16:47 11/11/2024

Doanh nghiệp sản xuất "đỏ mắt" tìm lao động

Nhật Dương

Nguồn cung khan hiếm, nên dù tận dụng tất cả các kênh tìm kiếm vẫn không tuyển đủ lao động, đặc biệt là lao động phổ thông dường như là tình trạng khá phổ biến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ờ thời điểm này…

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gia tăng tuyển dụng lao động cuối năm. Ảnh minh họa: Internet.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gia tăng tuyển dụng lao động cuối năm. Ảnh minh họa: Internet.

Thời điểm cuối năm, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bước vào mùa cao điểm, cùng với đơn hàng gia tăng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đang ráo riết tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông.  

LÀM NHIỀU CÁCH VẪN KHÔNG TUYỂN ĐỦ LAO ĐỘNG

“Rất khó khăn”, là chia sẻ của ông Phạm Văn Chiên, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Minh Quang (Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội ) khi nói về việc tuyển dụng lao động phổ thông trong thời gian này.

Ông Chiên cho biết hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 50 nhân sự, trong đó 70% là lao động phổ thông. Mức thu nhập từ 7 -10 triệu đồng. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định của pháp luật, công ty có thưởng hằng quý (mỗi năm thưởng 4 quý) và thưởng Tết.

Không có yêu cầu quá cao, lao động phổ thông nếu chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo, song theo ông Chiên không có nhiều ứng viên để công ty lựa chọn.

“Việc khó tuyển lao động, đặc biệt lao động phổ thông là điệp khúc của các doanh nghiệp sản xuất vào mỗi dịp cuối năm. Người lao động hiện cũng có rất nhiều lựa chọn. Họ có thể xem xét cơ hội việc làm ở các nhà máy trong cùng địa bàn khu công nghiệp, hoặc ở các khu công nghiệp lân cận”, ông Chiên nói.

Hơn nữa, trong cùng một địa bàn, người lao động có thể so sánh về mức độ áp lực, thu nhập của mỗi công ty. Đôi khi chỉ một chút chênh lệch cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định nhảy việc hay ở lại của họ. Chính vì điều này, nguồn lao động của doanh nghiệp sẽ bị xáo trộn.

Theo vị giám đốc sản xuất, thực tế so với các thời điểm khác trong năm, nhu cầu tuyển dụng thường niên vào mỗi dịp cuối năm luôn tăng cao hơn do có thêm các đơn hàng mới. Năm nay, các chỉ số này tăng khoảng 5 – 10%. Ngoài ra, việc thiếu hụt lao động cũng do một số “nhảy việc”, do đó, công ty sẽ phải bổ sung nguồn lực để đáp ứng cho các kế hoạch sản xuất và kinh doanh.

Khó khăn trong tuyển dụng, công ty của ông Chiên phải tìm cách kết nối tới rất nhiều kênh khác nhau, từ đến các phiên giao dịch việc làm; liên hệ với các trường trung cấp, cao đẳng nghề; thông qua mạng xã hội, hay các đơn vị cung ứng nhân lực có trả phí, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn không tuyển được.

“Với các đơn vị cung ứng nhân lực có trả phí, công ty sẽ đưa ra yêu cầu với nhóm lao động cần để họ tìm nguồn cung. Đây là kênh chúng tôi đã kết nối rất hiệu quả nhưng ở giai đoạn này chính họ cũng bó tay và không có đủ lao động để giới thiệu cho công ty”, ông Chiên bộc bạch.

Nhu cầu tuyển dụng cuối năm của nhiều doanh nghiệp tăng cao. Ảnh: N.Dương.
Nhu cầu tuyển dụng cuối năm của nhiều doanh nghiệp tăng cao. Ảnh: N.Dương.

Ở doanh nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân, đại diện nhân sự Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, Hà Nội) cho biết công ty đang cần tuyển 200 nhân sự, phần lớn là lao động phổ thông, chỉ 20 – 30% yêu cầu có bằng cấp kỹ năng liên quan đến các chuyên ngành khác.

