"Trong bối cảnh hiện nay, một vấn đề quan trọng mà chúng ta cần chú ý đó là đào tạo lại nguồn nhân lực để thích nghi với tình hình mới, ứng phó với dịch Covid-19 và về lâu dài cần thay đổi cả phương thức làm việc khi có sự tham gia của công nghệ để có thể làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chiến lược quốc gia có sự gắn kết giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cũng như với các địa phương.
Chúng tôi đánh giá, Việt Nam đã có những ứng phó rất tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh, còn với các doanh nghiệp hiện nay họ cũng đang làm khá tốt về chuyển đổi số, thậm chí tôi nhận thấy điều này ngay cả trong lĩnh vực giáo dục cũng được áp dụng rất linh hoạt và phù hợp với từng điều kiện. Tôi cho rằng ứng dụng công nghệ chính là sự cải tiến quan trọng của mỗi doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Mặt khác, doanh nghiệp hiện nay không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp khác mà còn cần thêm các đối tác là chính quyền. Vấn đề này tôi nghĩ ở Việt Nam là một ví dụ rất điển hình cho sự hợp tác này, đây cũng là một yếu tố để thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều tập toàn giáo dục nước ngoài tìm đến Việt Nam để đầu tư vì tìm thấy những cơ hội kinh doanh mới. Ngay như bản thân chúng tôi cũng có hoạt động đầu tư vào một số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, với việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do khác nhau, Việt Nam nên tận dụng các cơ hội này để phát triển, bởi vì hiện nay Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ đó chất lượng, tiêu chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được nâng lên".
"Con người cần vaccine, doanh nghiệp cũng cần phải có vaccine. Vaccine cho doanh nghiệp, chúng tôi gọi là eCovax, phải tiêm nhiều mũi, mỗi mũi có tác dụng khác nhau, có thể giúp đỡ doanh nghiệp sống chung với Covid trong thời gian này. FPT Telecom cũng đang áp dụng phương pháp 5+1, ứng dụng công nghệ liên quan đến quy trình, môi trường, an ninh an toàn, công cụ và hạ tầng.
Tuy nhiên, quan trọng nhất, trước khi áp dụng bất kỳ điều gì, văn hóa doanh nghiệp sẽ quyết định. Văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ Covid như trong thời kỳ chiến tranh, cần đáp ứng một số yêu cầu.
Thứ nhất, chia sẻ mục tiêu. Doanh nghiệp phải chia sẻ chung một mục tiêu, từ chủ tịch đến người bảo vệ, từ tổng giám đốc đến người bán hàng, tất cả mọi người cần đoàn kết, chia sẻ và trở thành đồng đội. Một doanh nghiệp cần chia sẻ mục tiêu, đồng lòng đồng sức, từ trên xuống dưới, mới có cơ hội vượt qua đại dịch này.
Trong bối cảnh hiện nay, hơn 10% doanh nghiệp rời bỏ thị trường, một điều rất quan trọng, đó là sự lạc quan, được lan tỏa từ lãnh đạo đến từng nhân viên. Còn doanh nghiệp từ trên xuống chỉ có “boss” (ông chủ) độc tài, thì thường khó vượt qua đại dịch.
Thứ hai, tại thời điểm này, những doanh nghiệp nào chưa có ý định áp dụng công nghệ hoặc mới xem xét, thì phải làm ngay ngày hôm nay. Bởi không có công nghệ, dù quyết tâm đến đâu chăng nữa, doanh nghiệp sẽ không có cách nào vượt qua đại dịch tàn khốc. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ hay bất cứ điều gì, phải xuất phát từ con người, hướng đến con người, phục vụ cho người lao động".
"Công ty PNJ luôn xác định, chăm lo cho người lao động và gia đình họ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Chẳng hạn như giai đoạn khủng hoảng Covid-19, có thời điểm 85 – 90% cửa hàng của PNJ phải đóng cửa, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo 100% thu nhập cho người lao động, thậm chí doanh nghiệp đã tạm ứng 50% lương tháng 13 vì thấu hiểu đây là thời điểm người lao động cần tiền hơn bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh đó, về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động, chúng tôi đã thành lập nhóm ứng phó với dịch Covid-19, phương án này không chỉ giúp doanh nghiệp ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 xảy ra tại chỗ. Đặc biệt trong thời gian dịch căng thẳng tại Tp.HCM vừa qua, đội ứng phó này còn hỗ trợ cho gia đình của người lao động để không có bất kỳ nhân viên nào bị lúng túng nếu có người thân bị nhiễm bệnh.
