7 tháng, thoái vốn Nhà nước mới đạt 7,5% dự toán cả năm
Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 7 tháng, thoái vốn tại 11 đơn vị chỉ đạt 62,3 tỷ đồng, thu về 225,3 tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán cả năm (3.000 tỷ đồng). Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp cổ phần hoá...
Tính riêng trong tháng 7, Bộ Tài chính cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) báo cáo việc thực hiện thoái vốn nộp tiền về ngân sách nhà nước theo Thông báo số 281/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh với giá trị 119,6 triệu đồng, thu về 1,46 tỷ đồng và thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Thương mại du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên với giá trị 6,7 tỷ đồng, thu về 22,1 tỷ đồng.
Trong danh sách thoái vốn đợt 1 của SCIC có 73 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp đại chúng, cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán như: Nhựa Bình Minh, Seaprodex và loạt doanh nghiệp điện như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh...
Với Công ty cổ phần Thương mại Du lịch và Dịch vụ Tổng hợp Điện Biên vừa được thoái vốn trong tháng 7, công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Công ty đang quản lý và sử dụng 17 lô đất với tổng diện tích 13.546,3 m2 trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Hà Nội. Trong đó có một số lô đất đã bị thu hồi.
Một số lô đất có diện tích lớn đang được công ty triển khai dự án có khu đất 2.815,2 m2 tại Trung tâm Thị trấn Tủa Chùa đang được gia hạn đến 31/12/2070 để xây dựng dự án Trung tâm thương mại và khách sạn; khu đất 1.300 m2 tại 33 ngõ Văn Chương 2, Đống Đa, Hà Nội đang được công ty hợp tác đầu tư kinh doanh và khai thác dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Kỹ thuật A&T Việt Nam...
Tiến độ triển khai cổ phần hoá, thoái vốn chậm là do doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian.
Liên quan đến công tác cổ phần hoá, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp cổ phần hoá là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hoá giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Nhận định về các nguyên nhân chủ quan, Bộ Tài chính đánh giá, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh.
Đồng thời, việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn kéo dài.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ cơ chế chính sách pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp.
Theo đó, tiếp tục tổng hợp tình hình phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp năm 2022 theo Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cho biết đang triển khai xây dựng một loạt quy định như: (i) Luật thay thế Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13); (ii) Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (thay thế Nghị định 148/2017/NĐ-CP); (iii) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; (iv) Nghị định về cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ Nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí Lô 07/03 và Lô 135&136/03.
Cùng với đó, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP liên quan...
Bộ Tài chính khẳng định mong muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn, vì trong dự toán các khoản thu ngân sách nhà nước, khoản thu từ nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm đáng kể. Nếu không hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ không đạt được khoản thu theo dự toán, ảnh hưởng tới dự toán thu ngân sách trên tổng thể.