Cần quy định cụ thể mức lương hưu khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội
Bộ Tư pháp đề nghị cần rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về mức lương hưu hằng tháng khi giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm…
Góp ý về quy định điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm theo đề xuất tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho rằng còn một số bất cập về mức lương hưu hằng tháng.
Về mức lương hưu hằng tháng, dự thảo Luật đề xuất được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính hưởng lương hưu dưới 15 năm, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá, quy định này còn một số vấn đề chưa rõ. Đơn cử, dự thảo Luật quy định “Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm đối với lao động nữ…”, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%”.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng lại quy định: “Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 71 của Luật này có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%”.
Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này chưa rõ mức lương hưu hằng tháng của người lao động dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội có được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như trường hợp đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nêu trên hay không?
Nếu không tính bằng 45% thì trường hợp này sẽ được xác định theo tỉ lệ bao nhiêu % mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động?
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa làm rõ được căn cứ, cơ sở quy định mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25% đối với trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm. Ngoài ra, quy định này chỉ mới áp dụng cho lao động nam, chưa có quy định cho lao động nữ.
Mặt khác, với quy định “Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính hưởng lương hưu dưới 15 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%”, Bộ Tư pháp cho biết, đang có sự mâu thuẫn với quy định tại Điều 71 và 72 dự thảo Luật.
Vì theo Điều 71, 72 dự thảo Luật, một trong các điều kiện hưởng lương hưu là người lao động có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Hơn nữa, theo điểm a khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật, người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc trường hợp “đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
“Có thể nói, quy định về mức lương hưu hằng tháng gắn liền với quyền lợi
của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá quy định tại khoản 1 Điều 73 dự thảo Luật, Bộ Tư pháp nhận thấy còn một số nội dung chưa rõ, chưa thống nhất”, Bộ Tư pháp nêu rõ.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi, tính chính xác và bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về mức lương hưu hằng tháng tại dự thảo Luật. Nhất là trong bối cảnh quy định giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.