16:49 09/08/2016

​Cãi nhau cũng phải có… nghệ thuật!

PV

​Cãi nhau cũng phải có… nghệ thuật! - Ảnh 1

Các chuyên gia tin rằng giao tiếp được chia làm 5 cấp độ: Cấp độ “người quen”; Cấp độ chia sẻ thông tin; Cấp độ chia sẻ ý kiến; Cấp độ chia sẻ cảm xúc và cuối cùng là Cấp độ dốc bầu tâm sự. Các bà vợ thường cần một người chồng biết ngồi xuống lắng nghe, biết tôn trọng hoàn toàn quan điểm và cảm xúc của vợ (cấp độ 5). Nhưng những các ông chồng thường lại chỉ trông chờ lẽ phải, họ dừng ở cấp độ 3 – chia sẻ thông tin. Trong tình huống đó, các bà vợ đôi khi cảm thấy như mình đang nói chuyện với bức tường. Cuối cùng, họ ngừng chia sẻ ý nghĩ và cảm xúc. Vì vậy, các cặp đôi rất cần học cách giao tiếp hiệu quả, cần yêu và chấp nhận lẫn nhau, học cách lắng nghe toàn tâm toàn ý. Một cách chủ động, có mục đích, hãy chú ý mọi tín hiệu đối phương phát đi. Học cách nói chuyện và thường xuyên tán dương đối phương. Đừng quên thỉnh thoảng bạn nên hóm hỉnh. Quan trọng hơn cả, mọi điều bạn nói hãy xuất phát từ trái tim. Cố gắng giành phần thắng cho mình. Đó là một trong những yếu tố khiến cho rất nhiều cuộc tranh cãi khởi đi từ những chuyện nhỏ mọn, không đâu nhưng cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả thật tồi tệ: Vợ chồng bất hòa, giận hờn, có khi trở thành thù ghét nhau. Vì một khi cái tôi của mình bị xúc phạm, thì không ai muốn nhường nhịn, và không ai muốn mình bị coi thường, bị chà đạp. Cái tôi lúc đó cần được bảo vệ bằng bất cứ giá nào để nó không thể bị thua kém ai, mặc dù trên thực tế lúc bình thường cái tôi đó không là gì. Từ ngữ thông thường gọi là khi “tự ái bị va chạm!”. Để giành cho được phần thắng, để ăn thua đủ với nhau, bước đầu tiên là vận động tư tưởng, ngôn ngữ, và cách diễn tả cốt sao trấn át được, đè bẹp được đối phương. Vợ chồng không ai nghe ai mà chỉ có người nói. Lúc đầu chỉ là lời qua tiếng lại nhỏ đủ hai người nghe, những từ từ tiến đến to tiếng, lấn át tiếng nói của nhau. Khi lời nói bắt đầu vượt tầm kiểm soát của lý trí, cũng là lúc nói cho thỏa những gì đang nung nấu trong tâm hồn, mà không cần biết người mình đang nói với có nghe, có hiểu và có đón nhận những tiếng nói, những gì mình muốn diễn tả hay không? Nhưng đón nhận làm sao được khi mà người kia cũng đang lên giọng, đang gào thét, lấn át và muốn mình phải im tiếng! Bước kế tiếp là làm tổn thương tình cảm, sự tin tưởng, lòng kính trọng của nhau. Lúc này cuộc tranh cãi không dừng lại ở việc xử dụng ngôn ngữ mà còn dẫn đến những hành động tay chân – hành động ngược đãi nhau. Đây là hậu quả tai hại nhất, tồi tệ nhất của một cuộc cãi vã. Hoặc ngược lại, sau khi cãi nhau với chồng, nhiều phụ nữ đều coi đối phương như kẻ vô hình, không trò chuyện, không nhắn tin, không nghe điện thoại. Kỳ thực chiến tranh lạnh trong hôn nhân giống như một ván bạc tâm lý, đôi bên đều chờ đợi người kia mềm lòng xuống nước trước. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lựa chọn này chát hơn bạn tưởng. Sự cố chấp và lòng tự tôn không giúp các cô gái hả giận, mà chỉ làm tình cảm của họ và nửa còn lại thêm rời rạc. Đàn ông vốn thích nghe nói ngọt, vì thế, nếu bạn nói thẳng nói thật với chồng những sự thật trần trụi hoặc những kỷ niệm không mấy hay ho thì có lẽ anh ấy sẽ rất khó nghe lọt tai. Các bà vợ ơi, hãy trung thành với câu slogan “Lấy nhu thắng cương”. Chồng bạn bận việc, đến gặp nhóm bạn của bạn muộn rồi cũng vội vàng đi ngay sau khi chào hỏi mọi người dăm ba câu. Bạn phát cáu, cự nự ngay với chồng: “Anh lúc nào cũng chẳng coi ai ra gì! Bạn bè 5 - 7 năm mới gặp nhau mà anh lại lạnh nhạt như vậy!”… Khi giận chồng trước mặt bạn bè, tốt nhất bạn nên nhịn, ngậm bồ hòn làm ngọt rồi về nhà đóng cửa bảo nhau sau. Trong trường hợp trên, nếu bạn nhẹ nhàng nói với chồng và coi như mình là nguyên nhân của sự chậm trễ đó thì sau khi về nhà, anh ấy sẽ suy nghĩ đến sự chịu đựng của bạn. Đến lúc đã ở nhà thì bạn hãy “tiến lên một bước” nhé, anh ấy sẽ còn biết ơn vì bạn đã giữ thể diện cho anh ấy trước đám đông đấy.
10 nguyên tắc cần phải nhớ mỗi khi… đối đầu
1.    Không bao giờ chọn giải pháp im lặng để xử lý vấn đề.
2.    Không bao giờ nói dối để che đậy điều gì đó.
3.    Đừng lôi kéo bố mẹ chồng (vợ) hay bạn bè vào cuộc ngay khi hai bạn cãi nhau.
4.    Đừng chủ quan kết luận mọi vấn đề, hãy dành thời gian giao tiếp và nói rõ ngọn ngành.
5.    Chỉ thảo luận về những điều đã thực sự xảy ra, đừng phán xét.
6.    Hãy tìm kiếm sự thật thay vì phỏng đoán, nghi hoặc.
7.    Học cách hiểu nhau, chứ không phải đánh bại nhau.
8.    Nên nói về hiện tại, tương lai, đừng bới móc quá khứ.
9.    Giải quyết vấn đề gây tổn thương cảm xúc trước, sau đó hãy đến các vấn đề nảy sinh từ bất đồng ý kiến.
10.    Luôn bắt đầu bằng “Em (anh) cảm thấy…”, đừng nói “Anh (cô) đúng là…”.
 

Nguyên Phong