Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bối cảnh thuận lợi càng phải thận trọng
Chính phủ chỉ đạo phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức cao là 6,7%.
Nhận định những tháng cuối năm những yếu tố thuận lợi vẫn là cơ bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh "càng trong bối cảnh thuận lợi thì càng phải thận trọng".
Chiều 25/5, sau gần một ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Dũng được mời làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
GDP cao dẫn tới tâm lý thoả mãn
Một trong những vấn đề được các vị đại biểu quan tâm thảo luận, cả tranh luận là chất lượng và diễn biến tăng trưởng.
Quý 1/2018 tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, là mức cao nhất của các quý 1 trong 10 năm trở lại đây.
Theo Bộ trưởng, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì mô hình truyền thống đó là quý sau cao hơn quý trước mà có xu hướng giảm dần.
Quý 1 tăng cao một phần do được so sánh với mức thấp của quý 1 năm 2017, trong đó các quý còn lại của 2018 chưa định hình yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 lại phải so sánh với mức khá cao của các quý cuối năm 2017.
"Điều này dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và đang làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ giải pháp đề ra, hoặc kỳ vọng quá cao về mức tăng trưởng cao ở các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, để khắc phục điều này Chính phủ đã chỉ đạo kiên định thực hiện nhiệm vụ giải pháp đề ra tại nghị quyết 01. Đồng thời yêu cầu tăng cường giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động xây dựng quyết tâm thực hiện mục tiêu, kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức cao là 6,7%.
Về chất lượng tăng trưởng, nhấn mạnh là mặc dù còn ở mức thấp, song Bộ trưởng đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 có nhiều cải thiện, dần được nâng lên trên cả 4 khía cạnh. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP cao, các chỉ số về đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp TFP, năng suất lao động, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICO đều diễn biến tích cực.
Định hướng mới thu hút FDI
Nói về triển vọng những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, Bộ trưởng khái quát, về cơ bản, bối cảnh trong nước và quốc tế đan xen giữa thuận lợi và thách thức, nhưng yếu tố thuận lợi vẫn là cơ bản. Một số tổ chức quốc tế lớn đều có dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao.
"Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta hài lòng với những kết quả đạt được cũng như dự báo tích cực về triển vọng. Càng trong bối cảnh thuận lợi thì chúng ta càng phải thận trọng, không được chủ quan và tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính dài hạn để đảm bảo tăng trưởng một cách bền vững", Bộ trưởng phát biểu.
Ông cho biết, vừa qua Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và đến năm 2020, trong đó đánh giá về những nguy cơ rủi ro để lường trước và có những đối sách phù hợp.
Giải trình ý kiến cho rằng tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đang dựa nhiều vào yếu tố nước ngoài, như vậy có sự thiếu bền vững, Bộ trưởng khẳng định: sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài thì kết quả phát triển của nền kinh tế hiện nay có sự đóng góp rất lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, đã giúp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trên một số phương diện.
Một là chiếm tỷ trọng cao trong vốn đầu tư toàn xã hội.
Hai là chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp và hơn 70% trong giá trị hàng xuất khẩu, tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội và tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động.
Theo Bộ trưởng thì cần nhìn một cách tích cực và khách quan đối với khu vực đầu tư nước ngoài, bởi lẽ khu vực kinh tế FDI đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng.
Mặt khác cần phải đặt vấn đề làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng nhóm phát triển.
Bộ trưởng cho biết thêm, trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sắp tới Chính phủ sẽ có những định hướng mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn vào những dự án, những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, ít tài nguyên và có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.