Biến động của làng mốt nhìn từ chức danh giám đốc sáng tạo
Tuần lễ thời trang Milan và Paris sẽ tiết lộ một thế hệ nhà thiết kế mới. Với những CV ấn tượng được rèn giũa trong những nhãn hiệu uy tín nhất, họ kín đáo hơn nhiều so với một số người tiền nhiệm và dường như báo trước một kỷ nguyên mới thực dụng hơn của làng mốt...
Có thể thấy, chưa bao giờ có một sự biến động sáng tạo lớn trong nền công nghiệp thời trang xa xỉ như thế. Giữa nhiều sự ra đi, chẳng hạn như sự ra đi gần đây của Sarah Burton sau 26 năm làm việc tại Alexander McQueen, và sự ra mắt của một số giám đốc sáng tạo mới, các hãng thời trang xa xỉ đang trải qua một thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ.
Sabato De Sarno, người vừa giới thiệu bộ sưu tập Gucci đầu tiên của mình tại Milan vào ngày 22/9, đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại Prada vào năm 2005, sau đó chuyển sang Dolce & Gabbana trước khi gia nhập Valentino vào năm 2009. Một ví dụ khác là Peter Hawkings, người đã dành gần 25 năm để làm việc với nhà thiết kế Tom Ford, đầu tiên là tại Gucci, sau đó là tại thương hiệu Tom Ford, nơi anh gần đây đã kế nhiệm chính nhà thiết kế người Texas.
Tại Milan, bộ sưu tập của Simone Bellotti dành cho Bally đã được công bố. Nhà thiết kế này có hơn 20 năm kinh nghiệm, bao gồm cả tại Dolce & Gabbana, Bottega Veneta và Gianfranco Ferré, và 16 năm kinh nghiệm gần đây nhất tại Gucci. Simone Bellotti gia nhập thương hiệu giày này vào năm ngoái, và giờ đây đã tiếp quản, tập trung "vào các giá trị và di sản của Bally"…
Có thể nói, hiện đang có một trào lưu mới trong khâu tuyển dụng giám đốc sáng tạo tại các nhà mốt. Nếu trước kia, giám đốc sáng tạo chỉ tập trung về mảng thiết kế, thì nay, các giám đốc sáng tạo như có một chân trong lĩnh vực quảng cáo, khi phải chịu trách nhiệm cho việc xây dựng hình ảnh của toàn bộ thương hiệu. Công việc này bây giờ bao gồm cả điều khiển các hình ảnh quảng cáo; thiết kế cửa hàng; cập nhật thông tin trên mạng xã hội; và tìm đến những cú bắt tay với các gương mặt và thương hiệu đang nổi khác của làng thời trang.
Ngoài ra, giám đốc sáng tạo cũng phải hiểu rằng thương hiệu thời trang, dù mang hình ảnh xa hoa và thời thượng đến cỡ nào, cũng là một doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp thì cần phải làm ra lợi nhuận. Chính vì vậy, sẽ có một số quyết định dẫn đến sự bất đồng quan điểm giữa nhóm thiết kế và nhóm kinh doanh. Giám đốc sáng tạo sẽ phải là người giúp cân bằng hai thái cực này.
“Trong một thị trường đang ngày càng hỗn loạn khó lường và không ngừng tăng tốc, những ngôi sao thiết kế có sức ảnh hưởng không còn thịnh hành được nữa. Cho dù họ cho thấy khả năng làm việc nhạy bén khi điều hành các nhãn hiệu riêng, thì việc cạnh tranh với các thương hiệu lớn lại là một vấn đề hoàn toàn khác”, Stefano Martinetto, Giám đốc điều hành của Tomorrow, một nền tảng đa dịch vụ có trụ sở tại London dành riêng cho các thương hiệu sáng tạo, nhận xét.
Với mức độ phức tạp mà các studio thời trang hiện nay đang phải đảm nhiệm và việc đòi hỏi sự tinh tế trong marketing - truyền thông, thì các nhà mốt ưa thích tuyển dụng các giám đốc sáng tạo có một chút kinh nghiệm và kiến thức chắc chắn về các quy trình của ngành. Đặc biệt là khi các giám đốc sáng tạo này phải làm việc với một nhóm lớn gồm các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm.
