18:53 05/08/2024

Điều kiện thuê lại lao động là người nước ngoài

Nhật Dương

Quy định pháp luật hiện hành về cho thuê lại lao động không phân biệt người lao động thuê lại là người Việt Nam, hay người nước ngoài...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về quy định cho thuê lại lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động. 

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Đủ 18 tuổi và có hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc, và có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(iii) Không phải người trong thời gian chấp hành án phạt, hoặc chưa được xóa án tích, hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iv) Có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật Lao động. 

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng quy định, người lao động thuê lại là người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được doanh nghiệp cho thuê lại tuyển dụng, và giao kết hợp đồng lao động, sau đó chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của bên thuê lại lao động. 

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Sau đó, chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác, mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động. Như vậy, doanh nghiệp cho thuê lại phải đáp ứng các điều kiện về cho thuê lại lao động.

Pháp luật lao động hiện hành cũng quy định, doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động, và đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Trường hợp lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động làm việc tại một công ty, nhưng làm việc không đúng địa điểm ghi trong giấy phép lao động đã được cấp, thì giấy phép lao động đã được cấp hết hiệu lực.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dựa vào các căn cứ nêu trên, quy định pháp luật về cho thuê lại lao động không phân biệt người lao động thuê lại là người Việt Nam, hay người nước ngoài.

Song khi tuyển dụng, sử dụng, cho thuê lại lao động là người nước ngoài, thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải tuân thủ đúng các quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Các nội dung này được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy tính đến tháng 7 năm 2024, cả nước có 154.268 lao động nước ngoài đang làm việc.

Trước đó, hồi cuối tháng 6 năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động cho thuê lại lao động.

Qua nắm tình hình, toàn quốc có 41/63 địa phương đã cấp phép cho 531 doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.

Nhìn chung, các quy định của pháp luật lao động về cho thuê lại lao động được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện, bước đầu đã giải quyết được nhu cầu thực tế về sử dụng lao động cho thuê lại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định chưa được doanh nghiệp thực hiện. Đơn cử như: Cho thuê lại lao động nhưng không có giấy phép hoạt động; cho thuê lại lao động không thuộc ngành, nghề được phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Hợp đồng cho thuê lại lao động chưa đầy đủ nội dung chủ yếu, đặc biệt là những nội dung quan trọng đảm bảo ràng buộc nghĩa vụ của hai bên đối với quyền lợi của người lao động thuê lại, các biện pháp giải quyết tranh chấp xảy ra, khi một trong hai bên, hoặc cả hai bên vi phạm hợp đồng đã ký...

Do đó, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai rà soát hoạt động cho thuê lại lao động, để bổ sung vào kế hoạch thanh tra nửa cuối năm 2024, hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2025 đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động, và doanh nghiệp thuê lại lao động.

 

Điều 154 về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động, quy định tại Bộ luật Lao động 2019, gồm: 

  1. Là chủ sở hữu, hoặc thành viên góp vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
  2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, hoặc thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
  3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án, hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
  4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
  5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
  6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
  7. Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  8. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam, và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
  9. Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.