13:54 31/05/2023

Chính phủ đồng ý tăng hơn 1.900 tỷ đồng cho metro Nhổn - ga Hà Nội, lùi thời hạn đến năm 2027

Anh Tú

Theo đó, tổng đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội được điều chỉnh lên 34.826 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với trước. Đồng thời, thời hạn hoàn thành toàn tuyến cũng được lùi đến năm 2027...

Đoạn thi công ngầm bao gồm 4 ga ngầm và 4 km đường hầm mới đạt 33% tiến độ.
Đoạn thi công ngầm bao gồm 4 ga ngầm và 4 km đường hầm mới đạt 33% tiến độ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 588 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”.

NHIỀU CHẬM TRỄ, VƯỚNG MẮC THI CÔNG GA NGẦM

Cụ thể, xét đề nghị của UBND TP. Hà Nội tại tờ trình số 104 và văn bản số 1522; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3813, Thủ tướng ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2027, thay vì 2009-2022 như trước đây.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh, gồm vốn vay ODA tương đương hơn 24.781 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á là hơn 374 triệu USD; vốn vay Cơ quan phát triển Pháp gần 159 triệu Euro; vốn vay Ngân hàng Đầu tư Châu Âu là 125,5 triệu Euro; vốn vay Chính phủ Pháp hơn 355 triệu Euro.

Cùng với đó, vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội là hơn 10.000 tỷ đồng.

 

Theo phương án được phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội tăng hơn 3.895 tỷ đồng; vốn vay ODA giảm gần 1.980 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án cũng được chấp thuận kéo dài đến năm 2027, thay vì hoàn thành vào năm 2022.

Trước đó, tại tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi tiến độ dự án.

Đầu tiên là do chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Thứ hai là do năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot hạn chế và chậm trễ thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư, UBND thành phố.

Tiếp đến là do năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư, tư vấn (PIC), sự phối hợp các sở, ngành còn hạn chế; sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng quốc tế FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng rất phức tạp và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo UBND TP. Hà Nội, tiến độ hoàn thành dự án hoàn toàn phụ thuộc vào gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4-5 năm.

Chính vì vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027, chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng; trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027, gồm cả đoạn ngầm.

ĐỀ NGHỊ SỬ DỤNG VỐN VAY HIỆU QUẢ, THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Tại quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.

Về phía UBND TP. Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của thành phố Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Thủ tướng lưu ý sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn, cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ; đồng thời, chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành…

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023 về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Được biết, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội là cấp phê duyệt đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư đang được triển khai có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5 ha và 10 đoàn tàu.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội được khởi công tháng 9/2010. Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2022, theo văn bản được chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiến nghị thành phố báo cáo Thủ tướng, tổng mức đầu tư của dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng 87,5%; còn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 45%. Thời gian hoàn thành toàn bộ dự án theo văn bản trên của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đề nghị là năm 2027, chậm tiến độ 12 năm so với tiến độ ban đầu, còn tuyến Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ 6 năm.

 

Đến thời điểm hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm 7 năm với 9 lần vỡ tiến độ. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đến hết tháng 4/2023, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 76,5%. Trong đó, đoạn trên cao từ Nhổn - về ga S8 Cầu Giấy dài 12,5 km thi công xong và tiến độ được Thủ tướng yêu cầu vận hành thương mại các đoàn tàu là quý 2/2023; còn đoạn ngầm bao gồm 4 ga ngầm và 4 km đường hầm đạt 33%.

Sau hơn một năm dừng (từ tháng 9/2021) do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, gói thi công ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội đã thi công trở lại và đang làm ba ca liên tục, kể cả dịp nghỉ lễ.