Các đồng tiền vào cuộc đua giảm giá?
Giữa lúc căng thẳng Trung-Mỹ về vấn đề tỷ giá leo thang, nhiều quốc gia khác rục rịch hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu
Giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang xung quanh vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, nhiều quốc gia khác đang tìm cách đẩy tỷ giá đồng tiền của mình xuống thấp, đi ngược lại những quy tắc thị trường tự do đã được duy trì trong thương mại quốc tế vài thập kỷ gần đây.
Tờ New York Times lấy dẫn chứng, mới đây Nhật Bản và Brazil đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đồng nội tệ, hoặc chí ít là để ngăn chặn đồng tiền của nước mình tăng giá thêm so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép Washington được áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa của Trung Quốc, trừ phi Bắc Kinh nâng tốc độ tăng giá của đồng Nhân dân tệ.
Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu cảm thấy lo ngại rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi đồng Euro cách đây vài tháng, đồng tiền chung này giờ đây lại tăng giá mạnh so với USD, có nguy cơ làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ châu lục này. Lĩnh vực xuất khẩu hiện được xem là một trong những nguồn tạo tăng trưởng hiếm hoi của kinh tế châu Âu.
Cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy, người sẽ chủ tọa cuộc họp thượng đỉnh sắp diễn ra của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20), cho biết, ông sẽ thúc đẩy một hệ thống mới nhằm điều phối tỷ giá các đồng tiền như những gì các quốc gia giàu có đã thực hiện vào thập niên 1970 trước khi xu hướng thị trường tự do thắng thế.
Hiện còn chưa rõ liệu những động thái trên sẽ dẫn tới kết quả là một cuộc “chiến tranh tiền tệ” như nhận định mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, hay chỉ là những cảnh báo thúc giục Bắc Kinh thúc đẩy mạnh hơn việc tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã lên tiếng phủ nhận nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ hay thương mại. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ New York Times, phản ứng của ông Geithner dường như không mấy tự nhiên.
Thêm vào đó, ông Geithner cũng khẳng định, cách duy nhất để ngăn chặn nguy cơ này là các quốc gia “xác định lợi ích của chính họ là cho phép đồng tiền tăng giá theo quy luật thị trường”, đồng thời cho biết, ông tin là “nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc” giờ đã hiểu sự cần thiết phải cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá.
Nhưng không rõ liệu Trung Quốc sẵn sàng tăng giá đồng Nhân dân tệ tới đâu, vì một đồng tiền tăng giá đồng nghĩa với hàng xuất khẩu đắt đỏ hơn và nguy cơ suy giảm của số lượng việc làm. “Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đó là một cuộc đánh đổi. Họ chịu áp lực từ lãnh đạo các địa phương, những người lo sợ tỷ lệ thất nghiệp tăng tại các khu vực sản xuất công nghiệp chính, đúng như những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt”, một quan chức cao cấp của Mỹ từng có nhiều cuộc tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận xét.
Nhưng theo những gì đang diễn ra trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu áp dụng cách làm mà Mỹ cho là Trung Quốc đã thực hiện. Đó là thao túng tỷ giá đồng tiền vì lợi ích quốc gia, đồng thời phớt lờ những áp lực chính trị từ phía các đối tác thương mại.
Tờ New York Times cho biết, một số nhà kinh tế học lập luận rằng, thế “bất phân thắng bại” trong vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc có thể báo hiệu cho sự phục hưng của những biện pháp bảo hộ thương mại trong thập niên 1920 và 1930, có nguy cơ làm yếu thương mại toàn cầu và khiến sự phục hồi kinh tế đã yếu lại càng yếu hơn.
Nhưng nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, chính trào lưu thị trường tự do của thập niên 1980 và 1990 đã làm suy yếu sức cạnh tranh của nước Mỹ và bị các cường quốc mới nổi như Trung Quốc khai thác. Những người theo quan điểm này kêu gọi nước Mỹ có chính sách quyết đoán hơn nhằm bảo vệ thị trường việc làm, tăng xuất khẩu và duy trì các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước.
