Vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương - Ảnh 1
Vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương - Ảnh 2
Nhìn lại năm 2021 với nhiều khó khăn, đâu là điều khiến Bộ trưởng trăn trở nhất?

Điều khiến tôi trăn trở nhất đó là sức lực của doanh nghiệp vẫn đang bị bào mòn khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chưa thể khôi phục hoàn toàn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc triển khai các chính sách còn hạn chế, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với phương châm “sớm nhất-hiệu quả nhất” nhằm triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, thích ứng với tình hình mới.

Đi qua một năm đầy giông bão, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều niềm tin vào chương trình mở cửa thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế. Theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt có thể giúp Việt Nam phục hồi sớm nhất – hiệu quả nhất?

Tôi cho rằng ở mọi quốc gia, sự đồng lòng, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp đối với các quyết sách, quyết định của Chính phủ đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của chính sách đó. Ông cha ta đã có câu: “Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng”.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh tinh thần đoàn kết luôn là vũ khí sắc bén giúp dân tộc Việt Nam giành được chiến thắng trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất, và tinh thần này cũng chính là vũ khí giúp chúng ta vượt qua khó khăn của đại dịch trong hai năm qua.

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.

Vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương - Ảnh 3

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Ở những nơi, những thời điểm dịch bệnh chưa bị ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.

Điều đáng mừng là khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, mà còn có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp Việt Nam đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như ATM gạo, ATM ô xy, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng…

Tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân luôn là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế trong thời gian tới.

Vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương - Ảnh 4
Vậy các giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 sẽ là gì, thưa Bộ trưởng?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ ở Việt Nam mà gần như trên toàn thế giới, với diễn biến hết sức phức tạp do biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan rất nhanh, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và đang trong điều kiện rất khó khăn; nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước, quốc tế suy giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm; sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp và sẽ được triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, trong thời gian tới, sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp như: tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững.

Cụ thể: đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ tái cấu trúc lao động; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp; tái cấu trúc doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp; quản trị rủi ro; phát triển kinh doanh bền vững, kinh tế xanh.

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng thuận lợi cho doanh nghiệp, Cụ thể: rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách để định hướng cho doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư.

Vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương - Ảnh 5
Sau hai năm chống chọi với Covid-19, nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn. Theo Bộ trưởng, cần phải làm gì để tiếp tục khơi gợi nguồn lực của kinh tế tư nhân trong thời gian tới?

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đã đề ra quan điểm “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế”.

Vì vậy, theo tôi, thời gian tới cần tập trung vào ba nhóm yếu tố chính.

Một là, cải cách thể chế để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, an tâm đầu tư dài hạn vào sản xuất kinh doanh

Bản chất của kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân và sự phát triển của doanh nghiệp khu vực tư nhân. Vì vậy, đặt ra một số yêu cầu cải cách căn bản như đổi mới cơ chế về sở hữu, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân...

Hai là, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, có cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất trong đó doanh nghiệp của Việt Nam có vai trò quan trọng, tham gia vào những khâu, công đoạn quan trọng, có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng đến tính đồng bộ, thống nhất và đảm bảo khả năng so sánh với quốc tế của các các tiêu chí, chỉ số, tạo điều kiện cho việc phân tích, đánh giá để hoạch định chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân một cách phù hợp, hiệu quả.

Ba là, tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo sân chơi cho khu vực kinh tế tư nhân.

Vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương - Ảnh 6

VnEconomy 02/02/2022 08:00