Đến nay, chúng ta hầu như đều đã công nhận với nhau rằng nguồn gốc của ngày Tết Trung thu bắt nguồn từ Trung Hoa, khi vua Đường Minh Hoàng nằm mộng mà sáng tác ra Nghê Thường y vũ khúc. Ngay cả chiếc bánh Trung thu cũng có xuất xứ từ Trung Hoa, rồi theo những người Hoa di cư mà đến Việt Nam, Malaysia, Indonesia… Do đó, nhiều người nói rằng bánh Trung thu không phải là chiếc bánh thuần Việt.
Nhưng ít ai biết rằng bánh Trung thu truyền thống của Trung Hoa chỉ có bánh nướng, còn thứ mà chỉ tết Trung thu Việt Nam mới có chính là chiếc bánh dẻo.Chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và nền văn minh lúa nước, cả Việt Nam và Trung Hoa đều ăn tết theo Âm lịch. Cả Tết Trung thu và Tết Nguyên đán đều trùng vào những thời điểm nông nhàn, mùa màng đã thu hoạch, người ta nhìn vào mặt trăng để tiên đoán thời tiết và mùa màng cho vụ sau. Đối với riêng người Việt Nam, những chiếc bánh dành riêng cho hai dịp Tết này đều mang đậm đặc trưng của nền văn minh lúa nước ấy: bánh chưng và bánh dẻo.
Đều có thành phần chính là gạo nếp, đỗ xanh, đều mang trong mình chút thịt mỡ như mong ước về sự sung túc, đủ đầy, bánh chưng không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán, cũng như chiếc bánh dẻo được đặt lên bàn thờ tổ tiên vào tháng Tám trăng tròn.Có một chút biến đổi và ảnh hưởng bởi bánh dày của người Việt cổ, bánh dẻo Trung thu là chiếc bánh nhỏ xinh, màu trắng trắng trong, hoa văn sắc nét, vỏ bánh ăn dai, dẻo, nhân ráo, có mùi thơm đặc trưng và nhẹ nhàng. Với nghề làm bánh Trung thu truyền thống, bánh dẻo bao giờ cũng có hình tròn. Đường kính của bánh thường lớn, có thể gần bằng chiếc mâm, để thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn và trắng ngà trong biểu tượng của ý nghĩa "đoàn viên của gia đình" và nhất là tình yêu khăng khít vợ chồng: "Đêm khuya chung bóng trăng tròn sánh vai"…
Nếu như chiếc bánh nướng hình vuông và có vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, sau khi mang từ lò nướng ra có màu vàng ruộm hơi bóng rất bắt mắt… Thì chiếc bánh dẻo làm bằng bột gạo nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, sau khi đúc trong khuôn gỗ là có thể thưởng thức ngay không cần nướng. Bánh dẻo vì thế có mùi thơm đến từ thiên nhiên của bột gạo mới, có vị tươi tắn dễ chịu của thứ nguyên liệu không qua đun nấu, không có chất béo.
Nếu như chiếc bánh nhân thập cẩm ăn bùi bùi hoà quyện của lạp xưởng, hạt sen, vừng, mứt bí, lạc; thì bánh nhân đậu xanh béo béo, ngòn ngọt và nhuyễn, bánh nhân trứng muối thơm nức mũi. Đôi khi còn là bánh dẻo chay, nguyên vẹn một chiếc bánh bằng bột nếp trắng trong có vân hình hoa sen, hay là đúc hình cá chép, đẹp như một khối ngọc. Có thể nói, bánh dẻo là chiếc bánh Trung thu mang sắc thái Việt Nam.Cách thưởng thức bánh dẻo của người Việt cũng rất khác lạ nhé. Ban đầu, bạn hãy chạm vào vỏ bánh. Chiếc bánh dẻo mềm, mịn, trắng muốt, lớp bột bên ngoài hơi dinh dính, rất thích tay. Sau đó, hãy hít hà cái mùi thơm rất riêng của nó, mùi gạo nếp rang, mùi nước cốt hoa bưởi, mùi hạt sen xát nhuyễn bên trong, hãy cảm nhận hết mùi vị dân tộc trong đó.
Cuối cùng, hãy cắt chiếc bánh ra làm 8 để cầu mong vạn sự tốt lành, rồi chậm rãi thưởng thức miếng bánh ngọt đậm đó cùng một chén trà mạn nóng và chát. Có lẽ nên thưởng cùng chè nụ ướp hoa cúc, sẽ hợp lòng với người già trong nhà hơn cả. Và thế, khi phản chiếu ánh sáng của nến, của hoa đăng, chiếc bánh dẻo mới thực sự đẹp một cách kỳ lạ.