16:22 13/01/2016

Ăn thuận Âm Dương

PV

Ăn thuận Âm Dương - Ảnh 1

Đông y cho rằng, thức ăn và thuốc có cùng một nguồn gốc (dược thực đồng nguyên). Cũng như thuốc, mỗi thứ thức ăn có những tính chất riêng, cũng có “tứ khí” và “ngũ vị”. Tứ khí là: nóng, lạnh, ấm, mát. Ngũ vị bao gồm: chua, ngọt, đắng, cay, mặn. Chỉ có điều, khí và vị trong thức ăn không thể hiện rõ nét và mãnh liệt như trong những thứ thường đuợc gọi là thuốc. Theo Đông y, thức ăn được chia thành 3 loại lớn: những món có tính Âm (lạnh, mát), những món có tính Dương (ấm, nóng) và những món có tính bình (trung tính, không nóng không lạnh). Ví dụ như các loại thịt. Thịt dê có tính nóng, thịt chó có tính ấm, thịt vịt có tính mát. Đối với các loại rau quả, có thể thông qua màu sắc mà biết được đặc tính nóng lạnh của chúng. Các thứ rau quả có màu sắc nhạt phần nhiều là lạnh và mát (như củ cải, lê, chuối…) còn những thứ thẫm màu thường là ấm, nóng (đậu đen, đậu đỏ, ớt, cà rốt…). Đối với thủy hải sản, những thứ có vỏ cứng như cua, ốc, ba ba… thường có tính Âm, các con vật thân mềm như lươn, tôm, cá trắm… có tính Dương. Trong các món ăn Việt Nam từ ngàn xưa, nếu ta để ý kỹ, sẽ nhận thấy một sự hài hòa, cân đối đáng ngạc nhiên giữa hai yếu tố Âm và Dương. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta lại chỉ dạy: “Con gà cục tác lá chanh…” Thịt gà thuộc loại nhiệt (Dương) nên ăn kèm với lá chanh thuộc loại hàn (Âm), thịt lợn (Âm) được ăn kèm với hành (Dương), thịt chó có tính ấm (Dương) nên ăn với giềng có tính mát (Âm)… Như vậy, sự hài hòa giữa Âm và Dương trong các món ăn vừa thể hiện tính khoa học, vừa tạo nên sự ngon miệng. Từ đó ta cũng có thể lý giải vì sao những người già thích ăn dưa hấu (Âm) với một chút muối (Dương), khi kho cá, kho thịt (Dương) lại cho thêm chút đường (Âm)…

Ăn thuận Âm Dương - Ảnh 2

Bên cạnh sự cân bằng Âm Dương tạo nên bởi bản thân những vi chất có trong món ăn, những người coi trọng biện pháp “y thực” (phòng và chữa bệnh bằng cách ăn uống hợp lý) còn biết tạo nên sự hài hòa Âm Dương giữa môi trường sống và các loại thức ăn khác nhau. Vì Việt Nam là xứ nóng nên phần lớn các món ăn của người Việt mang tính Âm (lạnh, mát) nhằm tạo nên sự cân bằng. Sở thích ăn các món ăn luộc, canh, gỏi, hấp, dưa muối, các món ăn chứa nhiều nước, các món có vị chua… cũng xuất phát từ việc muốn tạo ra sự quân bình cho cơ thể và môi trường sống. Người miền Bắc do có mùa đông nên thường thích các món nhiều thịt, mỡ là những thức ăn Dương tính để giúp cơ thể chịu lạnh tốt hơn. Cũng vì phải chịu giá rét mà người miền Bắc ăn nhiều thịt dê, thịt chó, các loại gia vị như hành, hạt tiêu, gừng, ớt… hơn so với người dân các miền khác. Người miền Nam vì sống gần xích đạo (Dương) nên thích dùng món canh khổ qua, tuy vị đắng nhưng có tính mát (Âm), và cả rau diếp cá, giá đỗ, rau má… Còn người miền Trung sở dĩ ăn nhiều ớt (Dương) là vì các món ăn của họ chủ yếu là hải sản (Âm) và phải thường xuyên làm việc trong môi trường biển (Âm)… Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta hòan tòan có thể chủ động lợi dụng các đặc tính về hàn nhiệt của thức ăn để điều chỉnh lại sự cân bằng của Âm Dương trong cơ thể. Nhờ đó, chúng ta không chỉ ăn ngon miệng hơn, tăng cường sức khỏe mà còn có thể phòng và chữa một số bệnh tật. Không chỉ Đông y cổ xưa, ngay cả y học hiện đại cũng khẳng định: thức ăn có tác dụng bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể, cải thiện thể chất của con người, nâng cao sức đề kháng và tạo nên tác dụng chống lại bệnh tật. Điều hòa cơ thể bằng thức ăn cũng cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản, giống như việc dùng thuốc trong Đông y, tức là phải: tùy người, tùy lúc, tùy nơi mà vận dụng cho thích hợp. Con người ta dù cao thấp, khỏe yếu khác nhau nhưng đều có thể tùy theo những đặc điểm chẩn bệnh của Đông y mà xếp vào một trong hai loại chính: người bị Âm hư (tính Âm bị hư tổn) và người bị Dương hư (tính Dương bị hư tổn). Người Âm hư thường thấy lòng bàn chân, bàn tay nóng, miệng khô, lưỡi đỏ, mạch đập nhanh, trong người bứt rứt không yên… Người Âm thuộc tạng này nên ăn các thứ như mộc nhĩ, hạt sen, bí đao, dưa chuột, đậu phụ, chuối tiêu, dưa hấu, thịt vịt, ngỗng, trứng gà, cá diếc, cá trắm đen, ếch… Tỏi, ớt, thịt dê… không nên dùng, còn các món thịt chó, thịt bò, quả nhãn, quả vải… nên hạn chế.

Ăn thuận Âm Dương - Ảnh 3

Những người Dương hư nét mặt xanh nhợt, sợ lạnh, lưỡi có màu nhạt, mạch trầm tế (mạch chìm sâu và nhỏ yếu)… người thuộc tạng này nên ăn các thứ thức ăn hỗ trợ Dương khí như thịt dê, thịt chó, thịt chim sẻ… còn hoa quả nên ăn những thức như: đào, vải, nhãn, mít, dứa… Người Dương hư không nên ăn quá nhiều các món thịt cá, hải sản và rau quả có tính lạnh. Đương nhiên là khi cơ thể suy yếu ắt cần phải tẩm bổ. Thời xưa có câu “bổ thuốc không bằng bổ thức ăn” (Dược bổ bât như thực bổ). Câu này hơi phóng đại song cũng cho ta thấy là từ xưa ông cha chúng ta đã rất coi trọng bồi bổ cơ thể bằng cách sử dụng hợp lý thức ăn, thức uống. Mùa nào thức ấy cũng là một cách để tận dụng tối đa những món quà của bà mẹ thiên nhiên. Từ xưa, đã có rất nhiều tục ngữ nói về điều này, như: chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè; mùa hè cá sông, mùa đông cá biển; ếch tháng ba, gà tháng bảy; tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn ruốc… Ăn uống theo mùa cũng là một cách thuận theo Âm Dương để tăng cường sức khỏe. Thưởng thức các sản vật vào những khỏang thời gian nhất định ấy là rất tốt, không những đó là khi các sản vật ngon nhất, nhiều nhất và bổ dưỡng nhất mà đó còn là lúc những đặc tính Âm Dương có trong từng món ăn hội tụ nhiều nhất, phát huy được nhiều tác dụng nhất.

Nguyệt Sinh