13:47 15/08/2022

Xây dựng chuỗi cung ứng ngắn để "ghìm" giá tiêu dùng

Ánh Tuyết

Giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp nhưng giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vẫn còn ở mức cao, thậm chí có mặt hàng "đội" giá vô lý. Để đưa giá cả về mức hợp lý, làm thế nào để kết hợp giữa chuỗi cung ứng ngắn và sàn giao dịch hàng hoá công khai, minh bạch...

Thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn sẽ hạ nhiệt giá cả lương thực, thực phẩm... vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hoá tính CPI (33,56%), góp phần kéo giảm chỉ số CPI.
Thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn sẽ hạ nhiệt giá cả lương thực, thực phẩm... vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hoá tính CPI (33,56%), góp phần kéo giảm chỉ số CPI.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tuần vừa qua, thị trường hàng hóa nguyên liệu đồng loạt tăng mạnh. Theo đó, 29/31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt tăng giá; trong đó, bông và cà phê tiếp đà tăng hơn 10%.

HÀNG HÓA "ĐỘI GIÁ" CAO HƠN LÚC GIÁ XĂNG PHÁ ĐỈNH

Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào khác vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể.

"Điều này tiếp tục gây ra thách thức cho doanh nghiệp và giá thành sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ vẫn còn đang ở mức cao và tạo áp lực lên năng lực chi tiêu cá nhân", báo cáo của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam nhận định.

Cũng theo đánh giá của cơ quan này, sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ của liên Bộ Công Thương - Tài chính vào chiều ngày 11/8 vừa qua, giá xăng trong nước tiếp tục hạ nhiệt. Đây là đợt điều chỉnh giảm lần thứ 5 liên tiếp, trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục suy yếu kể từ giữa tháng 6 cho đến nay.

 

"Mặc dù giá xăng dầu trong nước đang trên đà giảm trong thời gian gần đây, tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vẫn còn đang ở mức cao"

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 679/CĐ-TTg cuối tháng 7 vừa qua, để tăng cường biện pháp quản lý điều hành giá, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đã đề ra.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, đây là một chủ trương đúng đắn kịp thời, hợp lòng dân và doanh nghiệp trong lúc giá cả tăng cao do tác động của giá xăng dầu tăng mạnh nhiều đợt trong những tháng đầu năm 2022.

"Tình trạng lên nhanh, xuống chậm và hàng hoá đi từ sản xuất đến tiêu thụ lẻ phải qua nhiều khâu trung gian cộng với chiết khấu cao vô lý khi gửi hàng vào một số siêu thị diễn ra nhiều năm nay mà chưa được khắc phục", ông Phú nói.

Điều cần nói thêm là những vấn đề này ít được các cơ quan quản lý ngành công thương ở trung ương và các địa phương, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh lên tiếng, làm trọng tài và can thiệp.

Theo ông, muốn giải quyết được tình hình trên cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Đó là, phải kê khai giá khi mức giá bán lẻ "đội" lên một cách vô lý so với giá cả bình quân trên thị trường thời điểm giá xăng dầu ở mức cao nhất trên 32.000 đồng/lít trong tháng 6/2022; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, truyền thông để nhận được sự đồng thuận của xã hội. Song song với đó, cần tổ chức lại hệ thống phân phối một cách hợp lý và khoa học, ít chi phí trung gian.

GIẢI QUYẾT BỨC XÚC ĐẨY GIÁ TỪ TRUNG GIAN PHÂN PHỐI

Khi nói đến giảm chi phí trung gian để kéo giá hàng hoá xuống theo chỉ đạo của Chính phủ, theo các chuyên gia kinh tế, điều cần thiết là giải quyết bài toán về khâu trung gian như thương lái, các đơn vị thương mại bán lẻ "đẩy" giá cả hàng hoá lên cao.

Chia sẻ tại tọa đàm gần đây, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng khâu trung gian, các lái buôn không thể ăn chênh lệch quá nhiều, ép giá người nông dân. Vì vậy, đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng, cùng với đó, rõ ràng cũng phải có chế tài mạnh tay để xử lý.

Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, các nước phát triển ở Đông Âu, Đông Á đi trước chúng ta nhiều năm đã giải bài toán "đẩy" giá lên vô lý của các khâu trung gian, bán lẻ bằng cách thiết lập một mô hình rất khoa học, tiên tiến và nhân văn, đó là xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn.

Nhờ đó, giá cả lương thực, thực phẩm... vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hoá tính CPI (33,56%) sẽ hạ nhiệt, góp phần kéo giảm chỉ số CPI.

Chuỗi cung ứng ngắn có thể hiểu một cách đơn giản chính là sự giảm thiểu tối đa các thành viên tham gia trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng ngắn đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến trên toàn cầu, thay thế dần các phương thức thương mại truyền thống với chuỗi cung ứng đa tầng, nhiều công đoạn, nhiều tầng nấc trung gian.

 

"Nguyên tắc chung của các chuỗi cung ứng ngắn là hàng hoá đi từ nhà máy, trang trại sẽ chủ yếu đến thẳng tiêu dùng bán lẻ trên các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, chợ dân sinh… Một khi thiết lập được các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng một cách bền vững, chia sẻ lợi nhuận hợp lý thì lập tức mặt bằng giá bán lẻ cho các gia đình dần tiếp cận về đúng giá trị của hàng hoá".

Chỉ rõ lợi ích từ các chuỗi cung ứng ngắn, theo vị chuyên gia này, việc xây dựng các chuỗi cung cứng ngắn có kết quả ngày càng cao hơn, hiệu quả hơn, đó là thiết lập hệ thống các chợ đầu mối vùng ở từng địa phương.

Ở đó, hàng hoá sẽ được giao dịch công khai minh bạch, quản lý được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Việc kết hợp giữa chuỗi cung ứng ngắn và sàn giao dịch sẽ đem lại những lợi ích lớn, hợp lý cho cả người sản xuất và người tiêu dùng", ông Phú nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng ngắn còn đem lại cho xã hội ở mỗi nước một sự công bằng, minh bạch, chia sẻ trong cộng đồng.

Thiết lập được các chuỗi cung ứng cũng chính là giảm ách tắc giao thông, chi phí xã hội điều mà ai cũng mong muốn.

Chuỗi còn đem lại việc nâng cao chất lượng hàng hoá, nhất là hàng nông sản thực phẩm tươi sống.

Đặc biệt, chuỗi cung ứng ngắn từng bước xoá bỏ thế độc quyền mua, bán, tự do cạnh tranh hơn, minh bạch hơn trên thị trường nội địa.

Một khi thiết lập được các chuỗi cung ứng ngắn còn có tác dụng chống hàng giả, hàng lậu nhằm len lỏi làm hại người tiêu dùng, chuỗi cung ứng phát triển sẽ là động lực mạnh mẽ cho sản xuất trong nước phát triển và kêu gọi đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam...                                   

"Đây chính thực là “chiếc gậy thần” đem lại hạnh phúc, lợi nhuận cho người sản xuất, đem lại giá cả hợp lý cho người tiêu dùng và giảm chi phí chung cho toàn xã hội cả trước mắt và lâu dài", ông Phú quả quyết.

Muốn tạo được “cây gậy thần” này, theo ông Phú, cần phải có những điều kiện để tạo dựng.

Theo đó, cần xây dựng những quy định hoặc luật hoá chuỗi cung ứng ngắn trên toàn lãnh thổ và từng địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, chợ, chợ đầu mối, sàn giao dịch, cải cách các thủ tục hành chính sao cho việc lưu thông hàng hoá thuận tiện hiệu quả và ít chi phí nhất.

Song song là các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh cần tự giác nhận thức những lợi ích đem lại cho mình và cho cả xã hội để cùng nhà nước và các địa phương thực hiện.

Lợi ích cửa các chuõi cung ứng ngắn đã rõ, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đồng thời, vận dụng vào điều kiện sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ ở nước ta.

"Có lẽ trước mắt nên có ban chỉ đạo để thiết lập tổ chức vận hành một số chuỗi thí điểm ở một số vùng và địa phương trọng điểm. Từ đó qua thực hiện sẽ rút ra các bài học thực tiễn để nhân rộng ra toàn quốc", vị chuyên gia này đề xuất.