12:59 08/04/2022

Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030: Dự án hạ tầng giao thông nào được ưu tiên?

Anh Tú

Hướng tới mục tiêu năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp cho tỉnh sớm được ban hành, trong đó, hạ tầng giao thông sẽ được chú trọng nâng cấp...

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 97 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tháng 3 vừa qua.

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có mạng lưới giao thông khá thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, là nơi hội tụ “phía Bắc đi vào, phía Nam đi ra, Tây Nguyên đi xuống”. Đồng thời, có các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế Cam Ranh, là cửa ngõ giao thương cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên...

Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa tạo cho Khánh Hòa tiềm năng rất lớn để phát triển toàn diện nhằm đạt được mục tiêu tới năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao” theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa có sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

SỚM BỔ SUNG 7.200 TỶ ĐỒNG CÒN THIẾU ĐỂ XÂY CAO TỐC KHÁNH HOÀ - BUÔN MA THUỘT

Đề khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Khánh Hoà phải thực hiện thời gian tới là hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.

 

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117,5 km đi qua 2 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk có tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cơ bản theo nguyên tắc: các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn và giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai địa phương, gồm Khánh Hòa và Đắk Lắk khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực để đảm bảo hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với số vốn còn thiếu để hoàn thành dự án, khoảng 7.200 tỷ đồng, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh để cân đối, bố trí 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ để cân đối, bố trí bổ sung cho dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung từ các nguồn khác hoặc điều chỉnh từ các dự án chậm triển khai, nguồn dự phòng...

Theo quy hoạch, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 117,5 km. Trong đó, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km.

Toàn tuyến dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm, gồm: hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100 m, hầm Ea Trang khoảng 700 m và hầm Chư Te khoảng 700 m. 

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ công tác quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kiên quyết thực hiện việc cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa thật sự cần thiết, hiệu quả thấp để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm.

Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm công trình nào dứt điểm công trình đó, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải, chia cắt.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐƯA KHU KINH TẾ VÂN PHONG THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN, CAM LÂM THÀNH ĐÔ THỊ SÂN BAY HIỆN ĐẠI

Về sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo phân công tại Nghị quyết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và các cơ quan của Quốc hội, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Trong đó, tập trung vào cơ chế, chính sách tạo cơ hội phát triển đột phá để “Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ; Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hoà sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo" theo đúng tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thủ tướng cũng lưu ý, đối với Khu kinh tế Vân Phong, cần xác định rõ các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh về kinh tế, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư đề triển khai ngay định hướng của Bộ Chính trị, đưa huyện Vạn Ninh trở thành “đô thị du lịch biển cao cấp” và cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách của nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp, để khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và các hạ tầng xã hội thiết yếu trong Khu kinh tế Vân Phong.

 

Để thực hiện định hướng “đưa huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, trình cấp có thẩm quyền theo thủ tục rút gọn về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng và một số cơ chế, chính sách tương đồng với cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu kinh tế Vân Phong.

Từ đó, thu hút chuyên gia, nhà khoa học, công ty công nghệ tới làm việc, nghiên cứu, đầu tư và quy hoạch theo hướng hình thành Trung tâm khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế tại huyện Cam Lâm để thu hút nguồn lực chất lượng cao.

Về chủ trương xây dựng 01 cảng hàng không chuyên dụng ở khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong và đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 03 Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Thủ tướng thống nhất chủ trương nghiên cứu quy hoạch đường cất hạ cánh số 03 cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Khánh Hòa theo định hướng của Nghị quyết số 09.

Tuy nhiên, "việc đầu tư cần xem xét, nghiên cứu vào thời điểm thích hợp. Trước mắt, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng để kết nối đồng bộ, khai thác hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh theo công suất thiết kế", Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, đồng ý chủ trương cho nghiên cứu xây dựng sân bay phục vụ charter thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, gắn với phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và “huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp” theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/T W của Bộ Chính trị, Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành.

PHÂN CẤP CHO KHÁNH HOÀ LÀM CHỦ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM

Về phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Khánh Hòa được chỉ định thầu các nhà thầu trong danh sách các nhà thầu được chỉ định thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đồng ý chủ trương phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngoại trừ đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội giao Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

UBND tỉnh Khánh Hòa xác định rõ các dự án đề xuất phân cấp theo nguồn vốn và loại dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phân cấp theo quy định.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng các dự án giao thông trên địa bàn đảm bảo đúng quy định và việc chỉ định thầu đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Về chủ trương đầu tư dự án đường ven biển từ Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa, Thủ tướng nhấn mạnh, việc sớm thực hiện dự án đường ven biển nhằm kết nối giao thông với các tỉnh Nam Trung bộ, góp phần hình thành mạng lưới giao thông ven biển, đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như hình thành hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa cũng như Khu kinh tế Vân Phong, gắn với củng cố thế trận khu vực phòng thủ, đặc biệt là vùng biển và ven biển là cần thiết.

Cần tính toán, phân kỳ đầu tư hợp lý, rà soát, điều chỉnh vốn từ các dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh để bố trí vốn thực hiện...