Cổ phiếu blue-chips lại “tụt hơi”, thanh khoản thấp kỷ lục
Mức sụt giảm cực mạnh của chứng khoán thế giới đêm qua như thể “dội gáo nước lạnh” vào thị trường trong nước sáng nay. Dòng tiền co rút lại khiến cổ phiếu quay đầu giảm mạnh với mức thanh khoản thấp chưa từng thấy kể từ tháng 7/2021...
Mức sụt giảm cực mạnh của chứng khoán thế giới đêm qua như thể “dội gáo nước lạnh” vào thị trường trong nước sáng nay. Dòng tiền co rút lại khiến cổ phiếu quay đầu giảm mạnh với mức thanh khoản thấp chưa từng thấy kể từ tháng 7/2021.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng chỉ đạt 7.639 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch khó tưởng tượng, nhất là trong bối cảnh lực cầu bắt đáy vừa thể hiện sự hưng phấn hôm qua.
Với mức giao dịch quá nhỏ này, rất khó để xác định liệu thị trường có thật sự bị bán tháo hay không. Nhà đầu tư dĩ nhiên phải bán hạ giá thì mới khiến cổ phiếu giảm, nhưng khối lượng bán dù không lớn mà sức mua quá nhỏ thì vẫn có thể giảm giá sâu. Ví dụ VN30 sáng nay giảm tới 2% và chỉ có 2 mã tăng/28 mã giảm, nhưng giao dịch chỉ là 2.417 tỷ đồng. Nếu so sánh, hôm qua chỉ 10 cổ phiếu ngân hàng của rổ này đã giao dịch 2.774 tỷ đồng.
Dù sao việc giá giảm mạnh cũng thể hiện cung cầu mất cân đối ở vùng quanh tham chiếu. Nhóm blue-chips có tới 24 cổ phiếu đang giảm trên 1%, trong đó 17 mã giảm trên 2%. Vì vậy thanh khoản thấp chắc chắn là lực mua đã lùi xuống “phòng ngự” ở các mức rất thấp.
VN-Index bốc hơi 21,23 điểm trong sáng nay tương đương 1,58% hoàn toàn do nhóm cổ phiếu blue-chips gây ảnh hưởng. Top 10 cổ phiếu lớn nhất khiến VN-Index mất xấp xỉ 13 điểm, với VCB giảm 2,61%, VIC giảm 2,56%, GAS giảm 3,58%, MSN giảm 3,28% và VPB giảm 2,47% nổi bật. Duy nhất 2 mã tăng trong rổ VN30 là CTG tăng 1,27% và HPG tăng 0,24%.
Tất cả các chỉ số đại diện nhóm ngành trên HoSE đều giảm sáng nay, nhưng độ rộng vẫn duy trì được 164 mã tăng/258 mã giảm. Như vậy hiện chỉ có cổ phiếu riêng lẻ tăng. 11 mã kịch trần cũng không thể hiện tính nhóm ngành, như ITA tăng không đại diện hết cho nhóm bất động sản khu công nghiệp, BAF, HBC, ACL, AAM... cũng không mang tính đại diện. Cổ phiếu dầu khí cũng có nhiều mã tăng trên 2% nhưng cũng nhiều mã giảm sâu. Cổ phiếu ngân hàng ngoài CTG cũng có chục mã khác xanh, đều là các ngân hàng nhỏ. Nhóm cổ phiếu hóa chất cũng tăng tốt ở các cổ phiếu thanh khoản kém, nhưng DCM, DPM, DGC, BFC... đều giảm mạnh.
Do tổng thể sức mua trên thị trường quá kém nên lợi thế lại bất ngờ thuộc về những mã thanh khoản ít. Mặt khác các blue-chips khiến VN-Index mất quá nhiều điểm cũng khiến tâm lý kém ổn định. Đà phục hồi của thị trường đang manh nha thì lại gặp tác động xấu từ bên ngoài, mà cụ thể là chứng khoán thế giới biến động giảm rất mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng quay lại bán ròng khoảng 360,2 tỷ đồng trên HoSE. Tổng giá trị bán ra chỉ là 978,5 tỷ đồng, không có gì đặc biệt hơn các phiên khác nhưng trong bối cảnh tổng giao dịch thấp, mức bán này chiếm tới 13,3% tổng giao dịch của sàn. Rổ VN30 bị bán 491,3 tỷ đồng, cũng rất nhỏ và mức ròng chưa tới 73 tỷ, nhưng tổng mức bán này lại chiếm tới 20,3% giá trị rổ.
Nói cách khác, ảnh hưởng lớn nhất trong phiên sáng nay chính là lực cầu suy yếu. Sau phiên bắt đáy đẩy giá lên mạnh mẽ hôm qua, nhà đầu tư như thể tạm dừng lại quan sát. VN30 chỉ giao dịch 2.417 tỷ đồng là con số thấp kỷ lục. Rổ này mở đường cho điểm số bốc hơi mạnh.
Khi lực cầu co lại, lúc này thị trường sẽ do người bán điều khiển. Do vậy nếu thị trường không giảm thêm và thanh khoản không tăng lên đột biến thì có thể áp lực bán cũng đang chững lại. Đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường vẫn kiểm tra nhu cầu giải chấp đã thực sự hết hay chưa.