Lao động nước ngoài tại Hà Nội chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý
Trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho gần 11.200 lượt tổ chức, doanh nghiệp. Phần lớn là lao động chất lượng cao, tập trung vào vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, và lao động kỹ thuật...
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cho 11.195 lượt tổ chức, doanh nghiệp, với 14.024 vị trí công việc dự kiến tuyển dụng.
Trong đó, có gần 4.200 vị trí công việc nhà quản lý; 190 vị trí giám đốc điều hành; trên 8.000 vị trí chuyên gia; 1.561 vị trí lao động kỹ thuật.
Số lượt nhà thầu đề nghị chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài là 88 lượt đơn vị (trong đó có 13 vị trí nhà quản lý; giám đốc điều hành là 3 vị trí; chuyên gia là 85 vị trí; lao động kỹ thuật là 3 vị trí). Số lượt tổ chức, văn phòng đại diện là 544 lượt, với 248 vị trí công việc.
Trong năm qua, Sở cũng cấp mới 8.747 giấy phép lao động cho lao động nước ngoài; cấp lại 1.234 giấy phép lao động và gia hạn 2.749 giấy phép. Bên cạnh đó, có 510 trường hợp xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng số lượng người lao động nước ngoài nhiều thuộc các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, xây dựng, sản xuất cơ khí, sản xuất điện tử, dịch vụ.
Trong năm qua, Sở cũng đã ban hành các quyết định kiểm tra, và tổ chức đoàn kiểm tra một số doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng người lao động nước ngoài tại đơn vi, doanh nghiệp có sử dụng lao động lao động nước ngoài.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp cơ bản đã thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội với các trường hợp làm việc từ 1 năm trở lên theo quy định.
Nhìn chung, đội ngũ chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao vào làm việc tại Hà Nội, đã đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Sở đã dừng cấp phép theo Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid- 19.
Theo đó, các điều kiện cấp phép đã thực hiện theo đúng quy định của nghị định 152/2020/NĐ-CP. Ngày 18/9/2023, Nghị định 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành. Công tác cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn cũng còn một số khó khăn.
Đơn cử, đối với thủ tục xác nhận người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động cũng có các trường hợp thay đổi họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu...như thủ tục cấp giấy phép lao động. Sở đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể nội dung này để thực hiện thống nhất.
Ngoài ra, tại điểm đ khoản 5 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP quy định: Đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp giấy phép lao động, và đã được gia hạn một lần, mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc, và chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động, thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8 Điều này, và bản sao giấy phép lao động đã được cấp”.
Như vậy, theo quy định trên chỉ cần cung cấp bản sao giấy phép lao động đã được cấp, nhưng không nói rõ giấy phép lao động đó phải còn hiệu lực.
Nếu trường hợp doanh nghiệp nộp giấy phép lao động đã hết hiệu lực thì có được hay không? Và nếu giấy phép lao động đã hết hiệu lực thì có cần cung cấp lý lịch tư pháp để kiểm tra người lao động nước ngoài có án tích hay không…
Trước vướng mắc của các địa phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động nước ngoài.
Tính hết năm 2023, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khoảng gần 136.800 người.
Trong đó có hơn 10.000 lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động, gần 126.000 lao động thuộc diện cấp giấy phép lao động (bao gồm 91.974 lao động được cấp mới, 15.875 lao động được gia hạn, trên 10.000 lao động được cấp lại, và hơn 8.000 lao động đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép lao động).