06:00 27/07/2022

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: “Nản bước” trước khó khăn?

Ánh Tuyết

Tiến độ “rùa bò” của công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 dường như là điềm báo trước từ việc “vỡ” kế hoạch giai đoạn trước đó. Những vướng mắc trong việc định giá đất, định giá tài sản và các đơn vị triển khai thiếu quyết liệt, tiếp tục được ghi nhận...

Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 gần như "bất động".
Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 gần như "bất động".

Nối tiếp tiến độ chậm chạp trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước đó, dù nửa chặng đường của năm 2022 đã đi qua, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục diễn ra chậm. Bộ Tài chính chỉ bổ sung duy nhất một doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV phà An Giang (chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Đối với công tác thoái vốn, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về 2.180 tỷ đồng.

LÀM "VỠ" KẾ HOẠCH PHẢI TRUY TRÁCH NHIỆM

Trước tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn đang lâm vào thế khó, gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hải Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhắc lại những con số đạt được giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, chỉ có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện cổ phần hóa, chỉ đạt 28,4% theo kế hoạch. Về thoái vốn, chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị phải thoái.

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: “Nản bước” trước khó khăn? - Ảnh 1

Cùng với đó, căn cứ theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng không đạt ở hai nội dung. Đó là thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; đồng thời, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Trước tiến trình cổ phần hóa chậm trễ, ông Nguyễn Hải Nam cho rằng cần nêu rõ trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc không hoàn thành mục tiêu, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.

Ủy ban Kinh tế đã có kiến nghị cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển đổi thành công ty cổ phần khả thi, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để chậm trễ hơn nữa do càng để lâu càng khó thực hiện, tận dụng cơ hội đến từ sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Lý giải về việc “vỡ” kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính chỉ rõ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai và tồn tại nhiều vấn đề về tài chính.

Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực. Đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, rà soát, lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn như xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tồn tại tài chính... chưa tốt.

Cùng với đó, một số phương án cổ phần hóa chưa hấp dẫn với nhà đầu tư nên khi chào bán cổ phần lần đầu (IPO) không bán hết số lượng cổ phần, do đó, doanh nghiệp khi niêm yết trên thị trường chứng khoán bị hạn chế giao dịch, như việc cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2 - GENCO2 hay 3 Tổng công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có tỷ lệ cổ phần doanh nghiệp nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa lớn.

 

“Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa cao, còn ngại khó, né tránh, sợ trách nhiệm, thiếu tính chủ động mà trông chờ vào việc thay đổi cơ chế, chính sách mới triển khai, còn tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm đến các bộ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ quyết định. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp”, Bộ Tài chính thừa nhận.

Việc chậm quyết toán cổ phần hóa cũng ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn ví dụ như Tổng công ty Thép Việt Nam chính thức chuyền thành công ty cổ phần từ năm 2011 nhưng đến nay, hơn l1 năm chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa.

Thêm vào đó, việc xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa khả thi, chưa sát với thực tế, chậm rà soát, điều chỉnh kế hoạch nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả, dẫn đến ảnh hưởng đến số thu về ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, thoái vốn.

Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa quan tâm đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa tốt, chậm.

Trách nhiệm này thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

SẮP XẾP NHÀ ĐẤT PHỨC TẠP VÀ KHÓ XỬ LÝ

Phân tích rõ hơn về rào cản đất đai cản tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn, Bộ Tài chính, cho biết mục tiêu của chính sách sắp xếp lại, xử lý nhà đất là để rà soát, tổng hợp lại toàn bộ quỹ nhà, đất là tài sản công do các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng.

Trên cơ sở đó bố trí sử dụng một cách hợp lý quỹ nhà, đất hiện có phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư thì xử lý thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng... để đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp này kể cả các doanh nghiệp nhà nước không cổ phần hóa vẫn phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện thí điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2001 (theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001) và được mở rộng trên phạm vi cả nước từ năm 2007 (theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

 

Theo tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cấp có thẩm quyền mới phê duyệt phương án xử lý được khoảng 75% tổng số cơ sở nhà, đất.

Như vậy “qua 21 năm tại TP. Hồ Chí Minh và 15 năm trên địa bàn cả nước, cho đến nay, nhiều cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất”, Bộ Tài chính nêu rõ vướng mắc.

Chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ Tài chính, bên cạnh việc nguồn gốc hình thành và việc sử dụng nhà, đất phức tạp, công tác quản lý nhà, đất chưa chặt chẽ thì nguyên nhân chủ yếu là do các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Doanh nghiệp nhà nước cũng chưa chủ động triển khai đến khi cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện. Các địa phương tham gia ý kiến đối với dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm.

SẼ TÁCH VIỆC SẮP XẾP NHÀ ĐẤT KHỎI QUY TRÌNH?

Theo nhìn nhận của ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn cho thấy công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.

 

“Trong khi đó, công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả, tránh hoang hóa, lãng phí, thực hiện cả trước, trong và sau cổ phần hóa”, ông Hiếu cho hay. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế có báo cáo về nội dung này và kiến nghị tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, cho rằng hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa không thay đổi, vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất, giá trị quyền sử dụng đất chỉ gia tăng khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp nêu trên, tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp nhà nước hoạt động trải qua nhiều giai đoạn, sở hữu nhiều loại đất đai khác nhau như đất giao, đất thuê trả tiền một lần, đất thuê trả tiền hàng năm, đất giao hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để kinh doanh bất động sản...

Do vậy, khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chuyển sang chủ sở hữu khác (đa sở hữu), Nhà nước phải xác lập lại các tài sản của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đất đai.

Cùng với đó, trường hợp không yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sẽ gây khó khăn cho quá trình cổ phần hóa.

Bởi không có cơ sở để xác định được diện tích đất nào doanh nghiệp tiếp tục được giữ lại sử dụng, từ đó, không có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất (trong trường hợp giao đất) vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Đồng thời, việc không quy định phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công cũng không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triên khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội trong việc đẩy mạnh công tác rà soát diện tích nhà, đất do doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, sử dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Do đó, hiện Bộ Tài chính đang rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Cùng với đó, các cơ chế chính sách sẽ tiếp tục được rà soát, sửa đổi đồng bộ đảm bảo tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.