Bệnh dị ứng: cách phòng ngừa và điều trị
Dị ứng là triệu chứng xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 30% dân số gặp các vấn đề liên quan đến dị ứng.
Chúng ta thường nghe tới các loại dị ứng như dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc, dị ứng các hóa chất có trong sơn, hóa mỹ phẩm, phấn hoa, bụi nhà, lông thú, dị ứng thời tiết…. Vậy làm thế nào để phòng bệnh dị ứng và cách điều trị hiệu quả? Bài viết này sẽ giải đáp giúp bạn.
Dị ứng là gì? Phản ứng dị ứng là một chuỗi các hiện tượng phức tạp liên quan đến nhiều thành phần tế bào, các chất hóa học và các mô toàn cơ thể. Đây là một phản ứng của cơ thể chống lại những chất lạ xâm nhập, đặc biệt là qua đường hô hấp. Thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của chứng quá mẫn cảm, là phản ứng không thích hợp của hệ thống miễn dịch với những chất bình thường. Nó kích hoạt quá mức các dưỡng bào (bạch cầu mast) và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến một phản ứng viêm nặng thông thường bao gồm chàm, phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen suyễn. Những chất thúc đẩy dị ứng được gọi là dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông thú, côn trùng và một vài loại thực phẩm. Dị ứng có 2 thể cấp tính và mãn tính. Dị ứng cấp tính thường có liên quan đến cơ địa; do dùng những thức ăn không tươi, nhất là với cá, tôm, cua, trứng không đảm bảo an toàn vệ sinh, do uống rượu; hoặc vì bên trong có nhiệt, cảm phong hàn, gió nóng, hoặc vì ra mồ hôi nhiều. Cũng có thể do dùng thuốc uống, thuốc tiêm dẫn đến quá mẩn gây ra. Còn dị ứng mãn tính, thường vì gan không khỏe, suy yếu lâu hóa nhiệt, hoặc vì có bệnh mãn tính như ký sinh trùng ở ruột, viêm thận, viêm gan, kinh nguyệt không đều... Dị ứng có thể nguy hiểm tính mạng Dị ứng biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi tác nhân gây dị ứng xâm nhập cơ thể. Các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay. Các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất. Các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Đối với triệu chứng hô hấp như: hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản, phù nề thanh môn gây tắc nghẽn hô hấp. Các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Đặc biệt là triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp, hôn mê... Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, phù nề thanh môn, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị Để xác định bệnh nhân có dị ứng hay không, các bác sĩ khai thác bệnh sử và khám xét kỹ lưỡng. Nếu cần thiết thì có thể sẽ được chỉ định làm một số test đặc hiệu như: test lảy da với các dị nguyên nghi ngờ, đo chức năng hô hấp, hoặc đôi khi làm test máu (IgE đặc hiệu), để xác định chính xác chất nào gây ra dị ứng, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị cụ thể cho bệnh nhân như: Giảm tối thiểu tiếp xúc với dị nguyên đặc hiệu trong môi trường. Dùng thuốc giảm các triệu chứng dị ứng và giảm viêm mạn tính. Điều trị giải mẫn cảm.
Chính vì thế điều trị dị ứng chủ yếu dùng thuốc kháng histamin hoặc thuốc kiềm chế bớt sự nóng tính của hệ miễn nhiễm. Để chữa dứt dị ứng, cần tìm ra chính xác dị nguyên. Tuy nhiên, việc xác định dị nguyên không phải dễ. Có khi người ta phải dùng đến biện pháp bao vây, nghĩa là đưa nhiều loại dị nguyên phổ biến vào cơ thể để giúp hệ miễn dịch rộng đường nhận mặt. Ngay cả khi tìm được thủ phạm, không hẳn mọi việc đã xong. Nhiều bệnh nhân khó tránh khỏi tiếp xúc với dị nguyên do đặc thù công việc, nơi ở. Phòng tránh như thế nào? Dự phòng dị ứng rất quan trọng, tùy thuộc vào từng cơ địa mà có các biện pháp dự phòng để hạn chế dị ứng. Chủ động kiểm soát môi trường, tránh xa các tác nhân gây dị ứng, đồng thời có hướng xử lý kịp thời khi người dân mắc phải viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng về da. Đối với trường hợp dễ bị mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với một số kích thích gây đợt dị ứng cấp thì cần hạn chế tiếp xúc. Ví dụ khi dùng các loại hóa mỹ phẩm phải thử vào vùng da cẳng tay trước khi sử dụng. Mang đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi phải tiếp xúc với hóa chất, sơn, dầu, thuốc trừ sâu diệt cỏ. Điều trị tốt các bệnh nhiễm nấm, kí sinh trùng. Với người bị dị ứng phấn hoa, dị ứng thực phẩm trong đó có hải - thủy sản phải hết sức thận trọng khi ăn uống. Đối với người có cơ địa dị ứng, có thể tới các trung tâm miễn dịch - dị ứng để điều trị giải mẫn cảm (cho bệnh nhân tiếp xúc dần dần với chất gây dị ứng để cơ thể quen và mất đi hiện tượng dị ứng với chất đó) hoặc xác định rõ loại chất gây dị ứng để bệnh nhân phòng tránh tiếp xúc.