09:29 13/12/2022

Tạo bước chuyển cho năm 2023: Đẩy mạnh số hóa du lịch

Tường Bách

Nếu năm 2022 là năm ngành du lịch thế giới trở lại và tìm cách hồi phục như khi chưa có đại dịch Covid- 19, thì năm 2023 sẽ là năm của sự đổi mới sáng tạo. Những tiện ích trong chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như các doanh nghiệp lữ hành...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giữa bối cảnh toàn cầu đang biến động mạnh bởi xung đột, lạm phát cao và những lo ngại cấp bách về biến đổi khí hậu tiếp tục thay đổi thế giới, người tiêu dùng trên toàn thế giới dường như “giằng co” giữa việc dành ngân sách cho những gì được coi là thiết yếu với mong muốn được đi du lịch. Nghiên cứu mới về xu hướng du lịch năm 2023 cho thấy, 72% người dân vẫn có nhu cầu đi du lịch nhưng nhu cầu đang thay đổi đáng kể.

DU LỊCH KHÔNG GIỚI HẠN

Nghiên cứu mới đây của trang Booking.com cho thấy, hơn 40% du khách trên thế giới sẽ chuyển sang hình thức thực tế ảo cho kỳ nghỉ của mình vào năm 2023.  Năm tới, 35% du khách tham gia khảo sát cho biết họ sẽ bắt tay vào trải nghiệm du lịch nhiều ngày theo mô hình thực tế ảo, thực tế tăng cường hoặc du lịch online.

Từ đó, du khách sẽ mạo hiểm hơn trong các lựa chọn du lịch của họ trong đời thực. Bởi sau khi trải nghiệm online, nhiều khả năng khách du lịch sẽ quyết định đi trải nghiệm thực tế tại các điểm đến mà trước đây họ chưa từng cân nhắc. Cũng theo kết quả nghiên cứu, 60% người tham gia khảo sát cho rằng trải nghiệm ảo không đủ thỏa mãn để họ “gạch tên” một điểm đến khỏi danh sách muốn đi, trái lại càng thôi thúc họ lên đường.

Bên cạnh đó, sau hai năm dịch Covid-19, mảng du lịch trực tuyến (bao gồm việc tiếp thị, bán các dịch vụ du lịch qua mạng) thiệt hại nặng nề. Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company mới công bố cho biết, quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam từ 5 tỷ USD năm 2019 giảm xuống còn 1 tỷ USD vào 2021. Đến năm 2022, thị trường đã phục hồi nhưng vẫn chỉ ở mức 2 tỷ USD,  chỉ đứng trên Philippines trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Dù vậy, thị trường này được đánh giá sẽ tăng trưởng lại với tốc độ 39% mỗi năm và đạt giá trị 6 tỷ USD vào 2025.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ  mà những doanh nghiệp còn trụ vững qua mùa dịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vận chuyển... có thể “khai phá” để tìm cơ hội tăng doanh thu. Chiến lược phổ biến hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và tăng trải nghiệm số.

“Đây là một xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết, nhằm hỗ trợ du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới", ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM, nhận định. Nhìn rộng ra, theo ông Liêm, do tính cạnh tranh ngày càng cao giữa các quốc gia trong lĩnh vực du lịch nên việc nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng dịch vụ thuận tiện bằng áp dụng nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến.

Chiến lược phổ biến hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và tăng trải nghiệm số.
Chiến lược phổ biến hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và tăng trải nghiệm số.

Với mục tiêu số hóa các điểm đến, du lịch Đà Nẵng tới đây sẽ tập trung nâng cấp công nghệ thực tế ảo VR360 các điểm tham quan; gia tăng tiện ích dành cho du khách trên nền tảng du lịch thương mại điện tử. Từ tháng 9/2022, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã giới thiệu phiên bản nâng cấp "Một chạm đến Đà Nẵng" trên công nghệ VR360 và vũ trụ ảo với độ chính xác như ngoài đời thực, tiếp cận khách hàng trên toàn cầu, không giới hạn số lượng, thời gian và tối ưu ngân sách.

Tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại cũng đã có 27 điểm đến trên địa bàn thành phố triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Các điểm đến như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long… hiện nay đều đã áp dụng hệ thống QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý du khách… Qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị hoặc ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… để gia tăng lượng khách du lịch ảo.

Tương tự, tại Quảng Ninh, để tạo thuận tiện cho du khách, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu hiện đang triển khai thí điểm “Phố thông minh không dùng tiền mặt” trong Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Mô hình không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực du lịch, mà còn giúp tối ưu hóa dịch vụ, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tạo bước chuyển cho năm 2023: Đẩy mạnh số hóa du lịch - Ảnh 1