“Các nước đều đang muốn kéo lợi ích về phía mình, bất chấp điều đó gây hại cho nước khác. Thực tế này tương tự như những gì diễn ra vào thập niên 1930, khi châu Âu gặp khó khăn về tài chính đã giảm mạnh nhập khẩu từ bên ngoài, kéo thâm hụt thương mại của châu lục này giảm mạnh. Thế giới khi đó cũng đổ đi tìm kiếm một điểm cân bằng mới mà ở đó mọi quốc gia đều tìm cách giành giật lấy một phần lớn hơn trong nhu cầu đang co hẹp của thị trường toàn cầu”, Giáo sư kinh tế học Michael Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận xét.
Dĩ nhiên, trước đây, nhiều quốc gia đã từng thao túng tỷ giá đồng tiền. Dưới thời Tổng thống Reagan, nước Mỹ đã đạt một thỏa ước chính trị với Nhật Bản về vấn đề tỷ giá để giảm mức thâm hụt thương mại phình to. Và trong suốt nhiều thập kỷ qua, bất chấp những quy định của thế giới nhằm ngăn chặn chính sách bảo hộ, các quốc gia đã tìm cách hỗ trợ các ngành công nghiệp của nước mình bằng cách trợ cấp cho các công ty, chẳng hạn như châu Âu hỗ trợ cho hãng máy bay Airbus.
Giờ đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu lo ngại mình rơi vào thế mắc kẹt giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục lời qua tiếng lại về chuyện tỷ giá. Nhật Bản mới đây đã lần đầu tiên trong 6 năm can thiệp vào thị trường ngoại hối. Trước đó, Tokyo đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh góp phần đẩy tỷ giá đồng Yên gia tăng lên mức đỉnh của 15 năm bằng cách gom mua trái phiếu Nhật.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Nhật Bản lo ngại rằng, đó chỉ là một động thái mang tính chất tạm thời. Giáo sư tài chính Kazuo Ueda thuộc Đại học Tokyo nhận định: “Nhật Bản đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đua giảm giá đồng tiền này” vì không có những hành động tiếp theo.
Brazil cũng đã thực hiện giảm tỷ giá đồng nội tệ và tuyên bố vào tuần trước rằng sẽ làm bất cứ việc gì cần thiết để ngăn đồng tiền tăng giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng chính sách duy trì lãi suất thấp kỷ lục của các nước phát triển, trong đó có Mỹ, là một cách giảm tỷ giá đồng tiền. Ông cũng cho rằng, chiến lược không mới này đang đe dọa nền kinh tế Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác.
“Đây là một dạng hành động trong tuyệt vọng của các quốc gia nhằm nỗ lực kích thích nền kinh tế của nước họ. Do các nước này không thể kích thích thị trường nội địa nên họ phải làm điều đó thông qua xuất khẩu. Bởi vậy, các nước phát triển tìm cách giảm giá đồng tiền của mình để nâng sức cạnh tranh tại những thị trường năng động của thế giới”, ông Mantega nói.
Phần lớn các chính phủ phương Tây và nhiều nhà kinh tế học đều đổ dồn sự chỉ trích về nguyên nhân gây mâu thuẫn tiền tệ vào Trung Quốc, quốc gia hiện vẫn chưa thúc đẩy sự tăng giá đồng Nhân dân tệ như ý muốn của các đối thác thương mại lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc còn bị cho là hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu thông qua áp dụng mức lãi suất thấp giả tạo, giúp biến các khoản tiết kiệm ngân hàng thành các khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp.
Những chiến thuật này không có gì là mới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi thuộc châu Á. Nhưng theo các chuyên gia, quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ của Bắc Kinh có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.
Nhưng đương nhiên là Trung Quốc có cách nhìn khác đối với vấn đề này. Báo chí Trung Quốc thường xuyên đăng tải những bài báo với lập luận cho rằng nước Mỹ không chịu đánh giá cao những nỗ lực của phía Trung Quốc. Chẳng hạn, nhiều nhà kinh tế Trung Quốc nhấn mạnh, khi nhiều đồng tiền giảm giá so với USD trong thời gian khủng hoảng tài chính 2008, đồng Nhân dân tệ đã không giảm giá. Bên cạnh đó, họ cho rằng, dù hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn giá trị thực, nhưng điều này mang đến lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ và người tiêu dùng Trung Quốc phải chịu thiệt.
