Chống “thổi giá” đất, TP.HCM sẽ gỡ loạt vướng mắc thủ tục
Tại nhiều địa phương và TP.HCM, các vấn đề liên quan đến nhà ở, quản lý đất đai vẫn đang là “điểm nóng” hiện nay…
Tại buổi “Tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè và quận 7 của Tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 9 trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV” vào sáng 14/5/2022, cử tri nêu ý kiến về các vấn đề của thành phố, như: dự án chống ngập do triều cường đã kéo dài quá lâu, trong khi tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng; cải tạo, mở rộng các tuyến đường kết nối huyện Nhà Bè, quận 7 với khu vực trung tâm TP.HCM đang xuống cấp, hay đường Nguyễn Tất Thành nối các cảng biển thường xuyên ùn tắc…
Cử tri cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Đất đai, gỡ vướng mắc trong cấp sổ hồng chung cư, có các chính sách để người lao động, người có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà, chính sách phụ cấp người cao tuổi… Cần có giải pháp mạnh tay đối với tình trạng “bơm ““thổi”, tạo “sốt đất” ảo, thông tin sai lệch gây nhiễu loạn thị trường… Điều chỉnh một số quy hoạch dự án không còn phù hợp.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI
Cử tri Phạm Thị Mai Thảo, công nhân Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP.HCM), cho biết thu nhập của bản thân là 7,5 triệu đồng/tháng, chồng là lao động tự do thu nhập không ổn định, có 1 con trai đang học đại học. Gia đình phải tiết kiệm mới đủ chi tiêu, vì vậy để có tiền mua nhà là rất khó.
Cử tri Mai Thảo đề nghị, các quận, huyện cần có quỹ đất xây dựng nhà, nhất là nhà ở xã hội. Có thể xây dựng chung cư phù hợp với các hộ gia đình có 2 đến 3, 4 người với mức giá phù hợp với công nhân, người lao động. TP.HCM cũng cần có chính sách mua nhà, đất trả góp cho người lao động và mở rộng đối tượng được vay Quỹ phát triển nhà ở của thành phố.
Trả lời cử tri về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Xây dựng đã phối hợp các đơn vị thực hiện 19 dự án với 15.000 căn hộ nhà ở xã hội. Định hướng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện 47 dự án khoảng 2,5 triệu m2, với khoảng 35.000 căn hộ.
Đối với nhà lưu trú công nhân, giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành các dự án với tổng diện tích 4,7ha với 800 hộ, tương ứng 4.600 chỗ ở cho công nhân. Định hướng giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện 6 dự án nhà lưu trú cho công nhân, quy mô 10ha, khoảng 6.500 phòng, tương ứng 28.000 chỗ ở cho công nhân.
Trong tháng 4/2022, Sở Xây dựng đã phối hợp các đơn vị khởi công 5 dự án nhà ở xã hội và khu lưu trú cho công nhân; phấn đấu trong năm 2022, khởi công 12 dự án nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân.
Cử tri Bùi Anh Phương (quận 7, TP.HCM), cho biết chung cư Kỷ Nguyên trên địa bàn phường Phú Mỹ đã đưa vào sử dụng từ năm 2013 đến nay đã 10 năm, nhưng chưa được cấp sổ hồng. Đề nghị giải quyết dứt điểm.
Về lý do chậm cấp sổ hồng cho các căn hộ chung cư, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, có 3 nhóm tồn tại. Đó là các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, dự án xây dựng xong chưa nghiệm thu được và chủ đầu tư chưa giải chấp tài sản nên chưa thể cấp giấy chứng nhận…
Với các dự án mới, hiện nay, các quy định rất chặt chẽ, chỉ khi nào có đầy đủ các điều kiện mới có thể mở bán. TP.HCM hàng năm đều duyệt kế hoạch sử dụng đất của 22 quận, huyện và công khai kế hoạch sử dụng đất để nhân dân nắm thông tin… Thành phố cũng có công cụ kiểm soát giá đất là bảng giá đất và hệ số điều chỉnh việc thu hồi đất, đảm bảo giá trị thật.
“Khi có thông tin dự án rao bán, người dân có thể đối chiếu qua thông tin được công khai về kế hoạch sử dụng đất của địa phương để biết được tình trạng pháp lý của các dự án đó. Chúng tôi tiếp thu ý kiến cử tri là sẽ công khai toàn bộ vi phạm, vướng mắc dẫn đến chưa cấp được giấy chứng nhận cho người dân”, ông Thắng nói.