Đối với các doanh nghiệp, có 3 nguồn vốn đó là: tài chính, con người và nguồn vốn từ xã hội, nhưng phần lớn chúng ta mới chỉ nhìn đến nguồn vốn về tài chính mà ít chú ý đến hai nguồn vốn còn lại. Từ thực tế, tôi nghĩ rằng sau những khủng hoảng của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cái nhìn trọn vẹn hơn về vấn đề nguồn nhân lực, bởi chính nguồn lực này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tại PNJ, chúng tôi đã xây dựng được một nền văn hóa lấy con người làm trọng tâm, tạo nên một tập thể gắn kết trên nền tảng giá trị của niềm tin. Với Công ty PNJ, văn hóa doanh nghiệp không nằm trên giấy mà những giá trị đó tồn tại trong từng người lao động. Khi giá trị văn hóa doanh nghiệp nằm trong từng con người thì sẽ gắn kết thành tổ chức vững mạnh và tạo thành nguồn vốn.
Bản thân PNJ đã từng trải qua những khủng hoảng “ngàn cân treo sợi tóc”, Công ty có thể bị mất đi, nhưng chính nhờ văn hóa doanh nghiệp mà chúng tôi đã vực dậy được công ty và vượt qua khủng hoảng. Thậm chí, sau những cú sốc đó doanh nghiệp còn lớn mạnh hơn, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Văn hóa doanh nghiệp cũng không phải những tuyên ngôn hay chương trình marketing, mà với chúng tôi đó là giá trị của tình yêu thương lan tỏa đến từng người lao động trong chính doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp phải được xây dựng từng bước, điều đó sẽ đem đến những giá trị bền vững".
"Tính đến ngày 31/8/2021, EVNGENCO3 là “ngôi nhà chung” của hơn 2.700 người lao động. Đáng chú ý, lực lượng lao động từ 30-49 tuổi, trong độ “tuổi vàng”, chiếm đến 75%. Đây là lứa tuổi năng động, chịu khó học hỏi và nghiên cứu, giúp Tổng công ty có lợi thế trong quản lý nguồn nhân lực. Nhưng điều này cũng đặt ra vấn đề cho người quản trị doanh nghiệp, người đứng đầu phải làm thế nào để thu hút và giữ chân người lao động và tạo động lực, tập trung nguồn lực để người lao động ở những độ tuổi này có thể sáng tạo, đầu tư nâng tầm về trí tuệ.
Lãnh đạo EVNGENCO3 đã quyết tâm chủ trương thực hiện xây dựng chính sách làm việc linh hoạt từ sớm, đem lại hiệu quả trong việc thu hút và giữ chân người tài. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung và EVNGENCO3 nói riêng, việc tiên phong áp dụng thí điểm chính sách làm việc linh hoạt đã phá vỡ định kiến về quản trị của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Xét về hiệu quả của chính sách làm việc linh hoạt, một mặt, đối với Tổng công ty sẽ giảm chi phí tuyển dụng, giữ chân nhân tài. Ngoài ra còn tăng sự gắn kết đội ngũ, cải thiện nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, về phía người lao động sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, không bắt buộc phải đến trụ sở làm việc. Đồng thời, chính sách làm việc linh hoạt còn tăng tính gắn kết khiến người lao động tiếp tục cống hiến, tăng mức độ hài lòng với công việc.
Như vậy, tăng năng suất lao động giúp người lao động chủ động về thời gian. Cuối cùng, người lao động có thể cân bằng cuộc sống và công việc, đặc biệt trong giai đoạn Covid, khi con cái họ chưa được đến trường, bố mẹ phải thu xếp thời gian để cân bằng, làm sao vừa đảm bảo vừa công việc lẫn cuộc sống gia đình.
Để có các giải pháp thực hiện chế độ làm việc linh hoạt, cần bốn điều quan trọng. Thứ nhất, tư duy quản lý. Các nhà quản lý phải quyết tâm làm, đưa chế độ cho người lao động, thu hút và giữ chân người tài. Thứ hai, lãnh đạo làm gương. Thứ ba, đầu tư kỹ năng làm việc linh hoạt. Người lao động chủ động quản lý thời gian, tự kỷ luật, tự tạo động lực, nuôi dưỡng tinh thần. Thứ tư, xây dựng quy trình quản trị thông qua ứng dụng công nghệ kết nối quản lý nhân viên như Office 365...".