Chanel quay lại với nguyên bản
Năm 2025 đánh dấu 110 năm thành lập bộ phận may đo Haute Couture của Chanel, và cũng là năm Chanel chính thức khép lại một chương lịch sử. Do đó, nhà mốt quyết định phục dựng lại boutique đầu tiên của thương hiệu…

Không còn là sàn runway đầy gương soi hay bậc thang lộng lẫy, Chanel chọn cách nhìn lại khởi nguồn: boutique đầu tiên trên phố Rue Cambon, nơi Gabrielle "Coco" Chanel từng bắt đầu từ chiếc mũ, rồi mở rộng sang váy áo, túi xách và dần dần tạo nên cả một đế chế thời trang.
Cửa hàng Grand Palais Éphémère quy tụ dàn khách mời danh giá từ nhiều lĩnh vực, những biểu tượng gắn liền với Chanel như Penélope Cruz, Keira Knightley, Marion Cotillard và Kirsten Dunst. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các đại diện thế hệ mới như Lorde, Gracie Abrams, Laufey và Havana Rose Liu đã thổi làn gió trẻ trung, hiện đại vào không gian đậm chất cổ điển.
Gia đình Sofia Coppola cùng hai con gái, hay những gương mặt quen thuộc như Charlotte Casiraghi, Whitney Peak và Caroline de Maigret cũng góp phần tạo nên một bức tranh thời trang đa thế hệ, nơi di sản và tương lai của Chanel cùng song hành.






Grand Palais vốn vừa được trùng tu kỳ công đã hóa thân thành bản sao hoàn hảo của boutique Rue Cambon: ghế dài be mềm mại, gương cầu thang Art Deco, thảm lông dày gợi cảm giác riêng tư, yên tĩnh như một buổi thử đồ kín đáo dành riêng cho nàng thơ Paris. Mỗi chiếc ghế còn được đặt một bó lúa mì vàng óng, biểu tượng may mắn mà Coco Chanel yêu thích.
Lúa mì, vốn ít được Chanel khai thác hơn hoa trà, nay trở thành sợi chỉ xuyên suốt bộ sưu tập mới nhất. Lúa mì xuất hiện trên cổ áo, tua rua tay áo, thêu dọc thân váy, thậm chí trên nút áo hay ẩn hiện trong họa tiết chữ V. Những bó lúa như lời chúc no đủ và khởi đầu tràn trề cho tân giám đốc sáng tạo Matthieu Blazy, người sắp bước lên sân khấu chính thức vào mùa ready-to-wear Xuân - Hè 2026.
Lấy cảm hứng từ đồng quê nước Anh và thảo nguyên Scotland nơi Coco từng tìm thấy tình yêu bất tận dành cho vải tweed, bộ sưu tập tôn vinh thiên nhiên và phom dáng menswear với những bộ suit gam ecru, nâu, xanh lá và đen, cùng các chi tiết viền tua rua rách rưới, vai lông vũ đồ sộ hay áo khoác bồng bềnh, nhấn mạnh tinh thần tự do chuyển động. Vải tweed biến hóa đa dạng: khi như len đan thô mộc, khi lại mềm mại tựa lông cừu, đôi khi lại trở thành lông thú giả, tinh tế, quyến rũ.