NĂM 2023, TP.HCM SẼ HẾT NGẬP?
Hiện nay tình trạng ngập nước do triều cường tại Nhà Bè vẫn diễn ra. Trong khi đó, dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1" đã đình trệ khá lâu, dù đến nay đã thi công hoàn thành trên 90% và giải phóng xong mặt bằng.
Theo cử tri Tăng Văn Thông (huyện Nhà Bè, TP.HCM), tổ Đại biểu quốc hội cần kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án này để công trình được vận hành trong thời gian sớm nhất, giảm ngập cho toàn thành phố, vừa chống lãng phí ngân sách nhà nước.
Đối với vấn đề chống ngập, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1" có mục tiêu chủ động ứng phó ngập ở bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, quy mô 6 cống kiểm soát triều lớn, 43 cống nhỏ. Dự án đã hoàn thành trên 90%. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn thông tin thêm, dự án này đoạn qua Nhà Bè có 3 cống, gồm: Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và đoạn đê kè khoảng 2,7km, cần di dời giải tỏa khoảng 145 hộ. Huyện đã bàn giao đầy đủ 100% mặt bằng cho nhà đầu tư.
Liên quan đến đường Nguyễn Tất Thành nối các cảng biển đang ùn tắc, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết đường Nguyễn Tất Thành hiện chưa có dự án đầu tư. Nhưng các cảng biển đã có kế hoạch di dời về khu vực huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ. Khi các cảng biển chấm dứt hoạt động thì đường Nguyễn Tất Thành sẽ giảm được lưu lượng.
CHẶN “THỔI GIÁ” ĐẤT KHI CHUYỂN HUYỆN LÊN QUẬN HOẶC THÀNH PHỐ
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, rất nhiều công nhân, kể cả công chức viên chức đều có nhu cầu thuê nhà (chưa đủ tiền mua nhà) vì liên quan đến thu nhập. Vì vậy, TP.HCM sẽ tăng cường nhà lưu trú công nhân, nhà cho thuê để đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với thu nhập của người lao động. UBND TP.HCM cũng sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng, Quỹ phát triển nhà TP.HCM nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lãi vay một số đối tượng được vay để mua nhà, sửa nhà.
Thành phố cũng sẽ tháo gỡ vướng mắc thủ tục về đất đai, xây dựng, vì đang có hàng chục ngàn hộ dân vướng vấn đề này.
Về sửa đổi Luật đất đai, ông Mãi thông tin, tại hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua đã tổng kết nghị quyết về đất đai và có những chủ trương lớn. Trong đó, làm sao vừa quản lý tốt, vừa sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo được quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong sử dụng đất đai.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, UBND TP.HCM và các sở, ngành tiếp tục thực hiện tổng hợp ý kiến của các cá nhân, tập thể để tích cực tham gia góp ý cho quá trình sửa đổi Luật Đất đai.
Về thị trường bất động sản, ông Mãi cho biết, sắp tới sẽ có rà soát các quy định pháp luật, hoàn thiện pháp lý để thị trường này minh bạch, hiệu quả, quản lý được tốt hơn.
Tại TP.HCM, UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các quận, huyện. Các đơn vị của thành phố cần công khai kế hoạch sử dụng đất, tổ chức tuyên truyền vận động để mọi người biết thực hiện cho đúng và giám sát thực hiện kế hoạch này.
Đối với Đề án chuyển huyện lên quận hoặc thành phố, UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ phối hợp các đơn vị hoàn thành đề án này, dự kiến thông qua vào giữa năm 2022.
“Đề án này là định hướng tương lai phát triển của TP.HCM, chứ không phải ban hành rồi năm sau huyện sẽ lên quận hay lên thành phố ngay. Việc này phải có kế hoạch, lộ trình, có biện pháp, giải pháp cụ thể. Lãnh đạo các đơn vị quản lý đất đai trên địa bàn thành phố cần tránh trường hợp huyện chưa lên quận, chưa lên thành phố mà giá đất đã tăng nhiều lần. Sau này rất khó quy hoạch, khó thu hồi đất thực hiện các công trình công cộng”, ông Mãi nhấn mạnh.