Bụi mịn có thể tác động tiêu cực đến từng tế bào
Không khí ô nhiễm đã được biết là có mối quan hệ chặt chẽ với việc gia tăng biến chứng sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân. Nhưng với nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho biết, ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người suốt đời…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 100 người có 99 người phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm. Trong số đó, 2,4 tỷ người đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm vì nấu ăn trên bếp lộ thiên, hoặc những căn bếp không an toàn - như dầu hỏa, gỗ, phân gia súc và chất thải cây trồng. WHO cũng cho biết 3,8 triệu người đã tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí trong hộ gia đình. Ô nhiễm ngoài trời cũng là một trong những nguyên nhân gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm, bởi các bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư.
Nhiều người cho rằng không khí ô nhiễm chủ yếu ở ngoài đường, không khí trong nhà là trong lành và an toàn. Nhưng thực tế không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các yếu tố tác nhân như: bếp nấu nướng, thức ăn cũ, rác thải, rèm cửa, quần áo, lông thú cưng, các hoạt chất khí gây mùi VOCs... Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ em, người già. Với phụ nữ đang mang thai khi hít thở trong bầu không khí ô nhiễm suốt một thời gian dài dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và cả thai nhi.
Mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học Hasselt (Bỉ) đã công bố nghiên cứu đầu tiên chỉ ra những mảnh phân tử carbon độc hại có thể xuyên qua nhau thai và xuất hiện trong tế bào thai nhi. Họ đã tìm thấy hàng ngàn hạt bụi mịn trên mỗi mm mô trong mỗi nhau thai được phân tích, được cho là do người mẹ đã hít phải khói bụi trong quá trình mang thai. Lượng khói bụi này sẽ không thể tự đào thải 100% ra khỏi cơ thể của người mẹ, ngay cả khi được bổ sung chất dinh dưỡng.
Cụ thể, trung bình mỗi milimet nhau thai của các bà mẹ sống ở cạnh các con đường lớn có chứa tới 20.000 hạt bụi mịn. Với các bà mẹ sống xa đường lớn hơn, con số này là 10.000 hạt. Kiểm tra nhau thai của các thai nhi bị sảy, các nhà khoa học cũng phát hiện bụi mịn có trong nhau thai, thậm chí là nhau thai 12 tuần tuổi.
Nhau thai vốn được coi là "hàng rào" bảo vệ thai nhi bởi nhau thai không chỉ lọc oxy, đường và các chất dinh dưỡng từ máu của mẹ cung cấp cho thai nhi thông qua dây rốn, mà còn lọc ra các chất có thể gây hại cho thai nhi, loại bỏ carbon dioxide và các chất thải ra khỏi máu của thai nhi. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy “hàng rào bảo vệ” thai nhi đã bị đâm thủng bởi các hạt siêu nhỏ mà người mẹ hít vào.
Nghiên cứu được thực hiện bắt đầu từ năm 2018, sau nhiều lo ngại về tác động suốt đời của ô nhiễm khói bụi với sức khỏe của thai nhi, nguy cơ si sinh non và sảy thai đối với các thai phụ. Các chuyên gia cho rằng khám phá mang tính đột phá này “rất đáng lo ngại”, vì thời kỳ bào thai là giai đoạn con người dễ bị tổn thương nhất. Điều đáng nói, nghiên cứu được thực hiện trên các bà mẹ không hút thuốc ở Scotland và Bỉ - những quốc gia được đánh giá là có không khí ô nhiễm tương đối thấp.
Giáo sư Tim Nawrot, chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Thai nhi là giai đoạn dễ bị tổn thương nhất trong vòng đời của một con người, bởi lúc này các cơ quan đang hình thành và phát triển. Để bảo vệ thế hệ tương lai, chúng ta không chỉ chờ các giải pháp từ các chính phủ mà mỗi người cần chủ động giảm thiểu tiếp xúc của bà mẹ với hạt siêu mịn”.
Trong khi đó, giáo sư Paul Fowler tại Đại học Aberdeen ở Scotland cho biết: “Lần đầu tiên, chúng tôi chứng minh được rằng, các hạt nano carbon đen không chỉ đi vào nhau thai trong ba tháng đầu và ba tháng giữa của thai kỳ mà còn tìm đường vào các cơ quan của thai nhi đang phát triển. Đáng lo ngại hơn nữa là những hạt này cũng xâm nhập vào não người đang phát triển. Điều này có nghĩa là các hạt nano này có thể tương tác trực tiếp với các hệ thống điều khiển bên trong các cơ quan và tế bào của bào thai người”.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra các nguy cơ sức khỏe khi hít thở trong môi trường ô nhiễm. Cụ thể là tình trạng nhịp tim không đều ở trẻ khỏe mạnh đã được ghi nhận sau khi hít thở trong môi trường ô nhiễm, theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Kết quả được công bố trên chuyên san JAHA của Hiệp hội Tim mạch Mỹ sau khi theo dõi 322 thiếu niên khỏe mạnh từ 6 - 12 tuổi trong vòng 7 năm.
Trẻ tham gia nghiên cứu được phát máy theo dõi tim, bộ dụng cụ lấy mẫu không khí di động và mang theo trong 24 giờ. Máy theo dõi đã ghi nhận hai loại rối loạn nhịp tim: co bóp sớm của các buồng tim trên và sự co lại sớm của các khoang dưới hoặc tâm thất. Trong đó, sự co bóp tâm thất sớm có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, suy tim và đột tử ở trẻ khi lớn lên.
Cứ mỗi 10 microgram/m3 nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí tăng lên, nguy cơ co thắt tâm thất sớm cũng tăng thêm 5%. Tiến sĩ Fan He, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trên tờ Guardian rằng tình trạng nhịp tim bất thường đã được ghi nhận ngay cả khi nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở mức 17 microgram/m3.
Ngày 10/9 vừa qua, tại hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Ung thư y tế châu Âu diễn ra ở Pháp, nhóm các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Francis Crick (Anh) và các cộng sự cũng đã phát hiện ra PM 2.5 có liên quan đến sự gia tăng tổng nguy cơ ung thư phổi liên quan đến đột biến gen EGFR ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan.
“Nghiên cứu này cho thấy bụi mịn PM 2.5 trong không khí ô nhiễm có thể dẫn đến ung thư thông qua những đột biến đã được biết đến mà không hẳn là tạo ra những đột biến mới như suy nghĩ trước đây”, Richard Smith, Chủ tịch Liên minh Y tế về biến đổi khí hậu (Anh), nhận định trên chuyên san y khoa BMJ.
Tiến sĩ Fan He đưa ra lời khuyên: Hãy tiếp tục giữ thói quen đeo khẩu trang. Tránh các hoạt động ngoài trời vào những ngày ô nhiễm cao và trong giờ cao điểm, có thể giúp giảm sự tiếp xúc với ô nhiễm không khí và giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe liên quan.