06:00 13/10/2021

Đề nghị sửa luật viễn thông với 6 nhóm chính sách lớn

Đỗ Phong

Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các hạn chế, vướng mắc, bất cập, mở rộng không gian cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, thúc đẩy hạ tầng viễn thông sớm trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông (có hiệu lực từ ngày 1/7/2010) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển đất nước.

BỘC LỘ NHỮNG HẠN CHẾ, VƯỚNG MẮC

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay, thị trường dịch vụ viễn thông có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước năm 2009. Tính đến tháng 12/2020, tổng số thuê bao điện thoại di động phát sinh lưu lượng là 123,6 triệu thuê bao và tổng số thuê bao băng rộng di động phát sinh lưu lượng là gần 70 triệu thuê bao.

Đối với thị trường Internet, cả nước có 63 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Internet (trong đó VNPT 38,5%, FPT 15,58 %, Viettel 39,55%, SCTV 4,78%).

Đến nay, đã có hơn 1 triệu km cáp quang được triển khai đến tận thôn/bản/xã/phường của 63 tỉnh/thành phố. Sóng di động đã phủ tới 99,8% dân số, hình thành xa lộ kết nối với toàn thế giới. Cơ sở hạ tầng viễn thông được triển khai trải rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước…

 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ hạn chế cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.

Hạ tầng mạng lưới này đã góp phần đưa “dịch vụ số” vào các hoạt động đời sống kinh tế- xã hội và sẽ là nền tảng vững chắc cho “nền kinh tế số” trong tương lai thông qua việc đầu tư, nâng cấp mở rộng mạng 4G, triển khai 5G (trong thời gian tới) và mạng cáp quang phủ rộng khắp đến từng hộ gia đình để cung cấp các kết nối dung lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng cho IoT và cách mạng công nghiệp 4.0...

Tuy nhiên, trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng lấy ý kiến cũng đã chỉ rõ những hạn chế cần được điều chỉnh.

Cụ thể, hiện nay lĩnh vực viễn thông xuất hiện các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, yêu cầu hạ tầng viễn thông mở rộng thêm các cấu phần mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số dẫn đến việc cần mở rộng phạm vi quản lý của lĩnh vực viễn thông.

Các quy định về cạnh tranh hiện nay đã thể hiện một số bất cập. Việc quy định các nghĩa vụ tiền kiểm để điều chỉnh các hành vi cạnh tranh đặc thù trong lĩnh vực viễn thông nhằm tránh đổ vỡ thị trường, duy trì và phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh hiện nay là chưa đầy đủ. Do đó, cần xem xét quy định đối với thị trường liên quan đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng. Đồng thời, cần bổ sung quản lý hậu kiểm bởi xu thế phát triển viễn thông hiện nay có thể xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh mới.

Quá trình triển khai giấy phép, doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, chưa đầy đủ các nội dung cam kết, doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh cần xử lý, có chế tài đưa các doanh nghiệp ra khỏi thị trường. Việc quản lý hạ tầng kỹ thuật tại các tòa nhà, công trình viễn thông, dùng chung hạ tầng viễn thông chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, việc xuất hiện thêm các loại hình dịch vụ mới, mở rộng phạm vi quản lý của hoạt động viễn thông dẫn đến các quy định về bảo vệ quyền lợi người dùng cũng cần được bổ sung cho phù hợp, đặc biệt trên không gian mạng…

HẠ TẦNG VIỄN THÔNG SỚM TRỞ THÀNH HẠ TẦNG CỦA NỀN KINH TẾ SỐ

Xuất phát từ những hạn chế này, dự thảo đã đề nghị sửa đổi bổ sung tập trung 6 chính sách lớn. Dự thảo cũng bổ sung, mở rộng so với quy định hiện hành bao gồm hoạt động viễn thông và thêm trung tâm dữ liệu, kết nối IoT, định danh kết nối số...

Về chính sách quản lý và điều tiết thị trường, dự thảo đề xuất phương án bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động bán buôn và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường.

Cụ thể, cung cấp các dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn với giá cước, điều khoản và điều kiện công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mua lại dịch vụ. Thực hiện hạch toán riêng chi phí đối với các dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn, báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông mức giá chuyển giao nội bộ giữa bộ phận bán buôn và bán lẻ của chính doanh nghiệp. Xây dựng và cung cấp dịch vụ viễn thông với mức giá bán buôn cho các doanh nghiệp khác không được cao hơn mức giá bán lẻ của dịch vụ tương ứng do chính doanh nghiệp cung cấp.

 
Việc xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước để phát triển hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, thúc đẩy hạ tầng viễn thông sớm trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số...

Đặc biệt, theo dự thảo, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ bán lẻ quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ bán buôn cho các doanh nghiệp có nhu cầu; đồng thời không cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước bán buôn thấp hơn giá thành bán buôn.

Theo phân tích của cơ quan soạn thảo, chính sách đưa ra sẽ giúp thị trường viễn thông cả bán buôn và bán lẻ được quản lý thống nhất theo nguyên lý quản lý cạnh tranh; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp di động ảo (MVNO) sớm gia nhập thị trường và có điều kiện cung cấp đa dạng các dịch vụ mới, tăng hiệu quả đầu tư hạ tầng mạng nhà mạng…

Liên quan đến quản lý, thúc đẩy phát triển dịch vụ nội dung, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong cung cấp tài nguyên mạng cho CP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung). Bổ sung các quy định quản lý sử dụng tài nguyên mạng của các doanh nghiệp viễn thông trong hợp tác với CP. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong quản lý và điều tiết mối quan hệ giữa Telcos và CP; tạo điều kiện cho các CP phát triển; đa dạng hóa dịch vụ ứng dụng cung cấp cho người dùng…

Trong dự thảo cũng đề cập hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên hạ tầng viễn thông mới để giảm thiểu rủi ro. Theo đó, bổ sung một số quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp phá sản, giải thể, dừng hoạt động. Đặc biệt, trong môi trường số, thông tin riêng liên quan đến người sử dụng cần bảo vệ được mở rộng hơn, do đó cần bổ sung các nhóm thông tin riêng cần được bảo đảm bí mật, như: thông tin thời gian truy nhập Internet, địa chỉ website,….

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước để phát triển hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, thúc đẩy hạ tầng viễn thông sớm trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số... Điều này cũng sẽ giải quyết các vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thực thi Luật Viễn thông cũng như phù hợp với xu thế đổi mới do công nghệ thông tin và truyền thông phát triển…