Bắc Giang: Xử lý nghiêm hành vi “mua vét”, “mua gom”, lợi dụng dịch tăng giá bất hợp lý
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi “mua vét”, “mua gom” khiến khan hàng “sốt” giá...
Trong công văn số 2320/UBND-KTTH gửi các Sở Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Hiện Bắc Giang đang bước vào một cuộc chiến đúng nghĩa với đại dịch Covid-19. Những ca lây nhiễm trong cộng đồng, ca dương tính ở các khu công nghiệp vẫn đang gia tăng chóng mặt, lây lan nhanh. Trong đó, có 2 ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu, nơi có hơn 100.000 công nhân.
Riêng trong sáng 24/5, Bắc Giang đã có thêm 33 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại địa bàn tỉnh lên đến 952 ca.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ động nắm bắt, theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau xanh, thuốc chữa bệnh. Cập nhật và báo cáo thường xuyên diễn biến giá cả về UBND tỉnh trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Chủ tịch Lê Ánh Dương cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND tỉnh quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể trên địa bàn, nếu mặt bằng giá biến động nhiều, làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh. Tham mưu xử phạt nghiêm hiện tượng tăng giá để trục lợi
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông thực hiện rà soát, có kế hoạch cụ thể đảm bảo cân đối cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu như thịt, cá, rau, quả... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển các sản phẩm nông, thủy hải sản.
Sở Công thương theo dõi cung cầu hàng hóa, chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu nêu trên, đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; trong trường hợp phát hiện thiếu hụt nguồn cung, kịp thời tham mưu UBND tỉnh biện pháp giải quyết.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát, nhất là các địa bàn có dịch phải cách ly, phong tỏa, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để “mua vét”, “mua gom” hàng hóa hoặc lợi dụng để định giá bán hàng hóa tăng cao bất hợp lý, mà trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.