“Trong mọi trường hợp, vai trò trung tâm của giám đốc sáng tạo ngày nay đã đi từ một nhà thiết kế đa diện có yếu tố truyền thông mạnh mẽ, trở thành những người đứng sau hậu trường, người có kinh nghiệm đáng kể trong các thương hiệu, người chọn tập trung vào sản phẩm và có khả năng điều hành studio, nghĩa là biết cách giám sát các bộ sưu tập trước mùa chính, bộ sưu tập trong mùa chính, song song với việc chạy nhiều show diễn, ngoại giao và làm việc với người nổi tiếng, hiểu về các mô hình hợp tác giữa thương hiệu và nhiều bên…”, ông Stefano Martinetto nói thêm.
Theo lời ông Robert Burke, sáng lập viên công ty tư vấn tuyển dụng, người từng tư vấn cho các thương hiệu lớn như Chloé, Van Cleef & Arpels, và Marc Jacobs: Các thương hiệu kỳ vọng hai điều khi tuyển chọn giám đốc sáng tạo mới. Đầu tiên, lựa chọn này sẽ không khiến lượng fan hiện tại từ bỏ thương hiệu. Và kế tiếp, gương mặt mới sẽ mang lại những khách hàng mới cho thương hiệu. Một ví dụ kinh điển là khi Dior tuyển chọn Maria Grazia Chiuri. Bà là giám đốc sáng tạo nữ đầu tiên của Dior. Sự bổ nhiệm này đồng thời là một chiến lược marketing lớn cho nhà mốt.
Mùa thu này chúng ta cũng chứng kiến Phoebe Philo, nhà nữ thiết kế lừng danh với phong cách tối giản và vượt thời gian, trở lại với màn ra mắt thương hiệu của riêng mình một cách thầm lặng. “Chúng ta sắp kết thúc thời kỳ của thể thao hóa trang phục đã thịnh hành trong một thập kỷ qua, với những logo lớn trên áo phông và áo hoodie. Ngày nay, điều đó không còn đủ để đảm bảo hiệu quả kinh doanh nữa".
"Việc tạo dấu ấn riêng giờ đây thông qua các đường cắt, chất liệu và phom dáng”, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xa xỉ lưu ý. “Ngành công nghiệp đang tìm kiếm từ những nhà thiết kế biết cách tạo ra trang phục và bộ sưu tập có khả năng phù hợp với thực tiễn cuộc sống.”
Những ông lớn trong phân khúc xa xỉ đã hiểu được điều này và tìm kiếm kiểu nhà thiết kế/giám đốc sáng tạo với tiêu chí như vậy được một thời gian. Như mô tả của Chanel, hãng đã chọn Virginie Viard, người phụ nữ là cánh tay phải của Karl Lagerfeld, để kế nhiệm ông. Hay Kering, người đã tìm kiếm Matthieu Blazy cho Bottega Veneta. Kể từ khi đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo của nhãn hiệu Ý, thành công của Matthieu vẫn không hề suy giảm. Mathieu trước đây cũng đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm tại Raf Simons, Maison Margiela, Celine và Calvin Klein.
Nathalie Dufour, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Hiệp hội thời trang Nationale pour le Développement des Arts de la Mode (ANDAM) nhận định: “Các nhà mốt không còn cần phải tập trung vào chỉ một người nữa. Họ đang tìm kiếm một người có khả năng làm công việc chuyên sâu, đặt cái tôi sáng tạo của mình vào việc phục vụ thương hiệu và có thể truyền tải thông điệp đúng với DNA của thương hiệu. Vì vậy, họ đang ưu tiên cá nhân với các kỹ năng và kinh nghiệm độc đáo trong nghề, có một hồ sơ chuyên môn cao và trên hết là được chuẩn bị để phù hợp với quá trình chuyển đổi sinh thái này”.
Bên cạnh đó, theo Vogue Business, phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành công nghiệp xa xỉ và các giá trị mà ngành này hàm chứa, từ tính minh bạch nguồn gốc đến khả năng thăng tiến của thợ thủ công, đều được phản ánh trong cách tổ chức và định hướng sáng tạo của ngành.
“Chúng ta cũng cần thực sự hiểu cách tiếp cận này. Khi chúng ta muốn nói về hệ sinh thái, thì ta phải bắt đầu từ con người, với tinh thần tôn trọng và khiêm tốn. Trong bối cảnh này, những giám đốc sáng tạo mới cũng phải khiêm tốn và tỉnh táo hơn những người tiền nhiệm,” bà Nathalie Dufour kết luận.