14:35 16/03/2023

Vụ lừa đảo 433 tỷ đồng: Loạt đại gia có thể lấy lại sổ tiết kiệm?

Đỗ Mến

Về hướng xử lý dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Nguyễn Thị Hà Thành phải trả lại tiền cho các ngân hàng và một số bị hại là cá nhân. Như vậy, các đại gia gửi tiết kiệm đồng sở hữu với Thành có khả năng lấy lại sổ?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau hơn 1 tuần xét hỏi, sáng 16/3, Viện kiểm sát đã luận tội với các bị cáo và hướng xử lý dân sự trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo 3 ngân hàng và các cá nhân 433 tỷ đồng.

ĐỀ NGHỊ “SIÊU LỪA” MỨC ÁN CHUNG THÂN

Theo cáo trạng, do làm ăn thua lỗ, Nguyễn Thị Hà Thành đã vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước, sau đó thành khách VIP của một số ngân hàng. Có 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VAB và PVcombank "tiếp tay" cho Thành lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng khác, hứa trả lãi ngoài cao cho họ. Thành sau đó giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.

Số tiền Thành chiếm đoạt tại VAB là 247 tỷ đồng; NCB là 47,5 tỷ đồng; PVCombank là 49,4 tỷ đồng.

Viện kiểm sát đánh giá, Thành là chủ mưu, cầm đầu và nhiều lần thực hiện hành vi gian dối, để ngân hàng tin tưởng cho vay tiền rồi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, có nhóm bị cáo giúp sức cho Thành lập khống các hợp đồng mua bán không có thật, rồi sử dụng pháp nhân công ty rút tiền của ngân hàng cho vay để sử dụng.

Còn nhóm bị cáo giữ vai trò là cán bộ ngân hàng đã gian dối trong khâu thẩm định hồ sơ và cấp tín dụng, giúp sức cho Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Viện kiểm sát đánh giá hành vi của các bị cáo bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng với số tiền chiếm đoạt và số tiền gây thất thoát cho ngân hàng đặc biệt lớn.

Bản thân các bị cáo là người có trình độ văn hóa, nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác. Hành vi của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài thể hiện sự coi thường pháp luật nên cần xử lý nghiêm khắc để giáo dục phòng ngừa chung. 

Đặc biệt, hành vi của nhóm bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành, Nguyễn Thị Thu Hương, Quản Trọng Đức… đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của tổ chức và cá nhân khi đã thực hiện các hành vi gian dối để tạo lòng tin với các tổ chức, cá nhân tin tưởng cho vay tiền, sau đó chiếm đoạt với số tiền đặc biệt lớn.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa.

Còn hành vi của một số bị cáo là cán bộ ngân hàng đã xâm phậm trật tự quản lý kinh tế, các quy định của nhà nước về hoạt ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho 3 ngân hàng số tiền đặc biệt lớn… 

Với nhóm bị cáo cho vay nặng lãi như Triệu Đình Hoan, Nguyễn Thị là, Triệu Thị Hạnh... đã cho Thành vay lãi nặng với số tiền đặc biệt lớn để thu lời bất chính số tiền lớn.

Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa án tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh trên, đề nghị tuyên các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) cùng mức án 16-18 năm tù. Bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) bị đề nghị 15-17 năm tù, Nguyễn Thanh Tùng 15-16 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 12 tháng tù treo – 15 năm tù.

LOẠT ĐẠI GIA CÓ KHẢ NĂNG LẤY LẠI SỔ TIẾT KIỆM?

Trong vụ án này, do Thành sử dụng thủ đoạn, một mặt là vay tiền của các cá nhân bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sổ hữu vào ngân hàng gồm ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh.. Mặt khác, Thành cấu kết với các cán bộ ngân hàng, sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm, giả mạo chữ kỹ của đồng sở hữu để vay tiền của các ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Quá trình tố tụng, các bên đã tranh cãi “nảy lửa” về trách nhiệm dân sự. Đặc biệt, trước khi phiên tòa diễn ra, VAB đã dùng các khoản tiền gửi của các đồng sở hữu để tất toán khoản vay để khắc phục hậu quả. Còn NCB và PVCombank đã phong tỏa các sổ tiết kiệm vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn.

Tại tòa, PVCombank đã đề nghị tòa án xác định, ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không phải nguyên đơn dân sự - tức bên bị thiệt hại. Đối với các sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn được dùng để bảo đảm cho khoản vay 49,4 tỷ đồng của Công ty Jeongho, PVCombank đề nghị được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Trước việc các sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng bị 3 ngân hàng phong tỏa, các đồng sở hữu đề nghị ngân hàng trả lại. Họ cho rằng việc góp tiền vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Thành cũng do tin tưởng lời đảm bảo các nhân viên ngân hàng song cuối cùng lại bị phản bội, dẫn đến mất tiền.

Tại bản luận tội, Viện kiểm sát đề nghị tòa án buộc Thành phải bồi thường cho các ngân hàng, bao gồm tại VAB là 249 tỷ đồng; NCB là 47,5 tỷ đồng và PVCombank là 49,4 tỷ đồng.

Các ngân hàng có trách nhiệm phải trả cho các đồng sở hữu sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, số tiền 122 tỷ đồng của ông Đặng Nghĩa Toàn tại các sổ tiết kiệm đều được Viện kiểm sát đề nghị 3 ngân hàng giữ lại để giải quyết dân sự vay mượn.

Ngoài ra, với số tiền Thành chiếm đoạt của một nữ đại gia ở Lạng Sơn, do bà này đang bị cơ quan công an tách vụ án, điều tra cho vay lãi nặng giao dịch dân sự. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị không xem xét thiệt hại trong vụ án này và yêu cầu VAB tiếp tục quản lý sổ tiết kiệm của nữ đại gia để phục vụ điều tra.

Sau khi Viện kiểm sát luận tội, các bên sẽ bước vào phần tranh luận và phải đợi phán quyết của tòa án mới phân định rõ trách nhiệm dân sự giữa các bên.