13:56 12/04/2022

Đề xuất loạt chính sách ưu đãi hút vốn tư nhân đầu tư hệ thống cảng

Anh Tú

Hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất như miễn hoàn toàn tiền thuê mặt nước, miễn tiền thuê đất trong 15 năm, miễn thuế nhập khẩu thiết bị xếp dỡ...

Một góc cảng Khuyến Lương đặt tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Một góc cảng Khuyến Lương đặt tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại  Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021.

Đáng lưu ý, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất nghiên cứu hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng, kết cấu hạ tầng đường thủy theo quy hoạch.

Các dự án xây dựng cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy được đưa vào danh mục ưu tiên bố trí đất và mặt nước.

Bên cạnh đó, miễn thuế nhập khẩu các loại thiết bị xếp dỡ hàng hóa container, hàng rời, hàng chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được để nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa của các cảng thủy.

 
Cụ thể, Cục Đường thủy đề xuất miễn tiền thuê mặt nước toàn bộ thời hạn thuê, miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu kể từ ngày nhà nước cho thuê đất. Đồng thời, giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đề xuất miễn phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.

Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo học nghề điều khiển phương tiện thủy, sửa chữa, khai thác máy tàu thủy hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.

Đặc biệt, ưu tiên bố trí tăng vốn sự nghiệp cho công tác bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia giai đoạn 2022-2026 theo hướng năm sau tăng thêm 1,3 lần so với năm trước, nhằm duy trì kết cấu hạ tầng và giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy.

Nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế bố trí hàng năm được sử dụng để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin dùng chung phục vụ công tác quản lý lĩnh vực đường thủy như hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin; quản lý hạ tầng đường thủy, phương tiện, thuyền viên, vận tải…

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, Cục Đường thủy nội địa VN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn ngân sách nhà nước và ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách huy động vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoàn thiện chính sách ưu đãi về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển để xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy.

UBND các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy. Đồng thời, chủ động huy động nguồn lực của địa phương và đề xuất các cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

 

Nhu cầu vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa giai đoạn 2021-2030 khoảng 157.533 tỷ đồng, không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng.

Bên cạnh đó, còn các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hút vốn từ tư nhân để đầu tư 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách và phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa, với tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, được phân bố cân đối ở khu vực Bắc - Trung - Nam.