07:48 27/04/2022

Chứng khoán Mỹ “rực lửa” bán tháo, giá dầu hồi phục mạnh

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (26/4), khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu cho tới tận cuối phiên vì lo ngại kinh tế giảm tốc. Trái lại, giá dầu hồi phục sau phiên giảm sâu vào đầu tuần...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq giảm 3,95%, lập đáy mới của 52 tuần ở 12.490,74 điểm. Với phiên giảm này, Nasdaq lại rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), đang thấp hơn khoảng 23% so với đỉnh gần nhất.

Chỉ số Dow Jones mất 809,28 điểm, tương đương giảm 2,4%, còn 33.240,18 điểm. Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 2,8%, còn 4.175,2 điểm.

Trong tháng này, S&P 500 đã giảm 7,8%; Nasdaq mất 12,2%, và Dow Jones trượt 4,2%.

Dẫn đầu phiên giảm điểm này của chứng khoán Mỹ là cổ phiếu công nghệ. Nhà đầu tư không muốn chờ tới khi hai “ông lớn” Microsoft và Alphabet công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức. Họ lo sợ sẽ có thêm những báo cáo gây thất vọng như kết quả mà Netflix công bố vào tuần trước.

“Nhà đầu tư không có tâm lý ham thích rủi ro trước khi đón nhận kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ vốn hoá lớn”, nhà quản lý danh mục Dan Niles của Satori Fund phát biểu. “Tôi cho rằng tất cả các cổ phiếu này sẽ chứng kiến sự đi xuống của các con số trong thời gian tới”.

Cổ phiếu Microsoft và Alphabet cùng đóng cửa với mức giảm hơn 3% trước khi công bố báo cáo tài chính. Meta, Amazon và Apple cũng giảm trước khi các công ty này công bố kết quả kinh doanh quý 1 trong tuần này.

Cổ phiếu Netflix rớt gần 5,5%, chạm mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuần trước, Netflix “bốc hơi” 35% chỉ trong một phiên giao dịch sau khi công bố số thuê bao quý 1 bất ngờ giảm.

Diễn biến chỉ số Nasdaq của chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay.
Diễn biến chỉ số Nasdaq của chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay.

Sức mạnh của cổ phiếu Big Tech trong những năm gần đây “có vẻ đang tan rã khi các yếu tố nền tảng bắt đầu xấu đi nhiều cùng với sự giảm tốc của nền kinh tế”, chuyên gia Chris Senyek của Wolfe Research nhận định trong một báo cáo.

Đang xuất hiện nhiều mối lo về sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu. Nhà đầu tư lo lắng về làn sóng Covid ở Trung Quốc. Liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân là có thật. Ngoài ra, lạm phát cao ở Mỹ đang gây suy giảm nhu cầu nhiều hàng hoá.

“Các mối lo kinh tế đang xuất hiện nhiều. Trung Quốc là một khách hàng lớn của các công ty công nghệ Mỹ. Ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động nhiều ở Trung Quốc. Mà ở Mỹ, tăng trưởng cũng đang đối mặt nguy cơ giảm tốc”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định.

Tesla, hãng xe điện có một nhà máy ở Thượng Hải và xem Trung Quốc là một thị trường chủ chốt, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Nasdaq phiên này, đóng cửa với mức giảm 12,2%. Cổ phiếu Tesla cũng chịu thêm áp lực giảm khi CEO Elon Musk đạt thoả thuận mua lại mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD.

Cổ phiếu chip thuộc nhóm giảm mạnh nhất trong Nasdaq, như Nvidia giảm 5,6% hay AMD sụt 6,1%.

Các cổ phiếu chu kỳ có sự gắn bó chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế không nằm ngoài sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường phiên này. 3M, một thành viên của Dow Jones, sụt 3% dù kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, do công ty dự báo có những thách thức kinh tế vĩ mô và địa chính trị trong thời gian tới. UPS giảm gần 3,5% dù doanh thu và lợi nhuận quý 1 đều cao hơn dự báo.

Nhiều cổ phiếu công nghiệp lớn khác đồng loạt đi xuống. GE giảm 10,3% và Boeing mất 5% giá trị.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm khá mạnh, với lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm dưới 2,8%. Do đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng giảm theo, như Wells Fargo giảm 2,7% và Bank of America (BOA) mất gần 2,3%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,6%, chốt ở 104,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,2%, chốt ở 101,7 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu cùng giảm khoảng 4% trong phiên ngày thứ Hai, do áp lực từ tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất 2 năm và mối lo của nhà đầu tư rằng phong toả kéo dài ở Trung Quốc sẽ gây giảm tốc nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Dù hồi phục phiên này, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ các yếu tố nói trên.

Phong toả ở Thượng Hải, trung tâm tài chính ở Trung Quốc, đã kéo dài sang tuần thứ tư. Lệnh xét nghiệm trên diện rộng ở Bắc Kinh, bao gồm tại một quận trung tâm, đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc phong toả ở thành phố thủ đô này.

“Phong toả ở Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm 1 triệu thùng/ngày. Việc xét nghiệm cư dân 12 quận ở Bắc Kinh trong 5 ngày tới sẽ quyết định giá dầu đi về đâu”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

“Nỗi lo về nguồn cung không phải là mối bận tâm chính của các nhà giao dịch năng lượng vào lúc này. Sự tăng giá của đồng USD đang làm gia tăng sức ép lên tất cả các hàng hoá cơ bản”, ông Moya nói thêm.