15:26 19/01/2023

Ba xu hướng lớn của ngành bán lẻ 2023

Lưu Hà

Cùng với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, ngành bán lẻ Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Năm 2022, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài đã tích cực nắm bắt cơ hội tăng quy mô và mở rộng thị phần...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nhận định của các chuyên gia, về cơ bản xu hướng phát triển của ngành bán lẻ trong năm 2023 và các năm tới vẫn dựa trên những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch và sự áp dụng số hóa trên diện rộng toàn ngành. Những thay đổi gần đây của ngành bán lẻ, từ hành vi mua hàng, công nghệ, mô hình lao động, sự kết hợp các kênh bán hàng đến sự hình thành mô hình kinh doanh khác nhau dưới tác động của Covid-19, tạo nên diện mạo mới cho ngành bán lẻ với những trải nghiệm mua sắm mới trong tương lai.                                             

MỘT CUỘC ĐUA SÔI ĐỘNG

Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.

Có thể nói, thị trường bán lẻ trong những tháng cuối năm ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc khi mà nền kinh tế đang có sự phục hồi và phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9%.

Thực tế trong cả năm 2022, tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng. Càng về cuối năm, sức nóng của tiêu dùng nội địa lại ngày một tăng, với cuộc cạnh tranh sôi nổi về độ phủ của hàng loạt tên tuổi ngành bán lẻ, bằng cách nhượng quyền hoặc tối ưu hóa hệ sinh thái kinh doanh.

GS25 là cái tên đáng chú ý khi vừa cán mốc 200 cửa hàng vào đầu tháng 11 nhờ nhượng quyền. Bên cạnh đó là thương vụ Nova Consumer mua lại Sunrise Foods vào tháng 6 để liên kết tới 450.000 điểm bán lẻ và phát triển mảng trang trại, hay The Sherpa (Masan Group) mua lại 85% Phúc Long Heritage.

Cũng trong các nỗ lực nhằm mở rộng thị phần, tập đoàn bán lẻ Central Retail của Thái Lan đang lên kế hoạch tăng gấp đôi sự hiện diện của mình tại Việt Nam, cụ thể là phát triển 70 siêu thị ở 55/63 tỉnh thành trong 5 năm tới. Việt Nam cũng đã thay thế Trung Quốc trở thành thị trường nước ngoài đứng thứ 3 của tập đoàn bán lẻ Lotte Hàn Quốc.

Trong khi đó, Tập đoàn AEON của Nhật cũng đang lên kế hoạch mở thêm trung tâm mua sắm và siêu thị tại Việt Nam. "Việt Nam là thị trường chiến lược của chúng tôi bên cạnh Nhật Bản. Mục tiêu của chúng tôi là mở 30 trung tâm mua sắm, siêu thị bách hóa tổng hợp vào năm 2030 và 100 siêu thị tại Hà Nội vào năm 2025", ông Satoshi Nishikawa, Giám đốc Khu vực miền Bắc AEON Việt Nam, cho biết.

Xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam giai đoạn sau đại dịch có nhiều thay đổi.
Xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam giai đoạn sau đại dịch có nhiều thay đổi.

"Có thể ví 2 năm đại dịch như giai đoạn nghiên cứu thị trường và năm nay chính là thời điểm chín muồi để các thương hiệu bán lẻ tung ra các kế hoạch mở rộng cũng như bứt phá trong cuộc đua", bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ bán lẻ, Colliers Việt Nam, nhận định.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đa quốc gia cho rằng thói quen tiêu dùng của người Việt đang dần thay đổi khi họ chuyển sang mua sắm cùng tại một địa điểm thay vì đến các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội kinh doanh hơn nhờ vào sự gia tăng hiện đại hóa các trải nghiệm mua sắm.

Có thể thấy trong năm 2022 và sang năm 2023, cuộc đua giành thị phần thị trường bán lẻ tại Việt Nam luôn sôi động. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng ngành bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và được rất nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà. Đặc biệt xu hướng chuyển đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam giai đoạn sau đại dịch có nhiều thay đổi. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp không chỉ mở rộng quy mô bao phủ mà cần phải đầu tư phát triển mô hình đa kênh để phù hợp với xu thế hiện nay.

DIỆN MẠO MỚI CHO NĂM 2023

Báo cáo của NielsenIQ nhận định tại Việt Nam, kênh truyền thống vẫn là kênh bán lẻ chính và chiếm tới hơn 80% thị phần sản lượng doanh thu, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng tăng trưởng của khu vực và thế giới, giá trị doanh thu của kênh truyền thống tại Việt Nam giảm mạnh (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước).

 
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9%.

Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đặc biệt ở các kênh mua sắm hiện đại, đặc biệt là cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, là một trong những đất nước Đông Nam Á với nền kinh tế số phát triển nhanh nhất (36%), thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 25%, theo Vietnam E-Commerce White Book 2022 xuất bản bởi Bộ Công Thương.

Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh. Bên cạnh đó, trong 5 chiến lược trọng tâm thời kỳ mới của các doanh nghiệp bán lẻ sau dịch, gần 80% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục.

Dưới áp lực tăng giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, các doanh nghiệp không tự chủ được nguồn nguyên liệu sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn lên biên lợi nhuận. Một số doanh nghiệp có thể chủ động tăng giá bán để chuyển một phần áp lực chi phí sang phía khách hàng, giúp doanh thu tăng lên nhưng sẽ khiến biên lợi nhuận phần nào giảm thấp.

Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục.
Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục.

Nhìn tổng quan, ngành bán lẻ năm 2023 nổi bật lên ba xu hướng chính. Đầu tiên, bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ bùng nổ. Khi người tiêu dùng sẽ đọc và xem nhiều hơn các đánh giá, đặc biệt từ các KOLs, từ những người có ảnh hưởng (influencers), các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phát triển nhiều hơn các hình thức thuê hoặc tặng sản phẩm cho các reviewer, KOLs, influencers làm video hoặc bài đánh giá, unbox sản phẩm hoặc livestream bán hàng trên kênh mạng xã hội của họ.

Tiếp theo là quá trình cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng để tăng tính tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu khách hàng. Để có thể hiểu người tiêu dùng nhiều hơn, 69,2% số doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report dự kiến tăng chi cho marketing nói chung. Trong đó, hơn 2/3 số doanh nghiệp cho biết rằng, sẽ phân bổ tập trung cho các hạng mục marketing liên quan đến quản trị quan hệ khách hàng và trải nghiệm khách hàng.

Cuối cùng, bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ nhờ ưu điểm làm tăng trải nghiệm mua sắm liền mạch không gián đoạn cho người tiêu dùng. Sự kết hợp của các cửa hàng bán lẻ vật lý, công nghệ bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử sẽ trở thành những nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển đa kênh của doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng một hành trình liền mạch, các đơn đặt hàng trực tuyến cũng sẽ được hoàn thiện và phân phối thông qua các cửa hàng vật lý.

Nhờ bán hàng đa kênh, ranh giới giữa bán lẻ hiện đại (Modern Trade) và bán lẻ truyền thống (General Trade) đang dần trở nên mờ nhạt, góp phần hình thành hệ sinh thái bán hàng online ngày một hoàn thiện, chia sẻ rủi ro giữa người mua và người bán với thông tin minh bạch hơn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ba xu hướng lớn của ngành bán lẻ 2023 - Ảnh 1