“Chẳng lẽ không có ai nghĩ tới điều đó. Hay là Trung Quốc nên nghĩ tới lợi ích của người tiêu dùng trong nước thay vì người tiêu dùng Mỹ”, ông Shen Minggao, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Citibank, phát biểu trong cuộc phỏng vấn điện thoại của New York Times.
Các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng, nước này có thể giải quyết vấn đề bằng cách dịch chuyển sang một nền kinh tế dựa vào nhu cầu tiêu dùng nội địa thay vì dựa vào xuất khẩu như hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ hướng tới mục tiêu đó của Trung Quốc còn khá chậm. Từ khi Bắc Kinh tuyên bố tăng tính linh hoạt cho tỷ giá vào tháng 6 tới nay, tỷ giá đồng tiền này mới tăng khoảng 1%. Trong khi phần lớn các chuyên gia cho rằng, giá trị thực của đồng Nhân dân tệ phải cao tăng 15-20% mới đúng với thực tế.
Theo ông Li Daokui, người đứng đầu Trung tâm Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới thuộc Đại học Tsinghua, có nhiều yếu tố kinh tế và chính trị hạn chế Bắc Kinh trong vấn đề tỷ giá. Theo chuyên gia này, nếu Trung Quốc tăng tỷ giá quá nhanh, hàng xuất khẩu sẽ tăng giá mạnh và có thể dẫn tới sự suy sụp của lĩnh vực xuất khẩu ở nước này, theo đó đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và kéo theo bất ổn xã hội. Đó có lẽ là lý do tại sao mà Bắc Kinh thận trọng.
Ông Li cho rằng, đồng Nhân dân tệ “tăng giá đôi chút” là cần thiết, nhưng người dân thường Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng cho ngay cả thay đổi nhỏ đó, vì nếu không, “việc tăng tỷ giá sẽ phản tác dụng vì tới giờ, nhiều người vẫn tin rằng đang có những chính sách ‘ngầm’ nhằm duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc’.
Tờ New York Times lấy dẫn chứng, mới đây Nhật Bản và Brazil đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đồng nội tệ, hoặc chí ít là để ngăn chặn đồng tiền của nước mình tăng giá thêm so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép Washington được áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa của Trung Quốc, trừ phi Bắc Kinh nâng tốc độ tăng giá của đồng Nhân dân tệ.
Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu cảm thấy lo ngại rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi đồng Euro cách đây vài tháng, đồng tiền chung này giờ đây lại tăng giá mạnh so với USD, có nguy cơ làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ châu lục này. Lĩnh vực xuất khẩu hiện được xem là một trong những nguồn tạo tăng trưởng hiếm hoi của kinh tế châu Âu.
Cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy, người sẽ chủ tọa cuộc họp thượng đỉnh sắp diễn ra của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20), cho biết, ông sẽ thúc đẩy một hệ thống mới nhằm điều phối tỷ giá các đồng tiền như những gì các quốc gia giàu có đã thực hiện vào thập niên 1970 trước khi xu hướng thị trường tự do thắng thế.
Hiện còn chưa rõ liệu những động thái trên sẽ dẫn tới kết quả là một cuộc “chiến tranh tiền tệ” như nhận định mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, hay chỉ là những cảnh báo thúc giục Bắc Kinh thúc đẩy mạnh hơn việc tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã lên tiếng phủ nhận nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ hay thương mại. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ New York Times, phản ứng của ông Geithner dường như không mấy tự nhiên.
Thêm vào đó, ông Geithner cũng khẳng định, cách duy nhất để ngăn chặn nguy cơ này là các quốc gia “xác định lợi ích của chính họ là cho phép đồng tiền tăng giá theo quy luật thị trường”, đồng thời cho biết, ông tin là “nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc” giờ đã hiểu sự cần thiết phải cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá.