Mức lương cơ bản hiện khoảng 5,56 triệu đồng, song thu nhập cho người lao động phổ thông có thể đạt từ 7 – 11 triệu đồng, bao gồm các loại phụ cấp và tăng ca. Ngoài ra, công ty có ký túc xá, xe đưa đón cho lao dộng ở các tỉnh lân cận…

Theo quan sát, bà Xuân đánh giá thời điểm này các đơn vị sản xuất đều gặp khó khi cần tuyển lao động. Bởi cuối năm, phần lớn người lao động đã ổn định công việc, tình trạng “nhảy việc” không nhiều. Trong khi, các đơn hàng doanh nghiệp thường gia tăng hơn vào dịp này. Một số đơn vị cũng ký kết được đơn hàng mới có thể đảm bảo được việc làm cho cả giai đoạn sau Tết đến nửa đầu năm sau, vì thế nhu cầu tuyển dụng tăng cao.

“So với thới điểm đầu hoặc giữa năm khi nhịp sản xuất thường ổn định thì nhu cầu tuyển dụng hiện tại của công ty tăng thêm từ 30 – 40%, từ 15 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái”, bà Xuân cho hay.

Để có lao động, công ty cũng đa dạng kênh tuyển dụng, từ liên hệ đến các trường cao đẳng, trường nghề, thậm chí qua kênh thông tin của xã, phường nơi nhà máy đóng, người lao động tại địa phương nếu có nhu cầu và cảm thấy phù hợp sẽ ứng tuyển.

NHU CẦU TUYỂN DỤNG TIẾP TỤC TĂNG, KHÓ KHĂN TUYỂN DỤNG SẼ CÒN TIẾP DIỄN

Do có đơn hàng phát sinh, bà Hoàng Thị Chính, cán bộ tuyển dụng của Công Ty TNHH Sản phẩm Ricoh Imaging Việt Nam, cho biết từ nay đến cuối năm ngoài các vị trí có tay nghề, đơn vị cần tuyển tương đối nhiều lao động phổ thông, từ 300 – 400 chỉ tiêu.

“Với lao động phổ thông, công ty chỉ cần các bạn chăm chỉ. Nhưng hiện tại rất khó tuyển vì thời điểm này người lao động ít chuyển việc, chờ thưởng Tết. Nguồn lao động cũng khan hiếm”, bà Chính thông tin.

Doanh nghiệp tuyển dụng đến phiên giao dịch việc làm để tuyển lao động. Ảnh: N.Dương.
Doanh nghiệp tuyển dụng đến phiên giao dịch việc làm để tuyển lao động. Ảnh: N.Dương.

Nói về khó khăn khi tuyển dụng lao động phổ thông, ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông Thương hiệu Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè, nói thực tế hiện nhóm lao động trẻ không mặn mà với những công việc như sản xuất. Đơn vị này cho biết gần như làm tất cả những gì có thể để thu hút tuyển dụng, từ tham gia các ngày hội việc làm, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín... nhưng cũng không hiệu quả. 

Báo cáo thị trường lao động tháng 10 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho thấy các doanh nghiệp đánh giá tích cực về tình hình hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm 2024. Nhu cầu tuyển dụng vì thế sẽ tăng cao đối với một số ngành sản xuất kinh doanh, công nghiệp - xây dựng…

Đây là những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhằm đẩy mạnh hoạt động phục vụ cao điểm lễ, Tết cuối năm 2024, đầu 2025. Vì thế, việc khó khăn trong tuyển dụng nhân sự trong thời gian tới có thể tiếp diễn.

Trong bối cảnh đó, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn để tổ chức phiên giao dịch việc làm; hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp có nhu cầu tìm người, lao động có nhu cầu tìm việc kết nối với nhau.