11:07 06/04/2023

Đề xuất hoán đổi năm đóng bảo hiểm xã hội để về hưu trước tuổi

Nhật Dương

Nhiều người lao động mặc dù đủ, thậm chí thừa năm đóng bảo hiểm xã hội song chưa đến tuổi nghỉ hưu, nếu nghỉ trước sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng. Vì vậy, cán bộ công đoàn cho rằng, quy định trong thực tiễn đã phát sinh bất cập và đề xuất cho người lao động được hoán đổi số năm đóng thừa để nghỉ hưu trước tuổi…

Nhiều lao động đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa - Anh Tuấn.
Nhiều lao động đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa - Anh Tuấn.

Nêu góp ý về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều cán bộ công đoàn đề xuất bù đắp số năm đóng thừa bảo hiểm xã hội cho trường hợp thiếu tuổi nghỉ hưu để người lao động được hưởng lương hưu sớm. 

LAO ĐỘNG THIỆT THÒI NẾU NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI DÙ THỪA NĂM ĐÓNG

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chế độ hưu trí là vấn đề khó giải thích nhất khi cán bộ công đoàn đi tuyên truyền chính sách pháp luật đến người lao động. Trong đó, về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, bà Hà nêu ý kiến nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội và cách tính mức hưởng ở luật cũ như thế nào thì luật mới nên tính chuyển tiếp, không nên thay đổi quá nhiều.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu đề đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Cách tính và mức hưởng lương hưu cũng sẽ thay đổi cho phù hợp.

Về mức lương hưu hằng tháng, dự thảo Luật đề xuất mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính hưởng lương hưu dưới 15 năm, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Theo bà Hà, với cách tính này lao động nam sẽ thiệt thòi hơn so với lao động nữ, bởi với cách tính cũ thì họ vẫn được tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu như lao động nữ cho 15 năm đóng đầu.

Ngoài ra, vấn đề được công nhân lao động gửi gắm nhiều năm đến công đoàn là đề xuất cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu chuyển đổi việc thừa năm đóng bảo hiểm xã hội và thiếu tuổi nghỉ hưu để bù đắp cho nhau.

“Hiện nay có những người thừa năm đóng bảo hiểm xã hội thì được nhận trợ cấp một lần trước khi hưởng lương hưu, nhưng thiếu tuổi vẫn bị trừ tỷ lệ hưởng. Thiếu một năm đóng bảo hiểm xã hội trừ 2%, nhưng thừa một năm đóng được cộng không đáng bao nhiêu so với việc phải trừ 2% khi thiếu một năm đóng. Vì vậy, có thể bù đắp cho nhau thế nào để những người có thừa năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu được hưởng tối đa 75%”, bà Hà kiến nghị.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, việc được hoán đổi số năm đóng thừa để hưởng lương hưu không chỉ là mong muốn của nhiều công nhân lao động, mà còn là của công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, nhất là những người phải nghỉ hưu sớm do quá trình tinh giản biên chế.

“Người lao động tha thiết mong muốn được bù đắp năm đóng bảo hiểm xã hội cho số năm thiếu tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu. Vì vậy, chúng tôi rất mong cơ quan soạn thảo có thể giải đáp mong mỏi của người lao động, để những người thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng 75% lương hưu", vị cán bộ công đoàn bày tỏ.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm sẽ có nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa - N.Dương.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm sẽ có nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa - N.Dương.

Có chung nỗi băn khoăn, bà Đặng Thị Kim Chung, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận, trên thực tế những trường hợp thừa năm đóng bảo hiểm xã hội song thiếu tuổi nghỉ hưu rất nhiều.

“Số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa nhưng tuổi nghỉ hưu tăng lên theo Bộ luật Lao động 2019, dẫn đến nhiều người dù đủ năm đóng nhưng chưa đến tuổi hưu, muốn nghỉ hưu sớm rất thiệt thòi”, bà Chung phân trần.

Bởi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, khi nghỉ hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

XEM XÉT, ĐÁNH GIÁ ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, nhiều trường hợp lao động nữ có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 30 năm, nam 35 năm được hưởng lương hưu 75%, song lại bị trừ phần trăm lương hưu vì tuổi đời chưa đủ để nghỉ hưu.

Theo ông Quảng, trước đây vấn đề này chưa được đề cập trong các chính sách, nhưng qua thực tiễn lấy ý kiến của người lao động đã thể hiện có những bất cập. “Trong thời gian tới chúng ta sẽ phải đưa ra xem xét, đánh giá bởi đó là nguyện vọng chính đáng của người lao động, để đảm bảo quyền lợi cho họ”, ông Quảng nói.

Phản hồi về các ý kiến trên, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, đây là vấn đề khó khi làm sao để cân đối hài hòa giữa việc người lao động vừa muốn nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừ tỷ lệ hưởng hương hưu hằng tháng. “Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu trên nhiều góc độ để hoàn thiện trước khi báo cáo các cơ quan có thẩm quyền”, ông Cường khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khẳng định, đây là dự án Luật có tác động rộng lớn và cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Hiện dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.