Nhưng không rõ liệu Trung Quốc sẵn sàng tăng giá đồng Nhân dân tệ tới đâu, vì một đồng tiền tăng giá đồng nghĩa với hàng xuất khẩu đắt đỏ hơn và nguy cơ suy giảm của số lượng việc làm. “Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đó là một cuộc đánh đổi. Họ chịu áp lực từ lãnh đạo các địa phương, những người lo sợ tỷ lệ thất nghiệp tăng tại các khu vực sản xuất công nghiệp chính, đúng như những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt”, một quan chức cao cấp của Mỹ từng có nhiều cuộc tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận xét.
Nhưng theo những gì đang diễn ra trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu áp dụng cách làm mà Mỹ cho là Trung Quốc đã thực hiện. Đó là thao túng tỷ giá đồng tiền vì lợi ích quốc gia, đồng thời phớt lờ những áp lực chính trị từ phía các đối tác thương mại.
Tờ New York Times cho biết, một số nhà kinh tế học lập luận rằng, thế “bất phân thắng bại” trong vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc có thể báo hiệu cho sự phục hưng của những biện pháp bảo hộ thương mại trong thập niên 1920 và 1930, có nguy cơ làm yếu thương mại toàn cầu và khiến sự phục hồi kinh tế đã yếu lại càng yếu hơn.
Nhưng nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, chính trào lưu thị trường tự do của thập niên 1980 và 1990 đã làm suy yếu sức cạnh tranh của nước Mỹ và bị các cường quốc mới nổi như Trung Quốc khai thác. Những người theo quan điểm này kêu gọi nước Mỹ có chính sách quyết đoán hơn nhằm bảo vệ thị trường việc làm, tăng xuất khẩu và duy trì các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước.
“Các nước đều đang muốn kéo lợi ích về phía mình, bất chấp điều đó gây hại cho nước khác. Thực tế này tương tự như những gì diễn ra vào thập niên 1930, khi châu Âu gặp khó khăn về tài chính đã giảm mạnh nhập khẩu từ bên ngoài, kéo thâm hụt thương mại của châu lục này giảm mạnh. Thế giới khi đó cũng đổ đi tìm kiếm một điểm cân bằng mới mà ở đó mọi quốc gia đều tìm cách giành giật lấy một phần lớn hơn trong nhu cầu đang co hẹp của thị trường toàn cầu”, Giáo sư kinh tế học Michael Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận xét.
Dĩ nhiên, trước đây, nhiều quốc gia đã từng thao túng tỷ giá đồng tiền. Dưới thời Tổng thống Reagan, nước Mỹ đã đạt một thỏa ước chính trị với Nhật Bản về vấn đề tỷ giá để giảm mức thâm hụt thương mại phình to. Và trong suốt nhiều thập kỷ qua, bất chấp những quy định của thế giới nhằm ngăn chặn chính sách bảo hộ, các quốc gia đã tìm cách hỗ trợ các ngành công nghiệp của nước mình bằng cách trợ cấp cho các công ty, chẳng hạn như châu Âu hỗ trợ cho hãng máy bay Airbus.
Giờ đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu lo ngại mình rơi vào thế mắc kẹt giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục lời qua tiếng lại về chuyện tỷ giá. Nhật Bản mới đây đã lần đầu tiên trong 6 năm can thiệp vào thị trường ngoại hối. Trước đó, Tokyo đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh góp phần đẩy tỷ giá đồng Yên gia tăng lên mức đỉnh của 15 năm bằng cách gom mua trái phiếu Nhật.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Nhật Bản lo ngại rằng, đó chỉ là một động thái mang tính chất tạm thời. Giáo sư tài chính Kazuo Ueda thuộc Đại học Tokyo nhận định: “Nhật Bản đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đua giảm giá đồng tiền này” vì không có những hành động tiếp theo.
