14:00 28/10/2022

Dệt may vẫn kỳ vọng cán đích mục tiêu xuất khẩu 43-44 tỷ USD trong năm 2022

Vũ Khuê

Dù thị trường dệt may được dự báo sẽ trầm lắng hết quý 4 và kéo dài sang năm 2023, nhưng chúng ta vẫn kỳ vọng ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43-44 tỷ USD trong cả năm 2022...

Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt kết quả khả quan khi kim ngạch đạt trên 35 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt 3,7-3,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu “quay xe” giảm nhanh chóng khi nửa đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm nay.

Quý 4 năm 2022, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, ngành may sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng Đông, chuẩn bị hàng Xuân.

Hầu hết các doanh nghiệp may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…

Dự kiến 3 tháng cuối năm 2022 bình quân chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1-3,2 tỷ USD/tháng do lo ngại lạm phát, tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường lớn.

Thị trường dệt may được dự báo sẽ trầm lắng hết quý 4 và kéo dài sang năm 2023. Dù vậy, chúng ta vẫn kỳ vọng ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43-44 tỷ USD trong cả năm.

Để ứng phó với những thách thức, giữ vững lực lượng lao động, cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền, sẵn sàng chủ động ngay khi thị trường có tín hiệu khởi sắc… các doanh nghiệp dệt may cần làm gì?

Phóng viên VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), để làm rõ hơn bức tranh xuất khẩu dệt may trong những tháng cuối năm, cũng như giải pháp để xuất khẩu bền vững trước biến động của thị trường toàn cầu.