06:00 18/10/2021

Số doanh nghiệp cổ phần hoá thấp kỷ lục, lại một năm lỡ hẹn

Trâm Anh

Tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2021 được cho là “ì ạch” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số doanh nghiệp cổ phần hoá thấp kỷ lục, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hiện chưa đạt 1% kế hoạch…

Năm 2022, dự kiến thu 20.000 tỷ đồng từ thoái vốn 6 "ông lớn": Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco)...
Năm 2022, dự kiến thu 20.000 tỷ đồng từ thoái vốn 6 "ông lớn": Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco)...

Trao đổi với VnEconomy về bức tranh cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn nêu quan điểm: "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua thực thi chậm, vẫn trong tình trạng “bình mới rượu cũ”.  Chính bản thân doanh nghiệp, bộ chủ quản cũng không muốn cổ phần hóa, vì lo lắng sẽ mất đi lợi ích, cả trực tiếp và gián tiếp liên quan".

“Khi nắm doanh nghiệp trong tay, họ còn có quyền điều khiển nhân sự, bổ nhiệm lãnh đạo, đưa con cháu, người thân vào làm việc trong công ty do mình quản lý”, ông Thịnh chỉ rõ.

IPO Ế CHỎNG CHƠ

Nhìn lại bức tranh cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước 5 năm gần đây, năm 2017 được coi là thành công nhất với tổng số doanh nghiệp cổ phần hoá đạt cao nhất là 69 doanh nghiệp, tổng giá trị doanh nghiệp đạt cao nhất 365.953 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước gấp khoảng 6,34 lần so với tổng giá trị vốn nhà nước năm 2016. Giá trị thoái vốn trong năm 2017 cũng đạt cao gấp 15,52 lần giá trị sổ sách.

Năm 2018 cũng có kết quả khả quan, mặc dù số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá ít hơn và giá trị cổ phần hoá thấp hơn. Theo đó, có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Trong năm 2018, đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính.
Nguồn: Bộ Tài chính.
 
Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến hết tháng 9/2021, có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.943 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp được Thủ tướng phê duyệt, mới đạt 30% kế hoạch.

Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu “làm khó” cổ phần hoá, thoái vốn khi năm 2020 chỉ cổ phần hóa được 9 doanh nghiệp, trong đó, có 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng.

Về tình hình thoái vốn, cả nước đã thoái được 2.506 tỷ đồng, thu về 5.967 tỷ đồng, trong đó, thoái vốn tại 14 doanh nghiệp theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.789 tỷ đồng, thu về 4.619 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2021, Bộ mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của ba doanh nghiệp từ những tháng đầu năm, với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng.

Ba doanh nghiệp này đều không nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, trong suốt 6 tháng qua, Bộ không nhận được thêm bất kỳ phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp nào.

Mặt khác, dù thị trường chứng khoán liên tục khởi sắc nhưng một số doanh nghiệp mới bán vốn nhà nước cũng không thành công, như đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Phát điện 2 đầu năm chỉ bán chưa được tới 1%, Công ty lương thực Lương Yên chỉ bán được 300 cổ phần/1.671.308 cổ phần chào bán, “èo uột” chưa đạt 0,01% kế hoạch....

Trước đó, trong tháng 4, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hoá của hai doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc với tổng giá trị doanh nghiệp 202 tỷ đồng.

Một là, Công ty TNHH Một thành viên Muối Việt Nam. Doanh nghiệp này thua lỗ 4 năm liên tiếp, từ 2017 - 2020, số lỗ lũy kế gần 25 tỷ đồng so với 47,8 tỷ đồng vốn điều lệ. Phiên IPO cháy hàng khi nhà đầu tư đặt mua gấp 3 lần số cổ phần mang ra chào bán, trong khi đó giá khởi điểm khá cao. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, cổ phiếu này rơi vào tình trạng “hẩm hiu”, không có bất kỳ giao dịch nào.

Hai là, Công ty Lương thực Lương Yên với mặt hàng kinh doanh chủ lực là gạo. Doanh thu các năm từ 2018- 2020 lần lượt là 361 tỷ đồng, 193,68 tỷ đồng và 244,55 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là 0,13 tỷ đồng, âm 0,8 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Trong phiên IPO, doanh nghiệp này chỉ bán được được 300 cổ phần/1.671.308 cổ phần chào bán.

