. Do không có tài sản đảm bảo nên Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn (122 tỷ đồng), Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh…
Có 17 bị cáo là cựu cán bộ 3 ngân hàng trên đã "tiếp tay" với Thành. Thành đã giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng. Cơ quan tố tụng xác định, Thành gây ra 26 vụ lừa đảo ngân hàng và các cá nhân với số tiền hơn 433 tỷ đồng.
Tòa sơ thẩm xử phạt Thành mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (viết tắt là PVCombank) 49,4 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc dân (viết tắt là NCB) 47,5 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Á (viết tắt là VAB) hơn 273 tỷ đồng và 4 cá nhân khác là 63 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Thành kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 12/26 bị cáo, các ngân hàng và một số bên liên quan cũng kháng cáo.
Quá trình xét hỏi, tòa án làm rõ lại con số thiệt hại tại Ngân hàng Việt Á. Bị cáo Hà và Ngân hàng Việt Á cùng xác nhận lại số thiệt hại là 248 tỷ đồng. Tòa án cũng yêu cầu bị cáo Thành xác nhận lại rõ số tiền chiếm đoạt trong từng vụ, số tiền bị cáo bỏ ra góp đồng sở hữu.
Theo đó, bị cáo Thành có 68,5 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Ngoài ra, bị cáo có 75 tỷ đồng tương đương 26% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội. Số cổ phần này đang thế chấp tại Ngân hàng Việt Á. Công ty MHD sở hữu dự án bất động sản MHD Trung Văn. Tuy nhiên, bị cáo còn nợ Công ty MHD là 30 tỷ đồng.
Bị cáo Thành còn chuyển tiền mua cổ phần cho bà Bùi Thu Thủy là 10 tỷ đồng. Bà Thủy chưa trả lại số tiền này.
Bị cáo Thành và ông Đặng Nghĩa Toàn cùng xác nhận số tiền lãi mà Thành đã trả cho ông Toàn là hơn 4 tỷ đồng. Tổng cộng bị cáo Hà Thành có hơn 133 tỷ đồng, ngoài ra còn một số khoản chưa thu hồi được. Trong khi đó, bị cáo Thành phải khắc phục cho 3 ngân hàng và một số bị hại khác. Tổng số tiền chưa khắc phục là hơn 248 tỷ đồng.
Đại diện Công ty MHD cho biết 26% cổ phần đứng tên bị cáo Nguyễn Thanh Tùng và ông Tùng đã thế chấp cho Ngân hàng Việt Á. Sau này, Tùng chuyển nhượng cho 2 người khác vì bị bắt nợ. Công ty đã thông báo cho những người liên quan về việc thế chấp cổ phần.
Đại diện Công ty khẳng định Công ty không nắm giữ số cổ phần này, do đã thế chấp cho Ngân hàng Việt Á thì quyết định do Ngân hàng Việt Á. Bị cáo Thành trình bày muốn dùng 26% cổ phần tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục tối đa, song Ngân hàng Việt Á chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về giá trị số cổ phần này.
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Thành cho hay có một nhà đầu tư muốn mua lại số cổ phần này để lấy tiền thay Thành trả nợ các bị hại.
Đây là nhà đầu tư kinh doanh nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản, vì là bí mật kinh doanh nên tòa không không công bố danh tính. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định có khả năng khắc phục và kịp thời gian khắc phục thay, mong tòa tạo điều kiện để họ thực hiện các thủ tục.
Do các bên không thể thống nhất giao dịch ngay tại tòa nên Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa để hai bên đàm phán.
Chủ tọa phiên tòa cũng nhấn mạnh: “Mục đích cuối cùng, chủ trương lớn nhất là khắc phục hậu quả cho các ngân hàng, các cá nhân”.