08:36 24/12/2022

Đi tìm Hoàng cung đã mất với trải nghiệm thực tế ảo XR

Tường Bách

Với trọng trách quản lý, bảo tồn, phát triển kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác định việc ứng dụng công nghệ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới…

Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Có thể nói, bảo tồn di sản bằng công nghệ số là khối lượng công việc đồ sộ bởi hiện nay cả nước có hơn 4.000 di tích được xếp hạng Quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian.

Mặc dù đang khởi động nhưng việc áp dụng công nghệ cũng đã thu được một số kết quả. Có thể kể đến việc Viện Bảo tồn di tích đã thực hiện việc số hóa di tích, trong đó tập trung vào việc số hóa các dữ liệu liên quan tới di tích và công tác bảo tồn di tích, số hóa 2D và 3D đối với một số di tích tiêu biểu. Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã được công bố trên website Ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích, với dữ liệu của 4000 di tích, thu hút đông đảo số lượng người tham gia truy cập…

Với riêng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage... cũng đã và đang được triển khai ứng dụng một cách toàn diện.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần IV COM giới thiệu thêm dịch vụ mới: trải nghiệm thực tế ảo XR được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Đối với hệ thống thực tế ảo XR, du khách có thể trải nghiệm việc nhận biết các vật thể ảo tại những vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế thông qua kính đeo và âm thanh được nghe tại địa điểm tham quan, hứa hẹn sẽ tăng sự trải nghiệm mới đối với du khách khi đến với di sản Huế.

Trải nghiệm thực tế ảo XR giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt.
Trải nghiệm thực tế ảo XR giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt.

Theo đó, dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR là hình thức thực tế ảo mở rộng, dùng kính Nreal Glass (XR) giúp du khách nhận biết các vật thể tại các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế được tạo nên dựa trên nền tảng máy chủ ảo cá nhân (VPS). Nhờ đó, khi đến với Đại Nội Huế, chỉ cần đến 1 điểm, du khách vẫn có thể tham quan nhiều di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế như các đền đài, lăng tẩm, các cung vua phủ chúa... triều Nguyễn, thậm chí là cả một số công trình đã không còn nguyên vẹn. Ngoài ra, khi đến với không gian này, du khách sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn phong phú khác để khám phá thêm hoàng cung Huế ở nhiều góc độ khác nhau cũng như các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn.

Với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, Khu di sản Hoàng cung Huế là đơn vị thứ 3 trên thế giới được thử nghiệm công nghệ hiện đại này. Trải nghiệm thực tế ảo XR giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt, tự do đi lại trải nghiệm khắp Hoàng cung thông qua không gian ảo máy chạy bộ tại chỗ (Treadmills) và trải nghiệm các loại hình du lịch văn hóa giữa hiện đại và quá khứ ngay trong cung điện (các hình thức trải nghiệm xưa ở trong Hoàng thất, nghi thức liên quan đến âm nhạc, ca múa cung đình…).

Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống vé điện tử là một trong những dự án trọng điểm thuộc Đề án chuyển đổi số và là dự án đảm bảo cho hạ tầng hệ thống thông tin, dữ liệu và đa dịch vụ tích hợp trên nền tảng số của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Hệ thống vé điện tử giúp cho du khách, người dân chuyển đổi hình thức mua vé một cách thuận tiện và thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó cải tiến quy trình nghiệp vụ cải thiện tốc độ và chất lượng phục vụ du khách trong nghiệp vụ bán vé truyền thống.

Cho đến nay, 100% vé tham quan tại 4 điểm: Đại nội, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng và lăng Khải Định đã được thực hiện qua hệ thống vé điện tử và quét mã QR khi vào cổng kiểm soát. Trong thời gian tới, hệ thống vé điện tử sẽ tiếp tục được đầu tư và đưa vào sử dụng tại 6 điểm bán vé mới trong quần thể di tích cố đô Huế.

100% vé tham quan tại 4 điểm: Đại nội, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng và lăng Khải Định đã được thực hiện qua hệ thống vé điện tử.
100% vé tham quan tại 4 điểm: Đại nội, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng và lăng Khải Định đã được thực hiện qua hệ thống vé điện tử.

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng giới thiệu dịch vụ Ki-ốt chụp ảnh (AR Photo Kiosk): Máy được đặt trong Trung tâm VR và được chụp theo hình thức chụp AR, đây là một loại hình dịch vụ chụp hình lấy phông nền là Hoàng thành Huế, kết hợp với các nhân vật lịch sử hoặc có thể chèn các hiệu ứng, biểu tượng cảm xúc, sau đó in ra ảnh hoặc các tấm thẻ.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, với việc khai trương hệ thống vé điện tử giúp cho du khách, người dân tăng sự trải nghiệm thú vị, thuận lợi trong việc mua vé tham quan không dùng tiền mặt, đồng thời cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải thiện tốc độ và chất lượng phục vụ du khách. Đồng thời, việc phân tích, tổng hợp dữ liệu từ hệ thống vé điện tử sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hài lòng cũng như dự báo thị trường khách đến tham quan và góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.