Brazil cũng đã thực hiện giảm tỷ giá đồng nội tệ và tuyên bố vào tuần trước rằng sẽ làm bất cứ việc gì cần thiết để ngăn đồng tiền tăng giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng chính sách duy trì lãi suất thấp kỷ lục của các nước phát triển, trong đó có Mỹ, là một cách giảm tỷ giá đồng tiền. Ông cũng cho rằng, chiến lược không mới này đang đe dọa nền kinh tế Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác.
“Đây là một dạng hành động trong tuyệt vọng của các quốc gia nhằm nỗ lực kích thích nền kinh tế của nước họ. Do các nước này không thể kích thích thị trường nội địa nên họ phải làm điều đó thông qua xuất khẩu. Bởi vậy, các nước phát triển tìm cách giảm giá đồng tiền của mình để nâng sức cạnh tranh tại những thị trường năng động của thế giới”, ông Mantega nói.
Phần lớn các chính phủ phương Tây và nhiều nhà kinh tế học đều đổ dồn sự chỉ trích về nguyên nhân gây mâu thuẫn tiền tệ vào Trung Quốc, quốc gia hiện vẫn chưa thúc đẩy sự tăng giá đồng Nhân dân tệ như ý muốn của các đối thác thương mại lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc còn bị cho là hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu thông qua áp dụng mức lãi suất thấp giả tạo, giúp biến các khoản tiết kiệm ngân hàng thành các khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp.
Những chiến thuật này không có gì là mới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi thuộc châu Á. Nhưng theo các chuyên gia, quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ của Bắc Kinh có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.
Nhưng đương nhiên là Trung Quốc có cách nhìn khác đối với vấn đề này. Báo chí Trung Quốc thường xuyên đăng tải những bài báo với lập luận cho rằng nước Mỹ không chịu đánh giá cao những nỗ lực của phía Trung Quốc. Chẳng hạn, nhiều nhà kinh tế Trung Quốc nhấn mạnh, khi nhiều đồng tiền giảm giá so với USD trong thời gian khủng hoảng tài chính 2008, đồng Nhân dân tệ đã không giảm giá. Bên cạnh đó, họ cho rằng, dù hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn giá trị thực, nhưng điều này mang đến lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ và người tiêu dùng Trung Quốc phải chịu thiệt.
“Chẳng lẽ không có ai nghĩ tới điều đó. Hay là Trung Quốc nên nghĩ tới lợi ích của người tiêu dùng trong nước thay vì người tiêu dùng Mỹ”, ông Shen Minggao, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Citibank, phát biểu trong cuộc phỏng vấn điện thoại của New York Times.
Các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng, nước này có thể giải quyết vấn đề bằng cách dịch chuyển sang một nền kinh tế dựa vào nhu cầu tiêu dùng nội địa thay vì dựa vào xuất khẩu như hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ hướng tới mục tiêu đó của Trung Quốc còn khá chậm. Từ khi Bắc Kinh tuyên bố tăng tính linh hoạt cho tỷ giá vào tháng 6 tới nay, tỷ giá đồng tiền này mới tăng khoảng 1%. Trong khi phần lớn các chuyên gia cho rằng, giá trị thực của đồng Nhân dân tệ phải cao tăng 15-20% mới đúng với thực tế.
Theo ông Li Daokui, người đứng đầu Trung tâm Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới thuộc Đại học Tsinghua, có nhiều yếu tố kinh tế và chính trị hạn chế Bắc Kinh trong vấn đề tỷ giá. Theo chuyên gia này, nếu Trung Quốc tăng tỷ giá quá nhanh, hàng xuất khẩu sẽ tăng giá mạnh và có thể dẫn tới sự suy sụp của lĩnh vực xuất khẩu ở nước này, theo đó đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và kéo theo bất ổn xã hội. Đó có lẽ là lý do tại sao mà Bắc Kinh thận trọng.
Ông Li cho rằng, đồng Nhân dân tệ “tăng giá đôi chút” là cần thiết, nhưng người dân thường Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng cho ngay cả thay đổi nhỏ đó, vì nếu không, “việc tăng tỷ giá sẽ phản tác dụng vì tới giờ, nhiều người vẫn tin rằng đang có những chính sách ‘ngầm’ nhằm duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc’.