Đấu thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ minh bạch, không thất thoát
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ
"Đấu thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ minh bạch, không thất thoát", đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều muộn 1/8.
Câu hỏi của phóng viên nêu vấn đề, trong việc sơ tuyển đấu thầu đường cao tốc Bắc - Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng có nhiều tiêu chí thầu quá cao khiến họ khó tham gia, điều này khiến những gói thầu dễ rơi vào nhà đầu tư nước ngoàii.
Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng đường bộ cao tốc Bắc – Nam là trục xương sống quốc gia thì ngoài những vấn đề về giao thông thì cần lưu ý về vấn đề an ninh quốc phòng. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi nêu trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói, về tiêu chí để sơ tuyển và đấu thầu đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ đã tổng hợp trình, báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội sau đó đã xác định những đoạn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 với chiều dài 654 km với 8 dự án được phân chia.
Trong quá trình xem xét phân chia dự án, Bộ đã đưa ra các tiêu chí, đánh giá thật kỹ. Đối với dự án phải xác định xây dựng và sẽ thu phí theo hướng đối tác công tư. Như vậy cần phải xem xét đến tính hiệu quả của dự án, phải có kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu hoặc vòng kết nối với Quốc lộ 1,…
Theo Thứ trưởng, tùy điều kiện địa hình và hệ thống đường đã có cũng như trung tâm kinh tế, chính trị dọc các tuyến để xác định các điểm đầu, điểm cuối của các dự án này. Với những tiêu chí đó, Bộ đã xác định các dự án có thể để bảo đảm vừa hiệu quả cũng như bảo đảm tính kết nối, thu phí hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Theo quy định của pháp luật, với tổng mức đầu tư bao nhiêu thì quy định mức vốn của chủ sở hữu phải là bao nhiêu trong trường hợp đối tác công tư tại Nghị định 63 của Chính phủ đã được ban hành. Ở đây trong trường hợp cụ thể là áp dụng mức 20% của tổng mức đầu tư đối với vốn, là điều kiện để tham gia. Cái này đã được xem xét trong quá trình thông qua của Quốc hội và thực hiện dự án thầu. Đặc biệt quan trọng hơn là phù hợp với quy định trong Nghị định, ông Đông giải thích.
Vẫn theo Thứ trưởng, tiêu chí được xác định trong phân đoạn của các dự án bảo đảm tính khả thi trong việc thu hút đầu tư, thu hồi vốn; xác định trên mức của dự án và xác định quyền mức tỷ lệ của vốn điều lệ tham gia, còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và từ vốn huy động khác.
Ông Đông cũng nêu rõ, liên quan đến đấu thầu của dự án này, trước hết áp dụng theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đấu thầu là phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu có quy định trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì các cấp thẩm quyền sẽ phê duyệt.
"Chúng ta đang trong giai đoạn sơ tuyển, đánh giá sơ tuyển theo hình thức đấu thầu, trước khi chính thức lựa chọn nhà thầu", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp thẩm quyền liên quan đến vấn đề đấu thầu để bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của các cấp thẩm quyền, đặc biệt theo Nghị quyết 52 của Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề nói trên, phát biểu kết thúc họp báo, ông Mai Tiến Dũng nói, đây là vấn đề rất quan trọng. Hồ sơ mời thầu có cả của doanh nghiệp trong nước và quốc tế và quan điểm chỉ đạo là việc đấu thầu sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, không thất thoát, lựa chọn nhà thầu có năng lực.