Trong quý 1/2021, Tổng công ty Phát điện 2 thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 0,045% tổng số cổ phần được mua thành công.

Về tình hình thoái vốn, trong 9 tháng năm 2021, đã thoái vốn tại 13 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn giai đoạn trước đó 2016 - 2020 là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách.

Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hiện mới đạt 366 tỷ đồng, chưa đạt 1% kế hoạch. Đây là kết quả rất thấp so với dự kiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước trong năm nay lên tới 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg, ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra chậm tác động tiêu cực đến tiến độ thu nộp vào ngân sách nhà nước.

VỠ KẾ HOẠCH VÌ ĐỊNH GIÁ ĐẤT ĐAI VÀ HỆ LUỴ TỪ COVID-19

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong 9 tháng năm 2021 “trễ hẹn” so với kế hoạch đề ra, đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, từng chia sẻ: Về khách quan, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ tháng 4 tới nay khiến cho các hoạt động chuẩn bị cho cổ phần hóa và tổ chức cho thoái vốn, như xác định giá trị doanh nghiệp, đấu thầu, thuê tư vấn, tổ chức các hội nghị với doanh nghiệp tại các địa phương, các tập đoàn và tổng công ty phải hoãn, không thực hiện được do những yêu cầu bắt buộc về phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, bước sang năm 2021, năm đầu của giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu là các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp, tổng công ty có tâm lý chờ đợi, không tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Về chủ quan, đa số doanh nghiệp nhà nước đều trì hoãn triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa, mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khâu xác định giá trị đất đai là một trong những nguyên nhân trọng yếu “cản bước” tiến trình cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì đất, trong đó có những mảnh ở vị trí đắc địa, “đất vàng” nội đô. Nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước xuất phát từ khâu xác định giá trị đất khi cổ phần hóa trong quá khứ, vì vậy, công tác này không thể xem nhẹ.

Trong giai đoạn tới sẽ cổ phần hoá "ông lớn" MobiFone, Agribank, VNPT…
Trong giai đoạn tới sẽ cổ phần hoá "ông lớn" MobiFone, Agribank, VNPT…

Ngoài ra, trong giai đoạn này sẽ cổ phần hoá nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: MobiFone, Agribank, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT…

Vì vậy, việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc Nhà nước còn nắm tỷ lệ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp nhà nước khó thay đổi về chất.

"Để doanh nghiệp hậu cổ phần hóa khởi sắc, các cổ đông phải có tiếng nói và thẩm quyền nhất định trong định hướng hoạt động doanh nghiệp, cổ phần hoá phải mang đến sự thay đổi toàn bộ về lượng và chất, từ con người, phương thức quản trị, chiến lược kinh doanh..., không thể giữ như phương thức cũ, sẽ khó lòng khiến các nhà đầu tư chấp nhận", ông Thịnh nhấn mạnh. 

DỰ KIẾN THU 20.000 TỶ ĐỒNG TỪ THOÁI VỐN 6 "ÔNG LỚN"

Đề cập về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý 4, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước để kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2021. Đồng thời, phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.

Với kế hoạch năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp dự kiến sẽ cân đối 10.000 tỷ đồng cho ngân sách địa phương từ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn trước chưa nộp về ngân sách nhà nước hoặc được giữ lại địa phương.

Nguồn thu từ công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Trung ương trong năm 2022 theo kế hoạch phụ thuộc vào công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Dự kiến sẽ cân đối 20.000 tỷ đồng cho ngân sách Trung ương từ việc thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp.

Cụ thể, Cục Tài chính doanh nghiệp đã trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn chỉ đạo SCIC thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Tập đoàn Bảo Việt với giá trị phần vốn Nhà nước thoái là 1.858 tỷ đồng và ước số tiền chênh lệch thu từ thoái vốn là 8.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thoái vốn tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 1.895,9 tỷ đồng, giá trị dự kiến thu về là 12.152 tỷ đồng.