Những khoảnh khắc "đánh lừa thị giác" sequin giọt mưa, ren sơn mài đen bóng, cổ áo bồng trắng trên nền len bouclé, len chải rằn ri olive với viền lông nổi bật... tất cả mở ra một diện mạo đa chiều, tôn vinh sự hoang dã nhưng vẫn giữ vững vẻ sang trọng đặc trưng của Chanel. Tất cả dẫn đến cú chốt đầy chất thơ: chiếc váy cưới đính ren ánh bạc, thêu hình lúa mì viền váy, phản chiếu ánh vàng như mặt trời buổi chiều. Một biểu tượng vĩnh cửu về sự khép lại và khởi đầu, khéo léo chào đón Matthieu Blazy.
Người kế nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo của nhà mốt đã vừa kết thúc loạt bộ sưu tập xuất sắc tại Bottega Veneta, và chính thức gia nhập Chanel từ tháng 4 năm nay. Dù bộ sưu tập này vẫn do nhóm thiết kế nội bộ thực hiện, nhưng không thể phủ nhận Blazy đã để lại những dấu ấn đầu tiên: chiếc áo khoác tweed giả lông cừu shearling, kỹ thuật trompe l’œil (đánh lừa thị giác), phom dáng menswear, tinh thần tự do "mộc nhưng không thô"...
Bruno Pavlovsky, chủ tịch Chanel, khẳng định: "Đây không phải bộ sưu tập của Matthieu, nhưng nó không thể thiếu dấu ấn của anh ấy. Sự chuyển giao đang diễn ra từ từ, có chủ đích, và sẽ giúp chúng tôi tiếp tục nuôi dưỡng thương hiệu".






Trong khi nhiều đối thủ đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chanel vẫn kiên định với triết lý "ít nhưng chất". Mặc dù doanh thu năm ngoái giảm 4,3%, ông Bruno Pavlovsky tỏ ra lạc quan: "Chúng tôi vượt kỳ vọng và đang tập trung vào những giá trị cốt lõi. Khi điều đó được thực hiện tốt, cửa hàng vẫn đông khách và phản hồi vẫn tích cực".
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, thị trường hàng xa xỉ đang trải qua giai đoạn “thanh lọc tự nhiên”. Sau nhiều năm bùng nổ nhờ tầng lớp khách hàng trẻ và thị trường châu Á tăng trưởng mạnh, mùa mốt 2024 - 2025 chứng kiến dấu hiệu chững lại rõ rệt: tăng trưởng doanh số của nhiều “ông lớn” giảm, nhu cầu hàng ready-to-wear phổ thông giảm tốc, và các thương hiệu phải đối diện với những câu hỏi về tính bền vững, giá trị thật sự và mối quan hệ cảm xúc với khách hàng.
Vì vậy, Chanel tiếp tục đầu tư vào mảng thời trang Haute Couture như một “phòng thí nghiệm sáng tạo” (creative laboratory) để chứng minh tay nghề thủ công đỉnh cao, đồng thời làm giàu kho tàng biểu tượng thương hiệu, từ vải tweed, hoa trà, đến lúa mì. Mỗi bộ sưu tập cao cấp trở thành một sự kiện văn hóa, tạo độ “halo effect” (hiệu ứng quang hào) lan tỏa sang các dòng kinh doanh khác như mỹ phẩm, nước hoa và phụ kiện.

Sự kiện Haute Couture Thu - Đông 2025 này do đó, không chỉ là trình diễn thời trang, mà còn là dịp "kích hoạt" lại mối quan hệ cảm xúc với khách hàng cấp cao, tái khẳng định vị thế một nhà mốt không chạy theo trào lưu, mà vẫn dẫn đầu về tầm nhìn văn hóa và di sản. Bên cạnh đó, cuốn sách ảnh bìa vàng do Sofia Coppola biên tập, phát hành kèm show, như một "tư liệu sống" kỷ niệm 110 năm, cũng giúp củng cố hình ảnh thương hiệu và tạo thêm giá trị sưu tập.
Một màn "dọn sân" khéo léo cho Matthieu Blazy, những cũng là cách Chanel mở ra chương mới, nơi di sản không bị phá vỡ mà được tái sinh với tinh thần đương đại. "Chanel không chỉ bán quần áo, Chanel bán ước mơ, ký ức và tương lai". Câu nói ấy lại vang lên rõ ràng hơn bao giờ hết trong show diễn mùa này. Giờ đây, mọi ánh mắt đều hướng về bộ sưu tập Xuân - Hè 2026 nơi Chanel sẽ chính thức bước sang chương tiếp theo, và giới mộ điệu đang hồi hộp phỏng đoán di sản 110 năm sẽ được viết tiếp ra sao.